Những “cột mốc sống” vùng biên Mường Chà

10:05 - Thứ Hai, 26/04/2021 Lượt xem: 8024 In bài viết

ĐBP - Nhiều năm qua, cùng với lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP), nhân dân các dân tộc khu vực biên giới Mường Chà đã tự nguyện tham gia tuần tra đường biên, bảo vệ mốc quốc giới. Từng thế hệ nối tiếp đã và đang trở thành những “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Lực lượng phối hợp tuần tra thực hiện nghi thức chào cột mốc tại mốc quốc giới 78 thuộc xã Ma Thì Hồ.

Mỗi người dân là một “cột mốc”

Các chuyến tuần tra đường biên, mốc giới trên địa bàn xã Mường Mươn của Đồn Biên phòng Mường Mươn luôn có một chàng trai trẻ tham gia. Đó là Giàng A Sinh, Trưởng bản Kết Tinh, xã Mường Mươn. Vóc dáng nhỏ bé, nước da ngăm đen và mái tóc cháy nắng, đúng với tính cách của một nông dân vùng cao chân chất, anh Sinh bộc bạch: “Mình sinh ra và lớn lên ở vùng biên giới, cuộc sống gắn chặt với núi rừng biên cương. Nhiều năm qua, mình vẫn đều đặn tham gia với Đồn Mường Mươn tuần tra, bảo vệ cột mốc biên cương. Nhất là từ khi được bầu làm trưởng bản, mình thấy càng phải có trách nhiệm hơn nữa để bảo vệ chủ quyền biên giới”.

Trong chuyến phối hợp tuần tra đường biên, mốc quốc giới trên đoạn biên giới thuộc xã Ma Thì Hồ vào trung tuần tháng 4 vừa qua, Vừ A Vang, chiến sĩ dân quân của xã Ma Thì Hồ là người trẻ tuổi nhất trong đoàn. Vừ A Vang cho biết: Sau khi tham gia lực lượng dân quân xã, đây là chuyến đi đầu tiên lên cột mốc của em. Khi thực hiện nghi thức chào cột mốc, nghe cán bộ Đồn Biên phòng Mường Mươn giới thiệu lịch sử xây dựng mốc, chủ quyền Tổ quốc, em cảm thấy tự hào lắm. Em nghĩ không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào khi được góp sức mình bảo vệ chủ quyền biên giới”.

Còn ông Hạng Dụ Chúng, với tâm niệm “mình ở gần biên giới phải bảo vệ biên giới”, đã dành gần như cả cuộc đời tham gia bảo vệ cột mốc, đường biên. Quãng đường hơn 20km từ bản Hô Chim 2 đến 2 mốc quốc giới 78, 79 thuộc địa bàn xã Ma Thì Hồ, ông Chúng đều thuộc nằm lòng từng đoạn cua, con dốc. Ông Chúng kể: “Được BĐBP tuyên truyền về tầm quan trọng của cột mốc quốc giới, tôi hiểu rằng biên giới có bình yên người dân mới yên tâm lao động, sản xuất, ổn định lâu dài nên tôi rất tự hào được tham gia vào tổ tự quản đường biên, cột mốc và cùng với BĐBP tuần tra, bảo vệ mốc giới. Bây giờ đây tôi đã gần 80 tuổi, sức khỏe yếu hơn trước, không thể đi mốc nhưng với trách nhiệm là người có uy tín của bản, tôi vẫn luôn căn dặn con cháu, bà con trong bản rằng không chỉ BĐBP mà mỗi người dân của bản cũng phải có trách nhiệm cùng chung tay thực hiện bảo vệ đường biên, mốc giới”.

Phát huy sức mạnh toàn dân

Mô hình quần chúng tự quản đường biên và mốc quốc giới được hình thành và hoạt động hiệu quả từ năm 1993. Đến năm 2015, trong Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc trên địa bàn Mường Chà ngày càng có chuyển biến rõ rệt.

Thiếu tá Phạm Văn Tuyền, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Mươn cho biết: Từ khi triển khai Chỉ thị 01, bà con dân tộc thiểu số ở biên giới Mường Chà đều hăng hái tham gia bảo vệ biên cương. Đến nay, 3 xã biên giới của huyện Mường Chà đã có 6 bản với 307 gia đình tham gia “Tổ tự quản đường biên, cột mốc”, chịu trách nhiệm quản lý 21,8km đường biên và 7 mốc quốc giới. Toàn huyện đã có 33 bản thành lập Tổ tự quản an ninh trật tự gồm 99 thành viên. Không chỉ tham gia tuần tra đường biên, mốc quốc giới cùng BĐBP, người dân còn kết hợp kiểm tra, phát quang xung quanh mốc quốc giới và cung cấp các thông tin liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cho lực lượng BĐBP trong những lần đi nương. Nhiều vụ việc xảy ra trên biên giới như: Xâm hại cột mốc, xâm canh, vi phạm đường thông tầm nhìn biên giới, vượt biên trái phép... đều được nhân dân khu vực biên giới kịp thời phát hiện, thông báo và phối hợp cùng các đồn biên phòng đấu tranh có hiệu quả”.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top