Chính trịBảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Người “truyền lửa” phải thực sự có “lửa”

15:53 - Thứ Hai, 01/11/2021 Lượt xem: 2442 In bài viết

“Bệnh” ngại học tập, nghiên cứu lý luận chính trị là một trong những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Trung ương đã chỉ ra. Đây cũng là một thách thức đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngại học lý luận chính trị, trong đó có những bất cập trong công tác giảng dạy hiện nay...

Bất cập thứ nhất là không ít người làm công tác giảng dạy lý luận chính trị chưa thực sự say nghề, chưa đầu tư nhiều trí tuệ, công sức vào việc chính của mình nên kiến thức chưa sâu, chưa đủ tầm để phân tích, chứng minh nội dung một cách thuyết phục; phương pháp truyền đạt chủ yếu là... đọc theo giáo án (hoặc có trình chiếu Powerpoint nhưng... toàn chữ như giáo án), người học chép mỏi tay! Kiểu giảng dạy như vậy khiến người học rất chán.

Cần làm gì để giảng viên lý luận chính trị thực sự say nghề, giỏi nghề? Trong rất nhiều giải pháp như: Lựa chọn người giỏi lý luận, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ... thì vấn đề có tính quyết định là phải thực sự quan tâm, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để khuyến khích, tạo động lực cho những người làm công tác này. Người xưa đã dạy “có thực mới vực được đạo”.

Giáo dục lịch sử, truyền thống ở Sư đoàn 308, Quân đoàn 1. Ảnh: Thế Duy

Thực tế những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị chỉ có thu nhập từ lương, phụ cấp (vì ít có dạy thêm, làm thêm); trong khi những cán bộ tuổi đời, trình độ tương đương (thậm chí thấp hơn, là học trò) thì có chức quyền và cuộc sống khấm khá... đã tác động không nhỏ tới động lực phấn đấu của không ít giảng viên, nhất là giảng viên trẻ.Thậm chí, có những thầy vốn rất tâm huyết, giỏi về lý luận chính trị, nhưng bị áp lực, nỗi lo "cơm áo, gạo tiền, đặc biệt là chuyện nhà đất"... khiến dần giảm nhiệt huyết. Người “truyền lửa” mà “thiếu lửa” thì không thể “tiếp lửa” cho người học. Chưa kể, điều rất đáng lo ngại là có những thầy còn bột phát “buông” lời thể hiện sự tủi thân, bất mãn trước học viên.

Bất cập thứ hai là nhiều giảng viên lý luận chính trị thiếu kiến thức thực tiễn nên ít có ví dụ, tình huống thực tế để liên hệ, chứng minh, vận dụng nội dung lý luận, khiến nội dung giảng dạy khô cứng, người học khó tiếp thu. Nhiều ví dụ cũ từ hàng chục năm trước được thầy nêu ra không còn phù hợp với hiện thời. Được biết, các học viện, nhà trường đều có quy định cử giảng viên lý luận chính trị đi thực tế, nhưng vì thời gian ngắn nên chưa nắm bắt được nhiều. Đặc biệt, việc đi thực tế ở nước ngoài thì... vô cùng hiếm, trong khi nhiều thầy phải giảng dạy các nội dung trực tiếp liên quan đến thực tế ở các nước.

Một trong những yêu cầu của nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị là phải gắn với thực tiễn, chống lý thuyết suông. Vì vậy, cần tăng cường tổ chức cho đội ngũ giảng viên dạy lý luận chính trị đi thực tế cơ sở, luân chuyển làm cán bộ, nhân viên ở các cấp; cử đi công tác, tìm hiểu ở nước ngoài để phục vụ giảng dạy những nội dung liên quan... Bên cạnh đó, các học viện, nhà trường cần tăng cường mời chuyên viên, chuyên gia, nhà lãnh đạo có trình độ lý luận gắn với kiến thức thực tiễn tham gia giảng dạy một số nội dung cho phong phú, sinh động, hấp dẫn người học...

Bất cập thứ ba là nội dung giảng dạy lý luận chính trị có sự trùng lặp ở các cấp học (sơ cấp, trung cấp, cao cấp) và một số nội dung trùng giữa các bộ môn, khiến người học ở các cấp học sau, môn học sau có cảm giác phải học lại, giảm hứng thú. Bên cạnh đó, khá nhiều giảng viên kết cấu bài giảng nặng về giải thích các khái niệm, các quan điểm liên quan và những nội dung có tính hàn lâm; trong khi thời gian dành cho bài giảng có hạn nên đến phần trọng tâm của bài mà người học rất cần (gồm những quan điểm, vấn đề cốt lõi và liên hệ, vận dụng vào thực tiễn công tác) thì thầy lại giảng lướt hoặc nhắc học viên tự nghiên cứu tài liệu vì đã hết giờ lên lớp. Để khắc phục tình trạng này, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo rà soát lại các giáo trình lý luận chính trị để hạn chế sự trùng lặp giữa các cấp học, môn học. Các học viện, nhà trường cần rà soát nội dung bài giảng, giáo án theo hướng tăng cường phần liên hệ, vận dụng lý luận vào thực tiễn; giảm những khái niệm không cần thiết (nhất là khi giảng dạy cho học viên trung cấp, cao cấp lý luận chính trị. Vì những khái niệm đơn giản thì cơ bản đối tượng này đã nắm được) và giảm những nội dung nặng tính hàn lâm (chỉ những người nghiên cứu chuyên sâu về lý luận mới cần học kỹ nội dung này).

Bất cập thứ tư là không ít giảng viên lý luận chính trị thiếu nghiệp vụ sư phạm, giảng với giọng đều đều, động tác và lời giảng không có điểm nhấn, thiếu sinh động dẫn đến người học dễ... buồn ngủ! Nội dung lý luận chính trị vốn khô khan mà người giảng không có phương pháp sư phạm tốt thì không thể tạo hứng thú cho học viên, người học rất khó tiếp thu. Vì thế, bên cạnh việc tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên lý luận chính trị, các học viện, nhà trường cần xem xét chuyển những giảng viên không thể có phương pháp sư phạm tốt (do cố tật, sở đoản) sang làm việc khác phù hợp hơn. Bên cạnh đó, một giải pháp hiệu quả các trường cần vận dụng là tổ chức ghi hình những bài giảng mẫu của giảng viên giỏi rồi trình chiếu cho học viên xem, sau đó tổ chức nghiên cứu, thảo luận... 

Bất cập thứ năm cần sớm khắc phục là tình trạng chưa coi trọng phát huy sự chủ động, tính tích cực, tự giác, sáng tạo của người học; quá trình giảng dạy lý luận thường thông tin một chiều kiểu thầy nói-trò nghe và thầy đọc-trò chép; giảng viên ít gợi mở để người học suy nghĩ, phát biểu ý kiến của mình dẫn đến người học thụ động, không hưng phấn. Cùng với đó, thời gian dành cho thảo luận còn ít nên số học viên được phát biểu không nhiều, những ý kiến phản biện chưa có điều kiện làm rõ, phần vì hết thời gian, phần vì không phải giảng viên nào cũng có khả năng giải thích, kết luận rõ ràng, thuyết phục. Thực tế, sau giờ thảo luận vẫn có những học viên băn khoăn, thắc mắc vì chưa được giảng viên giải đáp thỏa đáng, nhất là với những vấn đề thực tế đang diễn ra đã có những điểm khác so với nội dung giáo trình, giáo án. Vì vậy, việc giảm thời gian giảng dạy, tăng thời gian cho học viên nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và người dạy kết luận rõ ràng, thuyết phục đối với từng nội dung là rất cần thiết để tránh hiện tượng sau khi học xong mà học viên vẫn còn băn khoăn, chưa “tâm phục, khẩu phục”.

Cuối cùng là thời gian học lý luận chính trị cũng cần nghiên cứu điều chỉnh cho hợp lý, không nên tổ chức học tập trung kéo dài và học theo kiểu “nhồi nhét” dẫn đến người học căng thẳng, hiệu quả không cao. Việc đào tạo lý luận chính trị ở bậc trung, cao cấp cần theo hướng gợi ý, nêu vấn đề và gửi các tài liệu cần thiết để người học tự nghiên cứu trước; các buổi học tập trung chủ yếu dành cho thảo luận, giải đáp những nội dung khó mà người học chưa hiểu rõ. Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học lý luận chính trị nên theo hướng đề mở, đưa ra các tình huống thường gặp, người học vận dụng kiến thức đã tích lũy được để giải quyết; hạn chế tối đa kiểu kiểm tra học thuộc lòng lý thuyết và không nên yêu cầu viết bài kiểm tra quá dài (kể cả viết bài thu hoạch, tiểu luận, luận văn); cần khuyến khích học viên hiểu bản chất vấn đề lý luận và biết vận dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác. 

Không ai có thể phủ nhận sự cần thiết phải học lý luận chính trị, vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”; “Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp”. Lý luận chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, bảo đảm cho cán bộ, đảng viên thấu suốt quan điểm, đường lối và tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Tuy nhiên, để cán bộ, đảng viên nói riêng và người học nói chung không ngại học lý luận chính trị thì rõ ràng những bất cập trong công tác giảng dạy lý luận chính trị cần phải được khắc phục. Đặc biệt, việc quan trọng nhất là cần quan tâm chăm lo, có chính sách thỏa đáng để tạo động lực cho đội ngũ giảng viên luôn tâm huyết với nghề, đồng thời thu hút người giỏi làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, vì người “truyền lửa” có làm tốt vai trò “tiếp lửa” thì người học mới nắm chắc, thấm nhuần lý luận và biết vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác. Đó cũng là một trong những giải pháp hàng đầu phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đấu tranh hiệu quả với các quan điểm sai trái, phản động để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

P.V (theo QĐND)
Bình luận
Back To Top