Chia sẻ khó khăn cùng nhân dân - không chỉ là nhiệm vụ

09:18 - Thứ Năm, 30/07/2020 Lượt xem: 5352 In bài viết

ĐBP - Vững tay súng giữ gìn an ninh trật tự vùng biên giới; là điểm tựa cho người dân trong hành trình vượt qua nghèo khó, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Mỗi câu chuyện của cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Mường Mươn (đóng chân tại xã Mường Mươn, huyện Mường Chà) là minh chứng cho phẩm chất tốt đẹp của người lính mang quân hàm xanh - những người luôn coi “Ðồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Mường Mươn gặp gỡ người dân, nắm tình hình địa bàn tại bản Hô Chim 1, xã Ma Thì Hồ.

Trên đường đến xã Ma Thì Hồ, Ðại úy Vàng A Chua, Chính trị viên phó Ðồn Biên phòng Mường Mươn chia sẻ với chúng tôi: “Ðồn Biên phòng Mường Mươn quản lý 24,3km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly, nước CHDCND Lào gồm 7 cột mốc (từ cột mốc 78 - mốc 84) thuộc 3 xã biên giới Mường Mươn, Na Sang, Ma Thì Hồ. Ðịa bàn quản lý rộng, đời sống người dân các xã biên giới còn rất nhiều khó khăn nên công tác giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị. Phát huy kết quả là điểm tựa cho người dân khu vực biên giới vượt qua khó khăn trong thời gian qua, đầu năm 2020 Ðảng ủy tiếp tục cử 11 đồng chí đảng viên xuống cắm bản, sinh hoạt cùng chi bộ bản, “3 bám, 4 cùng” với nhân dân. Trong đó, xã Ma Thì Hồ có 3 đồng chí cắm tại 3 bản, thuộc cụm bản khó khăn nhất xã.”

Thành lập năm 2012, Huổi Y là bản “em út” và nghèo khó nhất xã Ma Thì Hồ. Ðến thời điểm năm 2017, Huổi Y vẫn là bản “5 không”: Không điện, không đường, không lớp học, không nước sinh hoạt hợp vệ sinh và vẫn còn người không biết chữ. 18 hộ dân của bản Huổi Y sống tập trung trên một ngọn đồi trọc, bao quanh dưới chân đồi là dòng suối Huổi Y. Ðịnh cư tại địa bàn cực kỳ hiểm trở, heo hút, thiếu điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội nên cuộc sống của người dân bản Huổi Y rất khó khăn; khi đó 100% số hộ trong bản là hộ nghèo, cả bản có 12/18 hộ ở nhà tạm, dột nát.

Ông Cháng A Của, Trưởng bản Huổi Y cho biết: Những năm qua, tổ công tác Ðồn Biên phòng Mường Mươn đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, khai hoang ruộng nước, bảo vệ rừng. Ðặc biệt Ðồn đã phối hợp với đoàn thanh niên xã tổ chức mở mới 4km đường lên khu sản xuất; sửa chữa, nâng cấp 10km đường từ bản ra trung tâm xã. Khi xảy ra vụ việc tranh chấp đất rừng dẫn đến phá rừng phòng hộ giữa 2 bản: Huổi Y và Huổi Quang 2, tổ công tác biên phòng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm Luật Quản lý và Bảo vệ rừng, đồng thời hướng dẫn khai hoang ruộng bậc thang. Ðến nay diện tích rừng bị phá đang dần phục hồi. Từ bản “5 không”, đến nay Huổi Y đã được đầu tư điểm trường mầm non, công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đường liên thôn đảm bảo đi lại 4 mùa. Hiện bản đã có 2/18 hộ thoát nghèo, kết nạp mới được 2 đảng viên. Dự kiến năm 2020 sẽ tách, thành lập chi bộ bản Huổi Y.

Ở xã Ma Thì Hồ có một “nghịch lý”: Các bản vùng cao không có đất làm ruộng, còn các bản trung tâm có diện tích ruộng bằng phẳng, được đầu tư thủy lợi kiên cố đủ nước sản xuất 2 vụ nhưng người dân lại chỉ làm 1 vụ, còn 1 vụ bỏ không. Sau 2 năm được phân công tăng cường xã và giữ chức vụ Phó Bí thư Ðảng ủy xã Ma Thì Hồ, Thiếu tá Lê Bá Huy, cán bộ Ðội Vận động quần chúng Ðồn Biên phòng Mường Mươn đã nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ðảng ủy, UBND xã Ma Thì Hồ giải pháp khắc phục. Từ vụ đông xuân năm 2019, Ðảng ủy xã phân công đảng viên phụ trách các tổ sản xuất tiến hành làm đất, gieo ngô trên diện tích gần 6ha đất lúa bỏ hoang. Cuối vụ, ngô cho năng suất, sản lượng cao và được thương lái thu mua tại ruộng.

Thiếu tá Lê Bá Huy cho biết: Từ thành công của mô hình điểm, tôi tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã thành lập các tổ tuyên truyền trực tiếp xuống thôn bản để tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy “chỉ làm đủ ăn” của người dân, thực hiện sản xuất 2 vụ/năm để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Năm 2020, nhiều diện tích đất ruộng đã được người dân phủ xanh bằng những ruộng ngô.

Công tác giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội không chỉ được cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Mường Mươn thực hiện tốt ở xã Ma Thì Hồ mà tại 2 xã: Mường Mươn, Na Sang cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã được nhân rộng, việc hỗ trợ, nâng bước học sinh khó khăn đến trường được đảm bảo; công tác kết nối, huy động kinh phí, vật chất để đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp dân phát triển kinh tế… được thực hiện hiệu quả. Ðến với dân, chia sẻ khó khăn cùng nhân dân không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm vui, niềm hạnh phúc của cán bộ chiến sĩ Ðồn Biên phòng Mường Mươn. Hình ảnh những người lính quân hàm xanh đã trở nên gần gũi, thân thuộc với bà con các dân tộc, được bà con yêu thương, tin tưởng. Niềm tin yêu đó đã được xây dựng trong suốt hành trình đến với dân, nghe dân nói, nói dân tin, làm dân thấy. Ðó là nguồn động lực to lớn để cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Mường Mươn tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top