Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Mười năm sau “cơn bão” Huổi Khon

15:00 - Thứ Ba, 12/10/2021 Lượt xem: 4156 In bài viết

ĐBP - Nhắc đến bản Huổi Khon, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên, vì nơi đây đã từng là điểm nóng với sự kiện tụ tập khoảng 7.000 người đòi thành lập “nhà nước Mông” cách đây 10 năm. Ngày đó, Huổi Khon không phải là vùng đất trù phú nhưng kẻ xấu đã lợi dụng để tụ tập với  ảo vọng thành lập “nhà nước Mông”. Thế nhưng, bằng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên, 10 năm sau “cơn bão”, bản Huổi Khon nay đã yên bình trở lại và một cuộc sống mới đang hiện hữu nơi “tâm bão” với những ruộng lúa, nương ngô phát triển xanh tốt bên bờ sông Nậm Nhé…

Ông Sùng A Kỷ, Trưởng Ban công tác Mặt trận bản Huổi Khon 1, xã Nậm Kè (thứ 2 từ phải sang) kể lại vụ việc năm 2011.

Bài 1: Từ chỗ tối đến nơi sáng

Đối với nhân dân trên địa bàn, nhất là những người đã từng “lầm đường, lạc lối” tin theo luận điệu của kẻ xấu thì nhờ những lời khuyên “thấu tình, đạt lý” của cấp ủy, chính quyền các cấp địa phương mà họ đã dần tỉnh ngộ, nhận ra bộ mặt thật, âm mưu của kẻ xấu. Giờ đây, họ không còn tin, không nghe theo luận điệu hoang đường của những kẻ phản động, tập trung làm ăn để phát triển kinh tế gia đình. Sự việc đã trôi qua 10 năm, song trong tiềm thức của những người dân bản Huổi Khon và những người từng tham gia tụ tập vẫn chưa quên được những ký ức buồn trong những ngày “giông bão” kéo qua bản nhỏ và coi đó như một lời nhắc nhở, cảnh tỉnh đối với những ai mù quáng nghe theo lời kẻ xấu.

Ký ức buồn

Ngược dòng trở về thời điểm cách đây 10 năm (năm 2011), hàng nghìn người đã dắt díu nhau về “miền đất hứa” Huổi Khon với giấc mộng “đón vua” giáng trần đưa họ về miền cực lạc. Thời điểm dòng người từ mọi miền kéo về tụ tập ở Huổi Khon, dù gia đình ông Giàng Bảo Phía, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) không tham gia vào dòng người ấy nhưng ông và người thân cũng di cư từ quê nhà Sơn La để đến bản Cà Là Pá (xã Leng Su Sìn); còn những người anh em của mình thì lại vào tụ tập ở Huổi Khon. Vì vậy, ông Phía đã chứng kiến cuộc sống cùng cực của những người anh em khi mù quáng tin theo lời dụ dỗ của kẻ xấu trở về Huổi Khon tụ tập với ước mơ “đổi đời” mong manh. Thế nhưng đổi đời đâu không thấy mà chỉ thấy cuộc sống rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”, không chốn nương thân. Trong ngôi nhà khang trang được dựng lên từ Đề án 79 của Chính phủ, ông Giàng Bảo Phía nhớ lại: Nghe theo lời kẻ xấu, người thân, anh em của mình kéo nhau từ huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) ồ ạt đi đến Huổi Khon. Với lời đồn đón vua ra, họ tha lôi vợ con trở về đó nhưng lại rơi vào cảnh khốn đốn, thiếu thốn nhiều thứ lắm, không được như ở quê cũ đâu. Người thì đông mà thức ăn, đồ uống lại không có đủ nên vừa đói, vừa khát, song muốn quay về cũng không được, chúng nó khổ lắm! May mà có cán bộ giúp thì mới thoát được hoàn cảnh đó. Nghĩ lại thấy thật buồn!

Từ năm 2004 - 2019, ông Sùng A Kỷ là trưởng bản Huổi Khon. Thời điểm đó, ông Kỷ là người bản địa, chứng kiến sự việc từ khi những người dân đầu tiên về bản tụ tập cho đến khi họ tự giác tháo dỡ lán trại, trở về quê hương nên ông Kỷ hiểu hơn ai hết về cuộc sống cơ cực, đói khát của những người đã mù quáng tin theo lời kẻ xấu về bản tụ tập. Đến nay, ông Sùng A Kỷ đã chuyển sang làm Trưởng ban công tác mặt trận bản Huổi Khon 1 nhưng những hình ảnh đói khát, khổ cực của hàng trăm người tụ tập ở bản vẫn còn in đậm trong tâm trí ông. Ông Kỷ cho biết: Họ về đây tụ tập khổ lắm, thiếu nước uống, thiếu cơm ăn và ở trong các lều bạt tạm bợ. Sau vài ngày sống tập trung trên đồi trống, nhiều người phải ăn măng và rau rừng để sống qua ngày. Thương đám trẻ con đói khát, có đứa sốt cao và thậm chí bị chết nữa. Ai nấy trông đều đói khổ lắm, có đứa ốm quá, không đi được cứ đòi uống nước, rồi xin cái ăn. Bây giờ, tôi cũng như nhiều người dân chứng kiến cảnh đó vẫn còn thấy sợ!

Những tưởng trở về Huổi Khon được “vua” giáng trần rồi ban phát cho cuộc sống ấm no, chẳng làm cũng có ăn, nhưng thực tế lại là cảnh cùng cực với hàng nghìn người tập trung trên ngọn đồi trống trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu các vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt, ăn uống, khiến sức khỏe của những người tập trung ở Huổi Khon ngày càng yếu ớt. Nhờ có chính quyền, các lực lượng chức năng và bác sĩ luôn quan tâm, không bỏ rơi những người đã đi sai lối và mang gạo, thuốc kịp thời cứu giúp. Nhờ vậy, hàng trăm người già, trẻ ốm đau, đói khát nằm thoi thóp vì đói, vì bệnh tật trong những lều lán đã được cứu sống. Sau đó, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã đem đến sự “thay da, đổi thịt” cho bản Huổi Khon. Còn sự việc cách đây 10 năm, nay chỉ còn là những kỷ niệm buồn, ký ức đáng quên còn đọng lại trong tâm trí của những người dân ở mảnh đất nơi cực Tây của Tổ quốc.

Chân tướng bị phơi bày

Với luận điệu tuyên truyền, vận động nhân dân ra Huổi Khon đón “vua” để thành lập “nhà nước Mông”, các gia đình sẽ được cho nhiều tiền của, vàng bạc và cuộc sống sung sướng; nhưng sự thật lại là cuộc sống đói khát, khổ cực mà vẫn không thấy “vua” xuất hiện. Lúc này, một bộ phận người dân đã biết mình bị kẻ xấu lừa gạt, lợi dụng nhưng chúng không cho “quay đầu”. Ông Giàng A Phừ, bản Pá Mỳ 1, xã Pá Mỳ (huyện Mường Nhé) tâm sự: Bọn xấu chỉ lợi dụng sự cả tin của dân bản thôi. Làm gì có “vua”, làm gì có điều kỳ diệu nào mà chỉ thấy đói và khát thôi. Khi đó, nhiều người đã hiểu ra sự việc nhưng lại bị chúng đe dọa nên phải miễn cưỡng nghe theo thôi. Cũng nhờ các lực lượng chức năng cứu giúp thì họ mới thoát khỏi cảnh cùng cực ấy. Và giờ đây, được cán bộ, đảng viên giải thích, dân bản đã hiểu rõ hơn. Và chỉ có Đảng, Nhà nước mới thực sự quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống cho nhân dân mà thôi.

Những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng Đồn Biên phòng Nậm Kè chú trọng giúp người dân phát triển kinh tế.

Nhắc lại sự việc đã qua, Trưởng ban công tác Mặt trận bản Huổi Khon 1 Sùng A Kỷ cho biết: Trước đây, khi chưa chia tách, bản Huổi Khon có tất cả 97 hộ, nhưng chỉ có vài hộ đi theo kẻ xấu thôi. Kể từ khi được các ban, ngành từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã tuyên truyền, vận động, giải thích, bà con đã nhận ra bộ mặt thật của chúng, không nghe theo luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu nữa, và quay trở về bản làm nương, ổn định cuộc sống.

Sự thật là, bọn chúng chỉ lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để xúi giục họ về tập trung tại Huổi Khon nhằm gây rối an ninh trật tự. Ấy vậy vẫn có hàng nghìn người nghe theo lời của chúng, không lên nương lao động sản xuất, mà tích góp lương thực, thực phẩm, đóng gói đồ đạc để đến “vùng đất hứa” Huổi Khon. Nhưng thực tế thì không có “đấng cứu thế” và cũng chẳng có ông “vua” nào giáng trần đưa họ về nơi gọi là “miền đất hứa” để hưởng cuộc sống ấm no, hưởng thụ sung sướng. Thậm chí, bọn chúng còn nhẫn tâm bỏ mặc cho những người đã đặt niềm tin theo chúng lâm vào cảnh ốm đau, bệnh tật, chịu cảnh đói khát. Trong hoàn cảnh đó, không ai khác, các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể đã kịp thời xuống địa bàn vận động, giải thích bà con hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu, cung cấp thức ăn nước uống và vận động bà con trở về nơi ở cũ. Được cán bộ công an, bộ đội, biên phòng bảo vệ, cung cấp lương thực, nước uống, người dân đã tự giác trở về nơi cư trú. Mặt khác, thay vì trách cứ hay bắt giam, sự ân cần nâng bước, giúp đỡ của chính quyền và cơ quan chức năng đã góp phần đưa những người “lầm đường lạc lối” nhận ra sai lầm của mình và dần bước ra khỏi chỗ tối đến nơi có ánh sáng của Đảng và Nhà nước soi đường. Còn với những đối tượng cầm đầu thực hiện âm mưu, thủ đoạn, ảo vọng thành lập “nhà nước Mông” đã bị trừng trị thích đáng, bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; qua đó vạch trần luận điệu xuyên tạc, chống phá của các đối tượng âm mưu hình thành “nhà nước Mông”.

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Trưởng Công an huyện Mường Nhé cho biết: Kẻ xấu đã lợi dụng mê tín dị đoan, thần quyền giáo lý để tuyên truyền lừa bịp, lôi kéo đồng bào Mông từ các nơi về tụ tập tại bản Huổi Khon để “Xưng vua - lập Vương quốc Mông”. Với luận điệu rỉ tai nhau về việc “vua” giáng trần như một thế lực siêu nhiên sẽ đưa những người đi theo đến miền đất hứa, nơi có sự giàu sang, ấm no và hạnh phúc. Vì thế, nhiều người ở các địa phương đã bán nhà cửa, đồ đạc, ruộng nương, trâu bò để đến vùng đất hứa này. Nhưng rõ ràng một bộ phận đồng bào Mông đã bị lừa phỉnh và ngày mà họ tin ông “vua” sẽ đến cuối cùng đã không đến. Chỉ có cấp ủy, chính quyền, các lực lượng công an, biên phòng, quân đội đến giúp đỡ họ về nhà bằng tình cảm chân thành mà thôi…

Lợi dụng chính sách tự do tôn giáo tín ngưỡng của Ðảng và Nhà nước ta và sự cả tin của một bộ phận đồng bào người Mông, các thế lực thù địch đã tuyên truyền, vận động nhân dân tin theo luận điệu tuyên truyền phản cách mạng. Tuy nhiên, thực tế đã minh chứng cho các hoạt động lừa phỉnh của bọn chúng, chân tướng những thủ đoạn, dã tâm của chúng đã nhanh chóng bộc lộ, tự nó phơi bày ra sự thật đằng sau cái gọi là “Vương quốc Mông”…

Bài 2: Nhờ có Đảng soi đường chỉ lối

Bài, ảnh: Phạm Quang - Văn Tâm
Bình luận
Back To Top