Phát huy sáng kiến, thực hiện hiệu quả công tác quản lý kỹ thuật

09:48 - Thứ Hai, 12/04/2021 Lượt xem: 6845 In bài viết

ĐBP - Là địa bàn biên giới, Điện Biên có khí hậu khắc nghiệt, đồi núi cao, mùa mưa kéo dài độ ẩm lớn, mùa khô bị ảnh hưởng sức nóng của đới gió Lào đã ảnh hưởng tới việc quản lý sử dụng các loại xe, máy phục vụ hoạt động quân sự quốc phòng. Lượng xe - máy thuộc Bộ CHQS tỉnh quản lý, sử dụng có niên hạn lâu năm và đã qua nhiều lần nâng cấp đồng bộ đã gây ra khó khăn nhất định cho công tác bảo đảm kỹ thuật. Xuất phát từ thực tiễn, đơn vị đã chủ động khắc phục khó khăn, phát huy sự sáng tạo bằng nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự quốc phòng.

Thiếu tá Trần Duy Hưng trình bày sáng kiến “Vam cầm tay đa năng sử dụng trong bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị máy xe ô tô”.

Phòng Kỹ thuật là cơ quan trung tâm đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho các đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên, thợ sửa chữa trực tiếp làm công tác quản lý, khai thác trang bị kỹ thuật xe - máy; các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu của Cuộc vận động “Quản lý khai thác vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”; đồng thời đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, duy trì hệ số kỹ thuật và tính đồng bộ của các loại xe - máy trong lực lượng vũ trang tỉnh. Thực hiện khâu đột phá quản lý trang bị kỹ thuật xe - máy, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm nền nếp chế độ ngày kỹ thuật và chế độ trực ban kỹ thuật, chế độ kiểm tra trang bị, duy trì nghiêm các chế độ quy định về sử dụng. Các loại xe - máy khi đưa ra sử dụng đều được kiểm tra, đăng ký, đăng kiểm, quản lý chặt chẽ, đủ tiêu chuẩn mới cho phép sử dụng. Hiện đơn vị đang quản lý hơn 50 xe ô tô, xe mô tô 2 bánh, mô tô 3 bánh, trong đó nhóm xe tác chiến là 6 chiếc, nhóm xe bảo đảm là 34 chiếc, tất cả đều có hệ số kỹ thuật đảm bảo.

Hàng năm, cơ quan chính trị đưa nội dung giáo dục Luật Giao thông đường bộ và các chỉ thị, quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và của đơn vị vào kế hoạch giáo dục chính trị. Đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm việc tuyên truyền bằng hệ thống khẩu hiệu pa nô, tranh cổ động về công tác kiểm định phương tiện và kiểm tra một năm hai đợt đối với các loại giấy tờ và kết hợp với bổ túc tay lái đối với đội ngũ lái xe. Khi cán bộ, chiến sỹ được nghỉ phép, tranh thủ hoặc đi công tác lẻ, xa đơn vị đều có bản cam đoan thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn giao thông. Hàng năm đơn vị có khoảng gần 40.000km hoạt động xe ô tô, bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật gần 700 lượt xe các loại.

Một trong những điểm đột phá của ngành kỹ thuật chính là việc gắn trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy đối với nhiệm vụ chính trị; lấy chất lượng, hiệu quả và an toàn làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân. Phong trào thi đua giữ tốt, dùng bền, sử dụng hiệu quả được triển khai sâu rộng. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật luôn mở rộng ở các cơ quan, đơn vị, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các tập thể, cá nhân vươn lên hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm. Điển hình như sáng kiến “Thiết bị kiểm thử máy khởi động điện” của Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Phạm Văn Định, Ban Xe máy, Phòng Kỹ thuật với tính ưu việt: Kiểm tra đánh giá hư hỏng của máy khởi động một cách chính xác, để từ đó xác định nội dung cần bảo dưỡng sửa chữa, thay thế chi tiết và cuối cùng là công đoạn thử máy khởi động xem có làm việc bình thường hay không đảm bảo khi lắp lên xe là có thể làm việc được ngay. Áp dụng sáng kiến này tiết kiệm được nhân công và thời gian bảo dưỡng, sửa chữa; an toàn tuyệt đối khi kiểm thử, độ chính xác cao, không gây hỏng chi tiết, bộ phận của máy khởi động.

Thượng tá Lê Văn Khoản, Chủ nhiệm Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh cho biết: Điểm sáng tạo là, sáng kiến đã tái hiện quá trình làm việc thực tế của máy khởi động trên xe ô tô nhưng được thu gọn trong thiết bị, để từ đó quá trình kiểm thử đảm bảo tính tổng thể và toàn diện nhất. Thiết bị kiểm thử còn có thể dùng làm mô hình học cụ cho công tác huấn luyện chuyên ngành, cụ thể là mô phỏng hệ thống khởi động điện trên xe ô tô.

Mô hình sáng kiến “Vam cầm tay đa năng sử dụng trong bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị máy xe ô tô” của Thiếu tá QNCN Trần Duy Hưng mang lại lợi thế tiết kiệm về nhân lực chỉ một người thực hiện mà trước đây phải cần từ 2 - 3 người. Thứ hai là sửa chữa các chi tiết được thuận lợi mà không cần đầu tư máy móc hiện đại hoặc phải đi thuê ngoài. Thứ ba, tiết kiệm thời gian, an toàn tuyệt đối khi bảo dưỡng, sửa chữa; bảo đảm độ chính xác cao không gây hư hỏng các bộ phận, cụm chi tiết trong quá trình tháo lắp bảo dưỡng, sửa chữa. Thiết bị tích hợp được nhiều công việc trên bộ vam mà trước đây phải dùng đến nhiều thiết bị, dụng cụ cho từng công việc.

Thời gian tới, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng, tạo nguồn, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật xe - máy “vừa hồng, vừa chuyên”, chủ động củng cố, kiện toàn hệ thống nhà kho, khu kỹ thuật và xác định nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời giáo dục động viên cán bộ, chiến sĩ khắc phục mọi khó khăn, làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật kịp thời, đủ về số lượng, đúng về chủng loại và đồng bộ trang bị góp phần quan trọng để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ quân sự quốc phòng.

Bài, ảnh: Đức Hạnh (Bộ CHQS tỉnh)
Bình luận
Back To Top