Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Trường Sa - hậu phương lớn giữa biển khơi

00:00 - Thứ Ba, 02/06/2015 Lượt xem: 699 In bài viết
Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} Ra đến Trường Sa, chúng tôi mới hiểu hết được sự sẻ chia, tình quân dân gắn bó nơi hải đảo xa xôi. Họ chia ngọt, sẻ bùi để cùng vững vàng vượt lên khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ của những người đang đứng nơi tuyến đầu bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Không chỉ vậy, Trường Sa còn là một hậu phương lớn giữa biển khơi để hằng ngày làm chỗ dựa cho ngư dân từ đất liền ra yên tâm bám biển.

Tình quân dân gắn bó

Trong căn nhà được bố trí gọn gàng, ngăn nắp trên đảo Song Tử Tây, chiếc máy khâu dường như là vật dụng được chị Trương Thị Thanh Xuân “chăm sóc” khá kỹ lưỡng. Được bố trí hợp lý trong một góc nhà, được lau chùi bóng loáng, nhìn như mới. Trên chiếc bàn nhỏ xinh đặt ngay cạnh, vài bộ quần áo lính hải quân được gấp gọn gàng.

Thắc mắc, tôi được chị Xuân giải thích, đó là mấy bộ quần áo của mấy em chiến sĩ trẻ nhờ may lại, hôm nay có đoàn công tác đến thăm, chắc bận nên chưa xuống lấy được. “Bộ đội trên đảo hằng ngày huấn luyện rất vất vả. Lăn lê suốt ngày nên áo quần bị rách, tuột chỉ là chuyện thường tình. Ai không biết may vá thì mang xuống nhờ các chị em trong xóm may vá lại hộ. Đặc biệt là mấy chiến sĩ trẻ. Mới ra đảo nên ngại, lóng ngóng không biết làm, thấy thế chị em trong xóm lại động viên mang xuống để mọi người làm giúp miễn phí. Ở nhà em út mình thế nào thì ở đây các chú ấy cũng thế.

Ở đây mọi người coi nhau như người trong nhà, giúp nhau được gì là sẵn sàng cả”, chị Xuân tâm sự. Nhìn những bộ quần áo lính được may vá cẩn thận, gấp nếp phẳng phiu, tôi cảm nhận được phần nào tình quân dân ở nơi đầu ngọn sóng.

Câu chuyện về nghĩa tình giữa quân với dân trên các đảo ở Trường Sa được thể hiện qua từng hành động nhỏ trong cuộc sống thường nhật. Với những hộ dân, hôm nào trời yên biển lặng đi đánh cá về, nhiều ít cũng chỉ giữ lại một phần để gia đình dùng, một phần đem biếu bộ đội. Tăng gia được ngọn rau xanh, cũng chỉ đủ cho gia đình nhưng dư chút nào thì đem biếu bộ đội chút ấy. Họ chia sẻ với nhau từng gáo nước ngọt, từng cọng rau xanh. Đối với các hộ dân, mỗi khi có việc nặng, nhờ vả là bộ đội chẳng bao giờ nề hà.

Cuộc sống của người dân thường nhật ở Trường Sa.

Anh Nguyễn Thành Chung, một cư dân ở Song Tử Tây chia sẻ: “Cuộc sống thường ngày của người dân và bộ đội trên đảo rất gắn bó. Ai có việc gì cùng chia sẻ để mọi người giúp đỡ. Người dân chúng tôi thiếu gì thì đề xuất với bộ đội. Mọi người trên đảo đều coi nhau như người một nhà. Bộ đội, rồi chính quyền xã thường xuyên xuống từng hộ dân, chân tình động viên, quan tâm giúp đỡ người dân từ những thứ nhỏ nhất”.

Ở giữa biển khơi, tình cảm gắn bó giữa người với người, giữa quân và dân trên các đảo chính là động lực để họ vượt qua được những khó khăn, vươn lên giữa nắng gió Trường Sa. Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Trung Hiếu, Phó Chủ tịch HĐND xã đảo Song Tử Tây cho biết, người dân trên đảo ai cũng có ý thức xây dựng đời sống văn hóa ở khu cư dân, nhiệt tình tham gia vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, xây dựng khối đại đoàn kết giữa các lực lượng trên đảo. “Vào những ngày lễ, Tết, chúng tôi đều tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa người dân với cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Thông qua những hoạt động giao lưu này mà tình quân dân xã đảo càng thêm gắn bó”, ông Hiếu cho biết.

Hậu phương lớn giữa biển khơi

Âu tàu ở đảo Song Tử Tây là âu tàu lớn nhất trong số các đảo nổi hiện nay ở Trường Sa. Âu tàu này có sức chứa hàng chục tàu lớn. Đây cũng là địa chỉ đỏ để ngư dân từ đất liền ra ngư trường Trường Sa đánh cá vào trú, tránh bão, tiếp thêm nước ngọt, thuốc men trong những chuyến đi kéo dài hằng tháng. Trên đảo Song Tử Tây cũng có 1 trạm tiếp nhiên liệu do đó, tàu bè, chủ yếu là ngư dân đánh bắt xa bờ thường xuyên ra vào ở âu tàu này.

Dưới cái nắng gay gắt trên bến âu tàu Song Tử Tây, anh Đặng Quảng Lăng (ngư dân đánh bắt xa bờ Bình Thuận) chủ tàu BTh684TS đang cùng một thuyền viên khệ nệ xách từng can nước ngọt vừa được tiếp tế trên đảo xuống tàu. Chuyến đi biển đã kéo dài hơn 1 tháng, lương thực, nhiên liệu vẫn đủ dùng chỉ duy nhất nước ngọt là thiếu.

Ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển vì luôn có hậu phương Trường Sa vững chắc.

Anh Lăng cho biết, tàu đi đã được nhiều ngày và đang chuẩn bị về bến. Sở dĩ, nước ngọt dùng để ăn uống hết là do sắp đến ngày vào bờ gặp được luồng cá nên chuyến đi kéo dài hơn dự định. Dự định chuyến đánh bắt xa bờ này sẽ kéo dài thêm khoảng 1 tuần nữa, hết nước ngọt nhưng tất cả anh em trên tàu từ thuyền trưởng, lẫn thuyền viên không ai phải lo lắng vì sau lưng có một điểm tựa là Trường Sa.

Lau qua những giọt mồ hôi ngang trán, anh Lăng chia sẻ: “Mỗi chuyến đi đánh bắt xa bờ thường kéo dài cả tháng. Nhiều khi thiếu nước ngọt, hết lương thực, anh em đau ốm, chúng tôi lại tìm về các âu tàu trên đảo. Giữa trùng khơi, có một nơi để về đã cho chúng tôi cảm giác như đang ở nhà mình vậy. Mỗi khi cập đảo, ngư dân chúng tôi lại được bà con, anh em cán bộ chiến sĩ nhiệt tình giúp đỡ. Từng can nước ngọt, từng viên thuốc giữa biển khơi là vô cùng quý giá. Động lực để ngư dân chúng tôi yên tâm ngày đêm bám biển chính là giữa biển khơi mênh mông, chúng tôi vẫn có một “hậu phương” lớn là Trường Sa”.

Con số 64 tàu đánh cá cùng 786 ngư dân đã được quân, dân trên đảo giúp đỡ lánh nạn, nước ngọt, ốm đau trong cơn bão Hải Yến năm 2013 đã khẳng định được vai trò của Trường Sa đối với ngư dân lúc khó khăn, hoạn nạn. Ở Song Tử Tây này, hằng ngày vẫn có những tàu đánh cá của ngư dân cập bến âu tàu. Bà con được cấp miễn phí nước ngọt, mua nhiên liệu bằng với giá trên đất liền tạo điều kiện rất nhiều cho ngư dân từ các tỉnh như: Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Thuận… ra ngư trường này đánh bắt. Cũng chính vì thế mà đội tàu đánh cá của ngư dân ở vùng biển này tăng mạnh, lý do rất dễ giải thích rằng, ở đây bà con ngư dân đang có một hậu phương vững chắc để yên tâm bám biển, góp phần giữ gìn biển đảo quê hương.

Trên đảo Trường Sa Lớn, trái tim của huyện đảo Trường Sa, tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa chia sẻ, có một Trường Sa vững vàng trong gian khó như hôm nay là nhờ sự quan tâm, động viên, lãnh đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước. Quân và dân Trường Sa luôn thấm nhuần khẩu hiệu: Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì Tổ quốc. Bên cạnh việc nỗ lực hoàn thành công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, Trường Sa cũng đang làm hết sức mình để khẳng định vai trò của một người lính kiên trung giữa biển khơi, trở thành địa chỉ an toàn, chỗ dựa tin cậy cho ngư dân ra đánh bắt, khai thác hải sản trong khu vực chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top