Khi lính biên phòng làm “cha nuôi”

09:41 - Thứ Tư, 12/08/2020 Lượt xem: 5335 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai trong toàn lực lượng, những cán bộ, chiến sĩ biên phòng có thêm vai trò mới là trở thành những người “cha nuôi”. Và ở nơi vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn như Nậm Pồ, với trách nhiệm cao cả của mình, những người “cha nuôi” là những người lính biên phòng đã và đang chăm sóc cho các em có hoàn cảnh khó khăn, chắp cánh cho các em vươn tới ước mơ.

Mỗi tối cán bộ, chiến sĩ biên phòng đều kèm cặp các con nuôi học tập.

Em Giàng A Cường, 8 tuổi, ở bản Nậm Tắt, xã Nà Bủng vốn sinh sống trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại sớm thiếu vắng tình cảm của người cha. Từ chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”, năm 2019, Cường được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nà Bủng đón nhận về làm con nuôi, cũng từ đây, em lại được tiếp tục gọi những tiếng bố, tiếng cha đầy ắp tình cảm dưới mái nhà chung mới. Trong tuổi thơ của cậu bé người dân tộc Mông này cũng như cho đến mai sau sẽ mãi còn tự hào vì đã có những người cha nuôi mang quân hàm xanh.  Bà Tráng Thị Mây, mẹ Cường chia sẻ: Cuộc sống gia đình tôi khó khăn lắm, chồng tôi đã bỏ đi lấy vợ khác, các cháu không được học hành, chăm lo đến nơi đến chốn. Nhiều khi Cường bảo nó nhớ bố lắm, tôi cũng rất thương con, nhưng không biết làm sao cả. Rất may mắn, cháu được các chú bộ đội đón về đồn biên phòng làm con nuôi. Từ đấy nó vui hơn nhiều, về nhà nó khoe suốt là có các bố nuôi làm bộ đội. Tôi không biết nói gì hơn, cảm ơn cán bộ biên phòng nhiều. Tôi cũng sẽ cùng các bộ đội nuôi dạy bảo ban con thật tốt.

Ngoài em Giàng A Cường, Đồn Biên phòng Nà Bủng còn nhận nuôi em Mùa Xuân Lợi, hai em được bố trí ăn, ngủ, sinh hoạt tại đơn vị, được các chiến sĩ chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ. Ngoài ra, ở ngôi nhà chung mới, các em được dạy bảo thêm nhiều kỹ năng sống để trở thành những công dân tốt. Đại úy Nguyễn Văn Sơn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Nà Bủng cho biết: Đối với 2 con nuôi đồn đã đón về đơn vị ở, hàng ngày, đơn vị đều cắt cử cán bộ, chiến sĩ kèm cặp các con. Chăm lo cho các con đến trường, đón về. Cùng với việc định hướng, bảo ban trong học tập, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều gần gũi, tâm sự với các con để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời định hướng cho các con theo những nếp nghĩ, hành động tích cực.

Nậm Pồ là một huyện miền núi có đường biên giới tiếp giáp với nước Lào, toàn huyện có 5 đồn biên phòng đứng chân, quản lý bảo vệ 8 xã biên giới. Với phương châm “3 bám, 4 cùng” cán bộ, chiến sĩ ở các đồn biên phòng trên địa bàn huyện đã tích cực củng cố, thắt chặt thêm tình quân - dân nơi biên giới của Tổ quốc. Trong vai trò là những người “cha nuôi” của các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những người lính biên phòng mang trên mình trách nhiệm chăm sóc các em nhỏ như những người con, người cháu trong gia đình. Hiện nay, trên địa bàn huyện Nậm Pồ, có 3 đồn biên phòng nhận 6 học sinh có hoàn cảnh khó khăn làm con nuôi là đồn Nà Hỳ, Nà Bủng và Na Cô Sa.  Còn hơn chục em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường từ nguồn quỹ “Nâng bước em đến trường” do cán bộ, chiến sĩ các đồn vận động, gây quỹ.

 Với những người cha, người chú mang quân hàm xanh đã và đang đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hàng ngày mỗi sự tiến bộ, trưởng thành của mỗi người con nuôi chính là những niềm vui lớn nhất. Và sau này khi các em trưởng thành, trở thành những người có ích cho xã hội, thực hiện được ước mơ của mình sẽ chính là món quà lớn nhất dành cho những người cha, người chú mang quân hàm xanh nơi vùng cao biên giới Nậm Pồ.

Bài, ảnh: Thanh Bình
Bình luận
Back To Top