Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Xây dựng, củng cố “pháo đài” của Đảng trong dân tộc rất ít người (bài 4)

10:15 - Thứ Sáu, 15/10/2021 Lượt xem: 5526 In bài viết

Bài 4: Cần chiến lược toàn diện và bài bản

ĐBP -  “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do đảng viên tốt; mỗi đảng viên tốt, mỗi chi bộ tốt là Đảng được mạnh thêm một phần”... ghi nhớ lời dạy của Bác, nhiều năm qua, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, “ươm mầm” kế cận đảng viên dân tộc rất ít người đã được các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai bài bản, có chiến lược lâu dài. Bên cạnh tự chỉnh đốn, tự đổi mới, cấp ủy, tổ chức đảng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, xây dựng các mô hình sinh kế, bố trí việc làm tại chỗ... để “giữ chân” những người trẻ tuổi, thanh niên bám trụ sản xuất, góp phần tạo “hạt nhân” kế cận cho Đảng.

Bài 1: Xóa “lõi nghèo” vùng dân tộc rất ít người

Bài 2: Khó nhưng phải thực chất

Bài 3: Dấu ấn trên dải biên cương

Phó Bí thư chi bộ Nậm Sin, Lỳ Nhù Hừ (đứng giữa) tuyên truyền vận động thanh niên tích cực lao động, sản xuất, tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ.

Xóa “trắng” giảm “yếu”

Thống kê cho thấy, đến hết năm 2017 các bản đồng bào dân tộc rất ít người: Nậm Sin, xã Chung Chải; Nậm Kè, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé); Lả Chà, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ); Púng Bon, Huổi Moi, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên)... đã xóa được bản “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ, hàng năm tỷ lệ kết nạp đảng viên mới đều đạt và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc duy trì nền nếp sinh hoạt định kỳ ở một số chi bộ dân tộc rất ít người chưa hiệu quả, số lượng đảng viên vắng nhiều. Các chi bộ chưa chú ý sinh hoạt chuyên đề, cập nhật thông tin, kiến thức mới về công tác Đảng chưa kịp thời, các bước trong một buổi sinh hoạt chi bộ chưa theo trình tự quy định; nội dung sinh hoạt sơ sài, chậm đổi mới, chưa lãnh đạo toàn diện và ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; thực hiện “tự phê bình” và “phê bình” chưa thường xuyên, liên tục, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm.

Ông Tạ Văn Sơn, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Nhé cho biết: Dù các chi bộ đảng trong dân tộc rất ít người đã phát triển nhưng chưa thực sự mạnh, chất lượng chưa đồng đều, nhất là chưa nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tìm hạt nhân kế cận. Vì thế, để nâng cao chất lượng sinh hoạt ở các chi bộ dân tộc rất ít người nói riêng, chi bộ dân tộc thiểu số nói chung Ban Tổ chức đã tham mưu cho Huyện ủy tổ chức các lớp tập huấn cho các đồng chí đảng ủy viên, chi ủy viên, bí thư, phó bí thư chi bộ. Đặc biệt, cấp ủy đảng các cấp chú trọng việc lựa chọn đội ngũ bí thư chi bộ là người Cống, Si La có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết, có trách nhiệm, năng lực và uy tín trong nhân dân, đảng viên. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy và cán bộ, công chức các ban Đảng... theo dõi và dự sinh hoạt chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở theo quy định”.

Ngoài ra, các huyện đã vận dụng linh hoạt thực tiễn, tăng cường cán bộ, đảng viên người Cống, Si La đang công tác ở xã về sinh hoạt tại các chi bộ để làm nòng cốt, trực tiếp lãnh đạo, điều hành nhiệm vụ chính trị, tìm hạt nhân kế cận cho Đảng. Đảng viên Hù Chà Bình (dân tộc Si La), Bí thư Đoàn xã Chung Chải - năm 2015 được phân công về sinh hoạt tại chi bộ bản Nậm Sin. Anh Bình chia sẻ: Ngay sau khi về sinh hoạt, tôi cùng với chi bộ đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, chuẩn bị chu đáo nội dung sinh hoạt theo chuyên đề, phát huy tinh thần dân chủ, tập trung tháo gỡ những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân. Ngoài sinh hoạt định kỳ hàng tháng, chúng tôi vẫn ngồi lại với nhau, kể cho nhau nghe chuyện đời sống, chuyện làm ăn của bà con để cùng nắm bắt tình hình, kịp thời có cách thức vận động, hướng dẫn bà con sản xuất. Cùng với đó, công tác tạo nguồn phát triển đảng viên cũng được chú trọng, việc lựa chọn những quần chúng ưu tú phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, động cơ, mục đích lý tưởng vào Đảng đúng đắn.

Có thể thấy rằng, chính nhờ những cách làm sáng tạo, linh hoạt, theo phương châm xóa “trắng” giảm “yếu” nên các chi bộ, đảng viên trong dân tộc rất ít người đã thực sự trở thành “hạt nhân” của Đảng. Đặc biệt, chính họ đã mang lại “luồng gió mới” làm đổi thay bản làng người Cống, Si La, góp phần vào sự phát triển chung của mỗi địa phương.

 “Giữ chân” người trẻ

Hiện nay, nguồn phát triển đảng viên trẻ ở các bản vùng đồng bào dân tộc rất ít người không hiếm, nhưng lại rất khó. Vì đa phần người trẻ, nhân tố tích cực thì thường đi làm ăn ở các tỉnh miền xuôi, không muốn quay về địa phương. Còn người ở lại, rất khát khao vào Đảng thì cũng “lỡ” vì không đủ tiêu chuẩn, điều kiện... Đây là thực trạng chung, không chỉ ở các bản dân tộc rất ít người mà ở hầu hết các bản vùng cao, biên giới trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Thiết nghĩ, để “giữ chân” người trẻ ở lại địa phương, nhất là dân tộc rất ít người, các huyện cần đề ra những giải pháp cấp bách, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, mô hình khởi nghiệp do chính dân tộc rất ít người làm chủ; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, mang lại thu nhập ổn định... để thanh niên bám trụ lao động, sản xuất trên chính quê hương. Qua đó, rèn luyện, bồi dưỡng, tạo nguồn kế cận đảng viên trẻ.

Thực tế đã minh chứng, tại các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên để thanh niên không phải “li hương” các cấp ủy đảng, chính quyền đã thực hiện tốt các chính sách ưu tiên dành cho dân tộc rất ít người, khơi dậy tinh thần, ý chí dựng xây, tạo điều kiện để dân tộc rất ít người tiếp cận và có cơ hội phát triển toàn diện. Đơn cử như tại bản Nậm Sin (xã Chung Chải), năm 2019 khi chính quyền xã triển khai mô hình trồng lúa nước 2 vụ (giống lúa sén cù), các đảng viên, thanh niên đã “tiên phong” trồng thử nghiệm và cho năng suất cao (45 - 50 tạ/ha); hiện cả bản đã khai hoang được gần 20ha trồng lúa nước. Với cách làm mới, sáng tạo, phát huy vai trò nêu gương của đảng viên đã thu hút đông đảo người dân, thanh niên học tập và noi theo; nhờ đó chi bộ đã “giữ chân” được người trẻ ở lại phát triển kinh tế, tạo nguồn phát triển đảng viên.

“Chúng tôi rất mong cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, xây dựng các mô hình kinh tế, hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tìm kiếm việc làm, để thanh niên có cơ hội phát triển, khẳng định bản thân, nhất là làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương” - quần chúng ưu tú Lỳ Chế Tư, bản Nậm Sin (xã Chung Chải) chia sẻ.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Pa Thơm Lò Văn Liên chia sẻ: “Để xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong dân tộc rất ít người, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Đảng cho quần chúng nhân dân... rất mong Đảng, Nhà nước tiếp tục đề ra nhiều chính sách, cơ chế đặc thù để hỗ trợ và thúc đẩy dân tộc rất ít người phát triển, hòa nhập cộng đồng; xây dựng và củng cố tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh”.

Khép lại chặng hành trình đến với các bản dân tộc rất ít người, cùng ăn, cùng ở với bà con, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn “dấu ấn” của chi bộ, đảng viên, những cây cầu nối giữa “ý Đảng - lòng Dân”. Hình ảnh bản mường bừng sáng ánh điện, cánh đồng vàng óng, tiếng máy xay xát, máy cày vang vọng khắp đại ngàn... Với niềm tin sắt son theo Đảng, Bác Hồ kính yêu, người Cống, Si La đã và đang xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trở thành “Pháo đài” vững chãi của Đảng nơi phên giậu cực Tây Tổ quốc.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top