Chính trịBầu cử

Quy định pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu dân cử

09:10 - Thứ Tư, 26/05/2021 Lượt xem: 4418 In bài viết

Đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; gương mẫu chấp hành pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật, chính sách và tham gia vào việc quản lý nhà nước. Trước hết người đại biểu phải hiểu những quy định của pháp luật về nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Tham gia kỳ họp HĐND

Kỳ họp là hoạt động chủ yếu của HĐND. HĐND họp thường lệ mỗi năm hai kỳ, ngoài ra HĐND có thể tổ chức kỳ họp chuyên đề. Đại biểu HĐND có nhiệm vụ tham dự đầy đủ các kỳ họp, chấp hành nội quy kỳ họp, phiên họp của HĐND, cuộc thảo luận ở Tổ đại biểu HĐND, cuộc họp Ban của HĐND mà đại biểu là thành viên và tham gia các hoạt động khác của HĐND. Khi nhận được tài liệu kỳ họp, đại biểu HĐND phải nghiên cứu tài liệu, tiếp xúc cử tri, tham gia các hoạt động của Ban HĐND chuẩn bị cho kỳ họp.

Tại kỳ họp thường lệ, HĐND quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quyết định dự toán và phân bổ ngân sách, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; quyết định các chủ trương, biện pháp để triển khai thực hiện ngân sách địa phương; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương; quyết định những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình; nghe Thường trực HĐND báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, thông báo kết quả thực hiện chương trình và kế hoạch giám sát; nghe Ủy ban nhân dân cùng cấp báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; nghe Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thông báo công tác tham gia xây dựng chính quyền và những ý kiến, kiến nghị; xem xét báo cáo hoạt động của Thường trực HĐND, Ban của HĐND, UBND và báo cáo công tác của Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp; chất vấn và trả lời chất vấn...

Tổ chức tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân

Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri với HĐND và cơ quan nhà nước hữu quan ở địa phương. Trước ngày khai mạc kỳ họp, Thường trực HĐND, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tổ đại biểu HĐND có trách nhiệm tổ chức để đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri (TXCT) thu thập ý kiến, nguyện vọng của cử tri về những vấn đề thuộc chương trình, nội dung kỳ họp và ý kiến, kiến nghị của cử tri với HĐND và các cơ quan nhà nước hữu quan ở địa phương.

 Sau ngày bế mạc kỳ họp, Tổ đại biểu TXCT có trách nhiệm tổ chức để đại biểu HĐND TXCT báo cáo kết quả kỳ họp, kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND và vận động nhân dân thực hiện nghị quyết đó. Mỗi năm một lần vào cuối năm, kết hợp với việc TXCT, đại biểu HĐND báo cáo với cử tri ở đơn vị bầu ra mình về hoạt động trong năm, nhiệm vụ năm tới của mình và của HĐND. Đại biểu HĐND có thể tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc hoặc theo chuyên đề. Ngoài ra có thể trực tiếp gặp gỡ cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những vấn đề mà đại biểu quan tâm; chuyển những kiến nghị của cử tri tới cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi đại biểu HĐND công tác có trách nhiệm tạo điều kiện để đại biểu có thời gian tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Đại biểu HĐND tiếp công dân nhằm thu thập ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của công dân; giải thích, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho công dân; hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và nhận đơn thư của công dân để chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Khi nhận được ý kiến, kiến nghị của công dân, đại biểu HĐND xem xét, nghiên cứu để phản ánh tới Thường trực HĐND hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Trong thời hạn do pháp luật quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân do đại biểu HĐND hoặc Thường trực HĐND chuyển đến. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo cho đại biểu HĐND và Thường trực HĐND biết việc giải quyết.

Quyền của đại biểu HĐND

Đại biểu HĐND có quyền chất vấn chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND, thành viên UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp. Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu; kiến nghị tổ chức phiên họp chuyên đề, phiên họp để giải quyết các công việc phát sinh đột xuất và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu thấy cần thiết.

 Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

Mỗi nhiệm kỳ, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.

Xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu, đại biểu bị bãi nhiệm, bị mất quyền

- Vì lý do sức khỏe, hoặc lý do khác, đại biểu HĐND có thể làm đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu của mình. Thường trực HĐND trình HĐND xem xét, quyết định. Sau khi ban hành nghị quyết, Thường trực HĐND thông báo cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, cử tri ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu được bầu và đại biểu đó biết nghị quyết của HĐND về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND.

- Đại biểu HĐND chuyển công tác khỏi địa bàn mà mình đang làm đại biểu thì phải xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu.

- Đại biểu HĐND không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu HĐND, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm.

- Trường hợp đại biểu HĐND bị khởi tố bị can thì Thường trực HĐND quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND; đại biểu HĐND bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu.

- Đại biểu HĐND là cán bộ, công chức nhà nước vi phạm kỷ luật phải xử lý buộc thôi việc, cách chức hoặc tạm đình chỉ công tác thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trước khi ra quyết định kỷ luật phải thông báo bằng văn bản đến Thường trực HĐND cấp đại biểu được bầu.

Nhữ Văn Quảng (Hội đồng nhân dân tỉnh)
Bình luận
Back To Top