Chính trịBảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Ngăn chặn việc tung “hỏa mù”, hướng lái dư luận chống phá đường lối của Đảng

14:28 - Thứ Hai, 10/02/2020 Lượt xem: 4511 In bài viết

Đã thành “thông lệ”, càng gần đến những sự kiện lớn của đất nước, nhất là Đại hội XIII của Đảng sắp tới, các phần tử cơ hội chính trị, bất mãn lại tìm mọi cách để “tung hỏa mù”, hướng lái dư luận bằng những thông tin bịa đặt với mục đích làm cho nhân dân không tin vào đường lối, sự lãnh đạo của Đảng. Điều đáng nói là không ít cán bộ, đảng viên do chưa rõ thông tin, một số lạm dụng mạng xã hội nên có dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thông qua việc bình luận và phát tán những nội dung sai lệch này.

1. Việc các phần tử bất đồng chính kiến tăng cường hoạt động tuyên truyền bịa đặt, chống phá cách mạng Việt Nam đã được Đảng ta xác định từ lâu. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” chỉ ra nguyên nhân: “Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", lợi dụng các vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo và những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để xuyên tạc, bóp méo tình hình...”.

Những ngày qua, thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh do nCoV gây ra luôn được cơ quan chức năng cập nhật, cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ trong nỗ lực “chống dịch như chống giặc” cùng với sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Thế nhưng, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trên mạng xã hội lại xuất hiện nhiều thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng gây hoang mang dư luận. Những thông tin giả mạo được đăng tải hoặc cài cắm những thông tin bịa đặt khiến người đọc hoang mang, nhen nhóm nguy cơ gây bất ổn xã hội khi cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Trước đó trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, Youtube, những hình ảnh và bình luận sai lệch sự việc cơ quan chức năng xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật ở Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng rất nhiều. Vẫn chiêu bài lắp ghép hình ảnh, suy đoán thiếu căn cứ dựa vào “phỏng vấn”, “trao đổi” với một số đối tượng chống đối, họ đã dựng lên vụ việc khác xa sự thật nhằm vu cáo Đảng, Nhà nước đưa lực lượng đàn áp “dân lành”, kêu gọi “quốc tế hóa” vấn đề…

Vụ việc trên chỉ là hai trong nhiều thông tin sai lệch được các phần tử chống đối, bất mãn chính trị trong và ngoài nước cấu kết để chống phá trước thềm đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng. “Kịch bản” chung nhất là các đối tượng tiến hành thông tin dưới dạng thật - giả, đúng - sai lẫn lộn ở các cấp độ khác nhau theo phương thức “lộng giả thành chân”, “nói dối vụ lớn”,  lặp đi lặp lại, khiến người dân khó phân biệt, dễ lầm lẫn. Những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu cán bộ, đảng viên do một số phần tử thoái hóa, biến chất, cơ hội trong nội bộ tung ra thường biểu hiện ở một số kiểu dạng, như: Xuyên tạc, nói sai sự thật về tình hình sức khỏe cán bộ cấp cao; công tác nhân sự; moi móc, thêu dệt bí mật đời tư; bình phẩm, phán xét về trình độ, năng lực...

Rõ nhất là nhiều sự việc chẳng hề được chứng kiến, vậy mà các đối tượng đã dựng lên những câu chuyện gắn với hoạt động đối nội, đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tán phát trên mạng khiến dư luận hiểu sai về trình độ, khả năng ứng xử của cán bộ, hiểu sai về đường lối đối nội, đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Hoặc họ không là thầy thuốc, nhưng lại dựa vào những thông tin cóp nhặt về sức khỏe cán bộ để nhắm vào nhu cầu thông tin hiếu kỳ của một bộ phận nhân dân…

Có thể nói, dù tuyên truyền dưới hình thức, phương pháp nào đi chăng nữa thì mục tiêu trọng tâm mà những “tác giả” hướng tới là chống phá nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng và “định hướng” phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có “dân chủ” trong Đảng và trong đời sống xã hội... Từ thông tin tung “hỏa mù”, chúng gây ra hiểu nhầm, làm giảm sút vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng; làm tổn thương tình cảm, suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, cản trở sự phát triển của đất nước. Với những cá nhân tiếp nhận thông tin mà bản lĩnh chính trị thiếu vững vàng, rất dễ rơi vào trạng thái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

2. Đấu tranh, ngăn chặn thông tin tung “hỏa mù”, bịa đặt, chống phá đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng, tốn nhiều thời gian, công sức và không dễ dàng nếu không tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, triệt để các giải pháp căn cơ. Trong đó, cần tập trung vào các nội dung chính dưới đây.

Trước hết, việc cần thiết hiện nay là tiếp tục mở rộng thực hành dân chủ trong các lĩnh vực, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhân dân đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Thực tế cho thấy, do việc bảo đảm quyền lợi của người dân có nơi, có lúc chưa thỏa đáng đã khiến nhân dân so sánh và cảm thấy bị chèn ép, cô lập. Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” để những người bất đồng chính kiến tăng cường các hình thức tuyên truyền, kích động chống phá. Bài học từ thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng nông thôn mới hơn 10 năm qua mà Đảng ta đã đúc kết chứng minh rằng, chỉ khi nào chủ trương, đường lối của Đảng được nhân dân thấu triệt, khi nào quyền lợi của nhân dân được bảo đảm thì việc lãnh đạo và thực thi sẽ “thuận buồm, xuôi gió”.

Ở cơ sở, vấn đề mấu chốt trong thực hành dân chủ chính là cần tăng cường hơn nữa việc khắc phục tình trạng quan liêu, xa dân của đội ngũ cán bộ thông qua nắm bắt dư luận xã hội, giải quyết tư tưởng. Tổ chức tiếp dân, đối thoại, lắng nghe nhân dân thường xuyên hơn, hiểu dân để kịp thời giải quyết hiệu quả, triệt để các bức xúc của nhân dân, không để phát sinh khiếu kiện kéo dài, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền lợi chính đáng của nhân dân. Đây chính là phương cách tốt nhất để ngăn ngừa việc dụ dỗ, lôi kéo, chống phá Đảng.

Thứ hai là, Đảng, Nhà nước cần quyết liệt hơn trong thanh lọc những cán bộ vụ lợi, thoái hóa biến chất ra khỏi bộ máy công quyền. Có một thực tế là sau khi Đảng, Nhà nước đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, nhưng ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn hiện tượng “tham nhũng vặt” khó phát hiện. Đặc biệt, đã xuất hiện dấu hiệu của hiện tượng “chờ thời”, “nhụt chí”, “làm cầm chừng”, “phòng thủ” ở một số cán bộ.

Thứ ba là, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc, thực hiện triệt để Luật An ninh mạng. Trong đó, tập trung phát hiện, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi tuyên truyền, lôi kéo, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước. Mặt khác, cần chú trọng tuyên truyền kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt nhằm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy “xây” để “chống” nhằm kịp thời định hướng dư luận.

Những giải pháp trên chỉ thực hiện được đầy đủ, hiệu quả khi có được đội ngũ cán bộ tâm huyết, có uy tín trong nhân dân. Do vậy, vấn đề cốt lõi là cần tiếp tục quy tụ, rèn luyện được đội ngũ cán bộ trong sạch, liêm khiết, đề cao dân chủ, đặt lợi ích của nhân dân, của Đảng, của Nhà nước lên trên lợi ích cá nhân trong thực thi công vụ.

Đó là cách tốt nhất để những chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch hết đất diễn, vô hiệu hóa các kiểu “tung hỏa mù”, hướng lái dư luận; để đường lối của Đảng đi vào cuộc sống; để niềm tin của nhân dân là “bà đỡ”, tạo ra sức mạnh xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top