Chính trịBầu cử

Lựa chọn những người tiêu biểu

08:46 - Thứ Ba, 02/03/2021 Lượt xem: 1830 In bài viết

ĐBP - Ðại biểu Hội đồng nhân dân (HÐND) là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HÐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn, người đại biểu HÐND phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, có trình độ học vấn, chuyên môn, có năng lực và bản lĩnh, thường xuyên liên hệ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Căn cứ các quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, Ðảng đoàn HÐND tỉnh Ðiện Biên đã xây dựng đề án và phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, trên nguyên tắc việc giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu HÐND tỉnh phải đảm bảo sự lãnh đạo của Ðảng về công tác cán bộ, nhân sự được giới thiệu đáp ứng được tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, dân tộc theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong đó tiêu chuẩn được xác định là trọng tâm, cơ cấu, thành phần, dân tộc phấn đấu bằng hoặc cao hơn nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Về số lượng đại biểu HÐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 52 đại biểu, tăng 01 đại biểu so với nhiệm kỳ 2016 - 2021, trên cơ sở dân số của tỉnh đến hết năm 2020 là 617.985 người. Như vậy dự kiến số người giới thiệu ứng cử là 95 người, bao gồm: Giới thiệu người ứng cử là nữ 34 người, phấn đấu trúng cử 17 đại biểu, đạt  30%, tăng 2 đại biểu so với nhiệm kỳ trước; giới thiệu người ứng cử là dân tộc thiểu số là 58 người, phấn đấu trúng cử ít nhất 29 đại biểu, chiếm 55,77%, tăng 1 đại biểu so với nhiệm kỳ trước, chú trọng đại biểu là dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, Lào, Kháng, Dao; giới thiệu người ứng cử trẻ tuổi, dưới 40 tuổi là 16 người, phấn đấu trúng cử 8 đại biểu, đạt tỷ lệ 15,38%, tăng 1 đại biểu so với nhiệm kỳ trước; giới thiệu người ứng cử ngoài Ðảng 12 người, phấn đấu trúng cử 6 đại biểu đạt tỷ lệ hơn 11,54%; đại biểu tái cử là 21 đại biểu, chiếm 38,46%.

Trên cơ sở số lượng, cơ cấu, thành phần, dự kiến phân bổ số lượng đại biểu ở các cơ quan Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cấp huyện và cơ sở, trên tinh thần giảm số lượng đại biểu ở khối cơ quan hành chính, tăng số lượng đại biểu ở cơ quan Ðảng, đoàn thể và cơ sở, doanh nghiệp. Khối cơ quan Ðảng phân bổ 7 đại biểu, giới thiệu 12 người ứng cử ở Tỉnh ủy và các Ban xây dựng Ðảng; cơ quan HÐND phân bổ 11 đại biểu làm nhiệm vụ chuyên trách, giới thiệu ứng cử 20 người, trong đó lãnh đạo HÐND 2 đại biểu, mỗi Ban 2 đại biểu (Trưởng ban và phó trưởng ban) và Chánh Văn phòng Ðoàn ÐBQH - HÐND làm nhiệm vụ thư ký các kỳ họp; UBND và các cơ quan chuyên môn phân bổ 5 đại biểu, giới thiệu ứng cử 6 người, trong đó chỉ phân bổ 1 đại biểu ở cơ quan chuyên môn, giảm 2 đại biểu so với nhiệm kỳ trước; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phân bổ 6 đại biểu, giới thiệu 12 người ứng cử; khối quốc phòng, an ninh phân bổ 2 đại biểu, giới thiệu 4 người ứng cử; khối doanh nghiệp, hợp tác xã và đơn vị sự nghiệp mỗi đơn vị phân bổ 1 đại biểu; đối với cấp huyện và cơ sở phân bổ 16 đại biểu chiếm 30,7%, trong đó lãnh đạo chủ chốt cấp huyện mỗi đơn vị 1 đại biểu (Bí thư hoặc phó bí thư thường trực kiêm chủ tịch HÐND), 6 đại biểu ở cơ sở là người ngoài Ðảng và trẻ tuổi.

Dự kiến đại biểu làm nhiệm vụ chuyên trách ở các cơ quan của HÐND tỉnh là 11 người, giảm 2 đại biểu so với nhiệm kỳ trước là do quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, nếu trưởng ban là đại biểu chuyên trách thì có 1 phó trưởng ban chuyên trách. Ðảng đoàn HÐND tỉnh thống nhất bố trí ở nhiệm kỳ mới cả trưởng ban và phó ban làm nhiệm vụ chuyên trách. Qua kinh nghiệm hoạt động nhiệm kỳ vừa qua cho thấy, tăng đại biểu chuyên trách hoạt động có hiệu quả hơn; chất lượng báo cáo thẩm tra, chất vấn được nâng lên (chất vấn tại kỳ họp chủ yếu là đại biểu chuyên trách); công tác giám sát, khảo sát, nắm tình hình tại cơ sở được tăng cường; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri cơ bản được các cấp, các ngành quan tâm, trách nhiệm. Cho nên hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HÐND được nâng lên một bước, vị trí, vai trò của cơ quan dân cử được đánh giá cao.

Ðánh giá kết quả hoạt động của HÐND tỉnh Ðiện Biên nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa qua không thể không kể đến vai trò của đại biểu hoạt động chuyên trách. Ðược sự quan tâm của Tỉnh ủy, HÐND tỉnh được bố trí gần như tối đa đại biểu hoạt động chuyên trách (đầu nhiệm kỳ 13 đại biểu hoạt động chuyên trách), Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội có trưởng ban và 2 phó ban chuyên trách; Ban Dân tộc, Ban Pháp chế bố trí mỗi ban 2 đại biểu giữ chức danh Trưởng ban và Phó ban. Các Ban HÐND tỉnh hoạt động tương đối đều tay, đa số đại biểu chuyên trách đã làm nhiệm vụ đại biểu từ 1 đến 2 nhiệm kỳ, có tâm huyết, có kinh nghiệm và kỹ năng hoạt động, có kiến thức hiểu biết về pháp luật, am hiểu tình hình kinh tế, xã hội của địa phương, tập quán của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Ðây là những điều kiện thuận lợi và tiền đề quan trọng để các đại biểu hoạt động chuyên trách làm tốt nhiệm vụ của mình.

Nhiệm kỳ 2021 - 2026 sắp tới, thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, việc lựa chọn những người ứng cử HÐND tỉnh, có tâm, có tầm, đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri là việc làm rất quan trọng của Ðảng đoàn HÐND tỉnh, Thường trực HÐND khóa cũ. Hội đồng nhân dân có thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương chính là ở các vị đại biểu HÐND được cử tri bầu ra.

Nhữ Văn Quảng
Bình luận
Back To Top