Chính trịXây dựng Đảng

Tỉnh Ðiện Biên sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW

Tiền đề vững chắc để thực hiện tốt nhiệm vụ

08:21 - Thứ Sáu, 06/07/2018 Lượt xem: 9154 In bài viết
ĐBP - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh, nhận thức về vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng, tầm quan trọng của công tác xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh trong cấp ủy các cấp và cán bộ, đảng viên được nâng lên và có chuyển biến rõ rệt.

 

Ông Tòng Văn Din (thứ 2 từ trái sang), Bí thư Chi bộ 6, bản Phì Cao, xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) trao đổi với cán bộ bản Hồi Hương về công tác phát triển đảng viên. Ảnh: Phong Lâm

Nhìn từ thực tiễn có thể thấy, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên đã được tập trung chỉ đạo thực hiện; nhất là đối với tổ chức cơ sở đảng yếu kém, nơi còn nhiều khó khăn, địa bàn trọng yếu, vùng cao, vùng biên giới. Số lượng, chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên tăng hàng năm. Từ năm 2008 đến nay, Ðảng bộ tỉnh thành lập mới được 138 tổ chức đảng (đảng bộ cơ sở 60, chi bộ cơ sở 78) tăng 27%; kết nạp 19.168 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp 1.900 đảng viên. Trình độ đảng viên cũng có sự chuyển biến tích cực so với năm 2008: Năm 2017, Ðảng bộ tỉnh có 680 đảng viên có học vị tiến sĩ, thạc sĩ, tăng 551 đảng viên; 11.526 đảng viên có bằng đại học, tăng 7.583 đồng chí... Trình độ lý luận chính trị: 1.343 đảng viên có bằng cử nhân, cao cấp, tăng 460 đồng chí; trung cấp 5.338 đảng viên, tăng 2.130 đồng chí so với năm 2008. Công tác phát triển đảng viên được đặc biệt quan tâm, trong đó chú trọng các chi bộ vùng sâu, vùng xa góp phần thu hẹp đáng kể số thôn, bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ. Ðầu năm 2008, trên địa bàn tỉnh có 134/1.459 thôn, bản chưa có đảng viên, chiếm tới 9,18%; đến nay đã xóa 113 thôn, bản chưa có đảng viên, đưa tỷ lệ thôn, bản chưa có đảng viên xuống còn 1,15%.

Cùng với đó, công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát được coi trọng, đã quan tâm chỉ đạo, kiểm tra góp phần phòng ngừa, chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, sa sút về phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, ngăn chặn tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Ðiều lệ Ðảng và pháp luật của Nhà nước, giữ vững kỷ luật của Ðảng. Nội dung và phương pháp đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm cũng được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện sát với thực tiễn. Việc kiểm điểm tập thể, cá nhân thực hiện đúng yêu cầu, nội dung, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và những nội dung gợi ý kiểm điểm sâu của cấp ủy cấp trên về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Việc kiểm điểm được thực hiện đúng quy trình, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, không lợi dụng kiểm điểm để gây mất đoàn kết. Sau kiểm điểm các cấp ủy, tổ chức đảng thấy được kết quả cũng như hạn chế, yếu kém của mình; đồng thời, có kế hoạch củng cố tổ chức đảng yếu kém, giáo dục, giúp đỡ cán bộ, đảng viên có mặt hạn chế, đảng viên vi phạm tư cách. Qua đánh giá, hàng năm, tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh đạt 62,98% (trong đó trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 19,85%), tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ 30,21%, hoàn thành nhiệm vụ 5,9%, tổ chức cơ sở đảng yếu kém chỉ còn 0,94%. Số đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 12,54%, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 77,15%, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ đạt 9,95%, đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ chỉ còn 0,36%

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hóa, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tăng cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, đến hết năm 2017, số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn là 2.840 người, tăng 1.227 người, tăng 76% so với năm 2008 với đa số là trình độ đại học, cao đẳng, tỷ lệ chưa qua đào tạo giảm dần theo từng năm. Cùng với đó, toàn tỉnh có 32 trí thức trẻ được tăng cường làm phó chủ tịch UBND các xã thuộc 4 huyện nghèo (Mường Nhé, Tủa Chùa, Mường Ảng, Ðiện Biên Ðông). Nhìn chung, các tri thức trẻ đã khẳng định được năng lực, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; nhiệt tình, tích cực bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tích lũy kinh nghiệm thực tế và được nhân dân ghi nhận. Ðội ngũ cán bộ tham gia cấp ủy cơ sở từng bước được nâng cao về chất lượng, giữ vai trò nòng cốt trong lãnh đạo, cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy các cấp đi vào cuộc sống. Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt và thực hiện nhất quán chủ trương bí thư cấp ủy là chủ tịch HÐND cấp xã. Do vậy, nhiệm kỳ 2016 - 2021 có 69/130 đơn vị cấp xã thực hiện chủ trương bí thư đảng ủy là chủ tịch HÐND cấp xã, 15/130 xã đồng chí phó bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HÐND, chỉ còn 46/130 xã chưa có điều kiện thực hiện chủ trương này vẫn duy trì chủ tịch HÐND chuyên trách. Chủ trương nhất thể hóa đã giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất của cấp ủy đối với HÐND, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Từ những kết quả trên có thể tin rằng, đây là tiền đề vững chắc để Ðiện Biên tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 22-NQ/TW đạt những kết quả mới, góp phần xây dựng Ðảng bộ và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với trọng trách mà nhân dân giao phó.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top