Chính trịBầu cử

Nguyên tắc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân

10:42 - Chủ Nhật, 18/04/2021 Lượt xem: 3048 In bài viết

ĐBP - Việc bầu cử đại biểu Quốc hội (ÐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HÐND) được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín (Ðiều 1, Luật Bầu cử ÐBQH và đại biểu HÐND). Nguyên tắc này gồm các nội dung có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất và được thực hiện xuyên suốt quá trình bầu cử.

Thứ nhất, nguyên tắc phổ thông thể hiện tính toàn dân, toàn diện trong bầu cử, bảo đảm mọi công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên tính đến ngày bầu cử được công bố có quyền bầu cử, đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HÐND các cấp theo quy định của Luật. Ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được Quốc hội quyết định vào Chủ nhật, ngày 23/5/2021. Thời gian bỏ phiếu được quy định thống nhất trong cả nước từ 7 giờ sáng cho đến 7 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, thời gian bầu cử có thể sớm hoặc muộn hơn theo Luật định. Danh sách cử tri được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã và những địa điểm khác theo quy định và được thông báo rộng rãi chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử. Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri.

Thứ hai, nguyên tắc bình đẳng nhằm bảo đảm tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều có khả năng như nhau tham gia bầu cử. Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Mỗi người chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử. Mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu, giá trị phiếu bầu của các cử tri là như nhau không có sự phân biệt.

Thứ ba, nguyên tắc bầu cử trực tiếp là việc cử tri trực tiếp đi bầu cử, tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu để lựa chọn người đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực nhà nước trừ trường hợp luật định. Cử tri không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư.

Ðối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Thứ tư, nguyên tắc bỏ phiếu kín bảo đảm cho cử tri tự do lựa chọn người mình tín nhiệm vào cơ quan quyền lực nhà nước mà không bị tác động bởi những điều kiện và các yếu tố bên ngoài. Việc cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Cử tri viết phiếu bầu trong khu vực riêng, không ai được đến gần, kể cả cán bộ của Tổ bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín có ý nghĩa hết sức quan trọng, phản ánh bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và quyền làm chủ thực sự của nhân dân; bảo đảm cho việc bầu cử ÐBQH, đại biểu HÐND được tiến hành dân chủ, bình đẳng, công tâm, khách quan, lựa chọn được các đại biểu đủ đức đủ tài vào cơ quan quyền lực nhà nước theo ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Phạm Minh Thủy (Trường Chính trị tỉnh)
Bình luận
Back To Top