Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tôn giáo

13:19 - Chủ Nhật, 20/12/2020 Lượt xem: 5897 In bài viết

ĐBP - Theo báo cáo từ các cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 tôn giáo chính đang hoạt động: Ðạo Tin lành, Công giáo, Phật giáo. Tính đến ngày 31/10/2020, trên địa bàn tỉnh có 12.996 hộ, với 73.294 người theo tôn giáo ở 632 thôn, bản, tổ dân phố thuộc 116 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Ðến nay đã có 297/408 điểm, nhóm đã được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Cán bộ, chiến sĩ BÐBP tỉnh tuyên truyền chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước tới người dân xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tình hình dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không xảy ra các vụ việc, hiện tượng phức tạp. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động ổn định, tuân thủ pháp luật. Các điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tập trung chấp hành tốt các chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện theo đúng chương trình, nội dung đăng ký hàng năm, các quy định của địa phương và nơi cư trú... Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, tình hình hoạt động tôn giáo trên địa bàn vẫn còn không ít khó khăn, bất cập: Còn một số nhóm, phái cực đoan hoạt động trái pháp luật như “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”, “Hội thánh Ðức Chúa trời mẹ” thường xuyên tuyên truyền xuyên tạc, kích động các hoạt động chống phá Ðảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, tình hình mâu thuẫn nội bộ trong tổ chức tôn giáo, hệ phái giữa các tôn giáo ảnh hưởng tới hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; các nhóm, phái tôn giáo chưa được công nhận, các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới, “tà đạo”, “đạo lạ” tăng cường lôi kéo người tham gia, tăng cường hoạt động tuyên truyền mê tín dị đoan, gây hoang mang cho nhân dân… đã và đang tác động trực tiếp đến công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng, cấp ủy các cấp chủ động phối hợp, nắm bắt tình hình, đánh giá thực trạng, hoạt động của tổ chức tôn giáo trên địa bàn; giải quyết các vụ việc có liên quan đến tôn giáo. Thực hiện quản lý, hướng dẫn tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tôn giáo được hoạt động, sinh hoạt theo quy định của pháp luật; kịp thời ngăn chặn các hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Ðồng thời tranh thủ phát huy vai trò các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong công tác vận động tín đồ không tin theo luận điệu tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”, không di cư, không xuất cảnh trái phép; không tập trung đông người gây rối an ninh trật tự. Nội dung tuyên truyền tập trung về chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước về tôn giáo: Chỉ thị  số 10-CT/TU, ngày 10/6/2016 về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Ðảng đối với công tác tôn giáo”; Kế hoạch số 41-KH/TU, ngày 7/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 -CT/TW, ngày 10/01/2018 về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới... Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo còn được lồng ghép trong hoạt động của cuộc họp tổ dân phố, bản, tiếp xúc cử tri, tranh thủ chức sắc khi đến thăm các điểm nhóm... Qua đó, nhân dân, các tín đồ tôn giáo hiểu và chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật trong sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; không nghe theo các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn.

Thực hiện tốt công tác quản lý, hướng dẫn đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung: Năm 2020, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 72 điểm nhóm, nâng tổng số điểm nhóm được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung là 297 điểm nhóm (trong đó có 289 điểm nhóm Tin lành và 8 điểm nhóm Công giáo).

Công tác kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Hiện nay, tỉnh ta đã thành lập 1 phòng Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ chuyên trách theo dõi, tham mưu cho UBND tỉnh quản lý các hoạt động tôn giáo trên địa bàn; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã bố trí từ 1 - 2 cán bộ, chuyên viên phụ trách, theo dõi (kiêm nhiệm) công tác tôn giáo. Từ đầu năm 2020 đến nay, Sở Nội vụ đã phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Tỉnh đoàn tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho 350 lượt cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo các cấp.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh luôn được thực hiện hiệu quả. Tình hình tôn giáo cơ bản ổn định, những vụ việc liên quan đến tôn giáo phát sinh trên địa bàn được giải quyết tốt, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh chính trị và an toàn xã hội trên địa bàn.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top