Ðiện Biên tăng cường cán bộ biên phòng về cơ sở

09:26 - Thứ Tư, 05/02/2020 Lượt xem: 3809 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, Tỉnh ủy đã có nhiều chủ trương quan tâm đầu tư xây dựng khu vực biên giới phát triển toàn diện. Trong đó, được đánh giá cao là thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng về các xã biên giới.

Cán bộ Ðồn Biên phòng Mường Pồn tuyên truyền pháp luật cho nhân dân xã Mường Pồn, huyện Ðiện Biên. Ảnh: Trọng Nghĩa

Khu vực biên giới của tỉnh Ðiện Biên có 4 huyện, 29 xã, 342 thôn, bản tiếp giáp với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc. Thời gian qua, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và Ðảng bộ, chính quyền, đoàn thể tỉnh, cùng sự nỗ lực của các đảng bộ và chính quyền địa phương, diện mạo các xã biên giới đã có những khởi sắc đáng mừng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, các xã biên giới vẫn còn khó khăn về nhiều mặt, do cơ sở hạ tầng thấp kém, tỷ lệ đói nghèo cao (chiếm 52,9%); nhiều bản chưa có đảng viên hoặc chưa đủ đảng viên để thành lập chi bộ; trình độ văn hóa và năng lực quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế... Chính vì vậy, các thế lực thù địch đã lợi dụng không ngừng tăng cường chống phá, nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc tại địa bàn khu vực biên giới.

Trước tình hình đó, để cụ thể hóa Chỉ thị số 15/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển KT - XH, củng cố QP - AN các xã, phường biên giới, hải đảo” và Quyết định 135/1998/QÐ-TTg về “Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn”, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ðảng ủy Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh phối hợp với Huyện ủy 4 huyện biên giới (Mường Nhé, Mường Chà, Nậm Pồ và Ðiện Biên) quán triệt, triển khai, xây dựng quy chế phối hợp; xây dựng kế hoạch củng cố hệ thống chính trị cơ sở; đẩy mạnh thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng về các xã biên giới.

Theo đó, Ðảng ủy BÐBP tỉnh đã cụ thể hóa trong nghị quyết lãnh đạo, xây dựng kế hoạch, triển khai điều động, phân công giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ biên phòng trước khi tăng cường về các xã, bản giáp biên giới. Công tác chuẩn bị được tiến hành một cách khoa học từ khâu khảo sát địa bàn, xây dựng kế hoạch phối hợp, xác định nội dung, lựa chọn cán bộ tăng cường cho đến giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ tăng cường. Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện, Ðảng ủy BÐBP tỉnh đã phối hợp với Huyện ủy 4 huyện biên giới tăng cường hàng trăm lượt cán bộ xuống 29/29 xã biên giới. Hiện nay, có 38 đồng chí cán bộ tăng cường cho 29 xã biên giới, trong đó có 29 đồng chí tham gia cấp ủy, giữ chức danh Phó Bí thư Ðảng ủy các xã biên giới. Ðội ngũ cán bộ BÐBP tỉnh được tăng cường đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, giúp nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các đảng bộ xã, chi bộ bản được nâng lên rõ rệt từ khâu ra nghị quyết, tổ chức thực hiện nghị quyết đến chấp hành quy chế làm việc, chế độ sinh hoạt Ðảng... HÐND, UBND các xã biên giới đã thể hiện rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tạo được sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động trong quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, củng cố quốc phòng - an ninh ở địa phương. Phương pháp, tác phong công tác, ý thức trách nhiệm và lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt đã chuyển biến tích cực theo hướng sát dân, gần dân và có trách nhiệm hơn với nhân dân. Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện hiệu quả Nghị quyết 08 và Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ và phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở các xã khu vực biên giới của tỉnh; đã trực tiếp triển khai, phân công cán bộ giúp các xã biên giới xây dựng quy chế làm việc của đảng uỷ, HÐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể nhân dân cấp xã; hướng dẫn chi bộ thôn bản xây dựng nghị quyết, quy trình, nội dung tổ chức sinh hoạt chi bộ. Ðến nay, đội ngũ cán bộ BÐBP được tăng cường đã tham mưu giúp các địa phương củng cố, kiện toàn 945 tổ chức đảng, 686 chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội cựu chiến binh ở xã, bản và hàng nghìn tổ an ninh nhân dân, tổ tự quản, tổ hoà giải ở địa bàn dân cư. Phát hiện, tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, kết nạp 1.423 đảng viên; thành lập mới 97 chi bộ bản, xóa hơn 58 bản chưa có đảng viên tại các bản vùng cao biên giới.

Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh cũng chú trọng quan tâm chỉ đạo cán bộ BÐBP tăng cường chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các xã biên giới tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Kết quả đến nay có 6 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới (Thanh Luông, Thanh Chăn, Thanh Hưng, Thanh Nưa, Chà Nưa và Sín Thầu). Thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”; thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện có 78 thôn bản, 32 tập thể với 4.627 hộ/18.612 người đăng ký tự quản 366,861km đường biên giới, 150 mốc giới; 350 tổ/2.053 thành viên tự quản ANTT ở thôn bản...

Theo đánh giá của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ðiện Biên Lò Văn Muôn, chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng về cơ sở tham gia cấp ủy các xã biên giới đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn thể các xã. Các chế độ sinh hoạt, công tác của tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể đã đi vào nền nếp, hoạt động hiệu quả; mối quan hệ giữa tổ chức đảng, chính quyền với nhân dân ở các xã biên giới được củng cố; làm nền tảng vững chắc để xây dựng khu vực biên giới của tỉnh vững mạnh, ổn định và phát triển.

Phong Lâm

(Ban Tổ chức Tỉnh ủy)

Bình luận
Back To Top