Chính trịBầu cử

Sinh hoạt tư tưởng

Nhận thức đúng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm

09:06 - Thứ Tư, 14/04/2021 Lượt xem: 3387 In bài viết

ĐBP - Sự kiện bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang đến gần. Các bước chuẩn bị, không khí thi đua chào mừng sự kiện quan trọng này đã và đang được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Khắp các tuyến đường, khu dân cư từ thành phố đến nông thôn, khẩu hiệu tuyên truyền, loa truyền thanh, phát thanh đưa thông tin về sự kiện được truyền tải đến nhân dân thường xuyên.

Tuy nhiên, cá biệt ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… vẫn còn tình trạng người dân nhận thức chưa đúng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cử tri trong việc tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và HÐND các cấp. Trong hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu HÐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, bên cạnh đánh giá, góp ý về người được giới thiệu ứng cử, có cử tri còn nêu kiến nghị cấp ủy, chính quyền giải quyết các vấn đề khác về dân sinh thì mới đi bầu cử. Những đề nghị của cử tri, có việc đúng, có việc chưa thỏa đáng, không phù hợp. Chưa bàn đến vấn đề kiến nghị đúng hay không thì điều đầu tiên phải khẳng định ngay là cử tri chưa nhận thức đúng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Ðáng chú ý, tham gia hội nghị, chứng kiến cử tri tại địa bàn cư trú nhận thức không đúng, nhưng có cán bộ thôn bản chưa nêu cao trách nhiệm tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu mà lại lảng tránh, im lặng...

Quyền bầu cử là quyền chính trị cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Thông qua bầu cử, công dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước, góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Vì vậy, thực hiện bầu cử không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của công dân đối với đất nước.

Tiếp thu nguyện vọng của nhân dân, xác minh, tìm hướng tháo gỡ vướng mắc; song việc tách bạch rõ quyền, nghĩa vụ của công dân và giải quyết đề xuất chính đáng ở cơ sở đã được các cấp ủy, chính quyền thực hiện. Người dân có thể do nhận thức, do trình độ, điều kiện tiếp cận thông tin chưa tốt, nên nhận thức chưa thấu đáo... Song cán bộ, đảng viên, quần chúng ưu tú… mà vẫn còn nhận thức lệch lạc, thiếu quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ thì là điều cần suy nghĩ… 

Thảo Vi
Bình luận
Back To Top