Chính trịBảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

PHÒNG, CHỐNG TỰ DIỄN BIẾN, TỰ CHUYỂN HÓA

Phát hiện, ngăn chặn cán bộ ngại khó, ngại khổ, “né” trách nhiệm

08:57 - Thứ Hai, 13/04/2020 Lượt xem: 1635 In bài viết

Đến nay, dịch Covid-19 vẫn đang trong tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Kết quả ấy có phần đóng góp không nhỏ của những “ngọn lửa” tâm hồn tích cực lan tỏa khắp xã hội. Trước những người tốt, việc tốt có ở khắp nơi, dư luận đặt câu hỏi, làm thế nào để phát hiện, ngăn chặn hiện tượng cán bộ, công chức không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi khó khăn, “né” trách nhiệm như Nghị quyết Trung ương IV (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu.

Ảnh minh họa: TTXVN

1. Từ đầu tháng 3-2020, 300 học viên năm cuối của Học viện Biên phòng đã về các đồn biên phòng để thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Họ ở lều bạt dã chiến, thiếu điện, nước và nhiều phương tiện sinh hoạt thiết yếu của cuộc sống. Họ thay ca chốt ở các đường mòn, lối mở khu vực biên giới; tuần tra, kiểm soát, quản lý người xuất, nhập cảnh, không cho mầm bệnh lọt vào nội địa. Hay ở tuyến đầu, nhiều y, bác sĩ và lực lượng phòng dịch lặng thầm làm việc liên tục cả tháng không được về nhà, chiến đấu với vi rút corona, bất chấp nguy cơ có thể bị phơi nhiễm bất cứ lúc nào. Nhiều bác sĩ về hưu ở Hà Nội đã đề xuất nguyện vọng được tham gia lực lượng phòng, chống dịch. Hình ảnh những cụ già, trong đó có cả mẹ liệt sĩ trực tiếp gửi tới chính quyền các địa phương một ít lương thực và chút tiền tiết kiệm, góp sức chống dịch khiến nhiều người cảm phục.

Vậy nhưng, bên cạnh những người sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì cộng đồng thì trong xã hội cũng tồn tại một số cá nhân không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Biểu hiện rõ nhất ở đối tượng này là họ luôn mang trong mình tư tưởng “kén cá chọn canh”, “tranh công đổ lỗi”, “khi vui thì vỗ tay vào” nhưng đến khi gặp việc khó thì luồn, lẩn. Họ viện dẫn đủ lý do để thoái thác, từ chối đến nơi gian khổ, khó khăn vì ít bổng lộc. Họ khéo “đá” trách nhiệm cho cấp trên, cho các cơ quan, đơn vị khác hoặc cho người khác.

Thực tế cho thấy, trong thực thi công vụ, vẫn còn hiện tượng một số cán bộ tìm mọi cách “né” nhiệm vụ khó, nhiệm vụ ít “màu mỡ”, như: Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc công việc của các tổ chức quần chúng, tổ chức chính trị xã hội. Thay vì sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Đảng phân công và điều động thì họ tìm mọi lý do, kể cả dùng lợi ích vật chất để tìm kiếm một chỗ làm việc sao cho gần nhà, có thu nhập cao, được phát triển, được xã hội nể trọng...

Cách đây mấy tháng, việc ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang bị kỷ luật cảnh cáo vì không chấp hành quyết định điều động sang Hội Chữ thập đỏ của tỉnh này là điển hình của việc một bộ phận cán bộ “không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi khó khăn”. Theo phản ánh của báo chí, sở dĩ có hiện tượng trên là do ông Nhơn sợ mất quyền lợi khi chuyển tới làm việc ở hội đặc thù.

Hay như gần đây, khi nhiều cán bộ cao cấp bị kỷ luật, kết án về tội “thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ” thì hiện tượng “né” nhiệm vụ có dấu hiệu tăng nhanh ở các mức độ khác nhau. Bằng chứng là ngày 12-2, tại phiên họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến việc chống “vi rút trì trệ”, không chịu làm việc của cán bộ trong bộ máy cơ quan công quyền từ trung ương tới địa phương. Việc Chủ tịch UBND phường Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội) chưa kịp thời thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi sức khỏe phòng, chống dịch Covid-19, dẫn đến việc một trường hợp không được kịp thời đưa đến cơ sở y tế cách ly theo quy định có thể coi là ví dụ.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã chỉ rõ hiện tượng này. Đó là: “…Kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn”. Trong khi đó, những biểu hiện “né” nhiệm vụ thường được che đậy kỹ lưỡng và khéo léo dưới nhiều vỏ bọc, đặc biệt là lớp vỏ bọc được xây dựng từ “Thứ nhất quan hệ/ Thứ nhì tiền tệ/ Thứ ba hậu duệ/ Thứ tư trí tuệ” đến nỗi nếu không quyết liệt thì cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ rất khó xử lý.

2. Mục tiêu của hầu hết những người đi làm ở cả khu vực công và tư là có thu nhập và thăng tiến. Tuy nhiên, trong các cơ quan công quyền, nếu không thiết kế được cơ chế chính sách thuận lợi, tạo động lực để mỗi cá nhân vừa cống hiến, xây dựng tập thể vừa đáp ứng mục tiêu cá nhân thì các kẽ hở trong thực thi công vụ dễ bị lợi dụng, biến thành mảnh đất màu mỡ để cán bộ, công chức tìm kiếm lợi ích và trục lợi. Nếu người lãnh đạo, quản lý không làm tốt trách nhiệm, lâu ngày sẽ tạo ra các “vùng tối” để cấp dưới lợi dụng. Đây chính là khởi điểm cho “ung nhọt”, mất đoàn kết trong cơ quan, đơn vị, địa phương trú ngụ và phát triển.

Để hạn chế chủ nghĩa cá nhân trong thực thi công vụ; để không còn hiện tượng cán bộ thoái thác nhiệm vụ khi được tổ chức Đảng điều động đến công tác ở nơi khó khăn, gian khổ, nơi ít lợi ích; để không còn cán bộ, công chức “né”, “đá” trách nhiệm thì vấn đề quan trọng là việc thiết kế, kiến tạo cơ chế linh hoạt, không có nguy cơ tạo ra kẽ hở và “vùng tối”.

Trước hết, trong quá trình tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm “đầu vào” cán bộ, công chức, người lao động ở tất cả các cấp, các ngành cần kỹ càng về nhân sự thông qua thi tuyển công khai, khách quan. Trong quá trình sử dụng lao động thì mấu chốt là mở rộng dân chủ, đánh giá đúng năng lực cán bộ, công chức, viên chức; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động cống hiến; lựa chọn cán bộ, công chức có tố chất, khả năng để bổ nhiệm, đưa đi học, đào tạo nâng cao trình độ. Các giải pháp ngăn chặn hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy uy tín, tạo lập uy tín bằng mọi cách... phải được thực hiện quyết liệt, khách quan, công bằng và chặt chẽ, nhằm loại bỏ khỏi bộ máy cơ quan, đơn vị, địa phương những người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Khoa học quản lý chứng minh rằng, việc duy trì kỷ luật thực thi công vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương lỏng lẻo, thiếu công bằng và dân chủ; xử lý nặng về cảm tính... sẽ gây ra sai lầm, tạo lực cản kìm hãm những nhân tố tích cực trong công tác. Theo kinh nghiệm của những nhà lãnh đạo, quản lý giỏi, việc duy trì kỷ luật thực thi công vụ càng chặt chẽ thì càng hiệu quả. Nếu gắn kỷ luật với đánh giá, nhận xét trong sử dụng cán bộ, công chức thì sẽ hạn chế đáng kể hiện tượng cán bộ thoái thác nhiệm vụ, “né” trách nhiệm.

Trong bài hát “Rừng cây, đời người”, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã đặt câu hỏi: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”. Câu trả lời là ở mỗi người. Tuy nhiên, điều hiển nhiên là những người có tinh thần cống hiến hy sinh, sẵn sàng làm bất cứ việc gì có lợi cho tập thể, cộng đồng, cho đất nước sẽ luôn được tôn trọng, quý mến và được xã hội vinh danh. Trong đại dịch Covid-19, kỷ luật “thời chiến” sẽ bộc lộ bản chất mỗi cá nhân. Bài học phát huy tinh thần của những “ngọn lửa” tâm hồn, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, để dần phát hiện, loại bỏ những cán bộ không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn, “né” trách nhiệm vẫn vẹn nguyên giá trị.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top