Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Xây dựng, củng cố “pháo đài” của Đảng trong dân tộc rất ít người

08:27 - Thứ Tư, 13/10/2021 Lượt xem: 5695 In bài viết

ĐBP - Sau nhiều thập kỷ “hạ sơn” lập bản mới, đồng bào dân tộc rất ít người (dân tộc Cống, Si La) đã sống quần cư, ổn định lâu dài dưới chân núi thuộc các huyện biên giới: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên. Với niềm tin sắt son theo Đảng, phát huy vai trò tiên phong của các tổ chức đảng, đảng viên, đồng bào người Cống, người Si La đã cùng đoàn kết, chung tay phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống no ấm, đủ đầy hơn; mỗi bản mường đã trở thành những “pháo đài” vững chãi cùng với bộ đội biên phòng kiên cường bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng bào dân tộc Si La, bản Nậm Sin, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) thu hoạch lúa nước.

Bài 1: Xóa “lõi nghèo” vùng dân tộc rất ít người

Cộng đồng người Cống, Si La quen sống du canh du cư, đốt nương trồng lúa, ngô… nhiều thập kỷ qua dù đã nỗ lực nhưng họ vẫn được xem là “lõi nghèo” của tỉnh. Để dân tộc rất ít người ổn canh, ổn cư, yên tâm lao động sản xuất, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp cấp bách, đồng hành, sát cánh cùng bà con trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; tập trung nguồn lực hỗ trợ, khơi gợi ý chí thoát nghèo trong mỗi người dân.

“Đất lành, chim đậu”

Vào những năm 1970, 1980 của thế kỷ trước, những cuộc di cư kéo dài đằng đẵng hàng mấy thập kỷ từ ngọn núi này sang ngọn núi khác của cộng đồng các dân tộc rất ít người (Cống, Si La) cũng đã có hồi kết viên mãn. Từ cuộc sống du canh du cư, phiêu dạt theo chu kỳ làm nương... Với sự vận động, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, người Cống, Si La đã cùng nhau “hạ sơn” lập bản mới. Đặc biệt, họ đã bắt đầu từ bỏ thói quen lâu nay “ăn theo lửa” sang “ăn theo nước” từ “chọc lỗ tra hạt” trên nương sang cày bừa, thâm canh theo mùa vụ dưới ruộng.

Tóc đã điểm bạc, nhưng ký ức về một thời gian khó vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí ông Nạ Văn Súc (dân tộc Cống), bản Púng Bon, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên). Ông Súc giãi bày: “Con đường di chuyển tìm nơi ở và sản xuất mới của người Cống diễn ra liên tục và ròng rã qua hàng chục năm, khiến người Cống chẳng thể nhớ nổi những nơi mình đi qua, những nơi mình đã sống”. Cuộc sống “tha phương cầu thực” khắp các triền núi cao giáp biên giới Lào, người Cống chỉ biết phó mặc cho thiên nhiên, săn bắt hái lượm trên rừng, được thứ gì ăn thứ nấy. Tỷ lệ mù chữ cao (gần 100%), tập quán canh tác lạc hậu nên bà con có đất mà không biết cày bừa, có đồng cỏ rộng mà không biết chăn nuôi!.

Mãi đến năm 1977, được sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền, bộ đội biên phòng, người Cống đã “hạ sơn” lập bản mới lấy tên là Púng Bon (nay thuộc xã Pa Thơm, huyện Điện Biên) với 100% là hộ nghèo. Tuy cuộc sống vẫn còn nhiều khốn khó, cơ cực, thiếu trước hụt sau, nhưng bà con ai nấy đều quyết tâm, kiên cường bám đất, bám rừng, ổn định lâu dài, dựng xây cuộc sống mới, không còn cảnh di cư nay đây mai đó nữa.

Cũng giống dân tộc Cống, thập niên 80 của thế kỷ trước, sau nhiều lần di chuyển chỗ ở, người Si La đã quyết định tìm cho mình chỗ ở mới. Già làng Hù Chà Thái, bản Nậm Sin, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) bồi hồi nhớ lại: Trước đây, người Si La chủ yếu sinh sống rải rác trên đỉnh núi Tá Phì Chà. Để ổn canh, ổn cư, năm 1980 sau những cuộc họp bàn, thống nhất, người Si La quyết định rời đỉnh Tá Phì Chà về lập bản, xây mường bên suối Nậm Sin. “Đất lành, chim đậu” từ gần 20 nóc nhà, vài chục nhân khẩu; cuộc sống khó khăn, cơm không đủ no, áo không đủ mặc; ngôi nhà tranh tre, nứa lá mục nát... đến nay, sau gần ba thập kỷ về nơi ở mới, Đảng, Nhà nước hỗ trợ mọi mặt, người Si La đã biết trồng lúa, ngô theo khoa học, phát triển sản xuất, cuộc sống đã có nhiều khởi sắc, no ấm, đủ đầy hơn.

Xóa “lõi nghèo” vùng dân tộc rất ít người

Đồng bào dân tộc rất ít người chủ yếu sinh sống ở các xã vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn như: bản Nậm Sin, xã Chung Chải; Nậm Kè, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé); Lả Chà, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ); Púng Bon, Huổi Moi, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên)... Dù đã có nhiều cố gắng, song do chịu nhiều tác động của đời sống xã hội nên cuộc sống của người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn, tình trạng đói nghèo, lạc hậu và suy thoái nòi giống bủa vây. Vì vậy, nhiều năm qua vùng đồng bào rất ít người vẫn được xem là “lõi nghèo” của tỉnh.

Trước thực trạng đó, để hỗ trợ đồng bào dân tộc rất ít người dựng xây cuộc sống mới, nhiều chính sách ưu đãi từ các chương trình (134/CP, 135/CP, 30a, Nông thôn mới...) đã và đang được Đảng, Nhà nước triển khai góp phần tiếp thêm niềm tin để người Cống, Si La phát triển. Đặc biệt, Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên” giai đoạn 2013 - 2020 và Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Si La tỉnh Điện Biên” giai đoạn 2018 - 2025 đã mang tới “luồng gió mới” giúp người dân có thêm tư liệu sản xuất, cải thiện đời sống, tiếp cận văn hóa thông tin, y tế, giáo dục; duy trì giống nòi...

Thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên” giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh đã đầu tư 22 công trình (8 công trình lồng ghép); đường giao thông được xây mới và nâng cấp đảm bảo đi lại được 4 mùa; 3 công trình nước sinh hoạt, 3/4 bản có điện lưới quốc gia... Đề án cũng thực hiện hỗ trợ thiếu đói giáp hạt cho 1.709 người; khai hoang, cải tạo đất sản xuất 50 triệu đồng/bản; hỗ trợ mua giống, vật nuôi, vật tư cho sản xuất 425 hộ/3 bản (850 triệu đồng); mở 6 lớp/5 bản tập huấn về kỹ thuật, kiến thức tổ chức sản xuất... Ngoài ra, công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cũng được quan tâm thực hiện. Nhờ đó, các bản dân tộc Cống đã có những bước chuyển mình rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 78,8% (năm 2012) xuống còn 52% (năm 2020).

Vui mừng trước những đổi thay với cộng đồng người Cống, Trưởng bản Nậm Kè Lò Văn Thắng chia sẻ: “Ơn Đảng, Nhà nước đã làm đường, đưa điện về bản, hỗ trợ người nghèo có tư liệu sản xuất... nên cuộc sống của bà con nay khác nhiều rồi”. Đặc biệt, Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống” đã mở ra cơ hội để người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, bản có 9ha lúa nương, 10ha ngô; 134 con trâu, 137 con bò. Ngoài ra, bản nhận giao khoán, bảo vệ 66,33ha rừng... mỗi năm được chi trả 450 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Từ đó, góp phần tạo tiền đề vững chắc giúp kinh tế Nậm Kè có bước chuyển mình rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 30/66 hộ.

Đối với Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Si La tỉnh Điện Biên” giai đoạn 2018 - 2025; tỉnh đã thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, bảo tồn và duy trì các giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Cụ thể, nâng cấp đường giao thông dài 9km nối quốc lộ 4H với trung tâm bản Nậm Sin; hỗ trợ giống, vật tư phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và vắc xin tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm (12 triệu đồng/hộ); hỗ trợ phân bón (2 triệu đồng/ hộ)... Từ đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi và “cú hích” mạnh mẽ để người Si La có thêm tư liệu, nông cụ sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, người dân đã không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước; nhiều hộ chăm chỉ làm ăn đã xây được nhà mới khang trang, mua sắm đầy đủ trang thiết bị hiện đại (ti vi, xe máy, máy xay xát...).

Từ sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực của Đảng, Nhà nước, đồng bào dân tộc rất ít người tỉnh Điện Biên đã ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, từng bước thoát khỏi vùng “lõi nghèo” của tỉnh. Kinh tế phát triển, công tác xây dựng Đảng, gieo “hạt giống đỏ” kế cận được các chi bộ chú trọng, góp phần củng cố, xây dựng “pháo đài” của Đảng trong dân tộc rất ít người.

Bài 2:  Khó nhưng phải thực chất

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top