Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Ngày 17/1, đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tượng đài “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”: Hoàng Sa - máu thịt Tổ quốc

00:00 - Thứ Ba, 12/01/2016 Lượt xem: 1954 In bài viết
Những ngày đầu năm mới 2016, lòng người dân cả nước lại đau đáu hướng về Biển Đông. Nơi đó, Hoàng Sa, Trường Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của tổ quốc.

Những hành động khiêu khích, cường bạo đối với ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền của đất nước xảy ra khiến hàng triệu con tim Việt căm phẫn, càng thấy quyết tâm khẳng định chủ quyền trên biển, đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa.

Phác thảo Khu tượng đài “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Với tình cảm của nhân dân, công nhân lao động cả nước hướng về biển, đảo, ngày 17.1 Tổng LĐLĐVN sẽ đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng tượng đài nghĩa sĩ Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), để tưởng niệm những người con đất Việt đã hy sinh để bảo vệ vùng biển, đảo Hoàng Sa từ ngày Việt Nam xác lập chủ quyền cho đến nay.

Tổ quốc ghi công

Cách đây hai năm, lúc 9h ngày 14.3, một cuộc gặp gỡ có tính lịch sử, mang tên “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Đà Nẵng. Cuộc gặp này chính thức khởi động chương trình tìm kiếm, chia sẻ, kết nối và giúp đỡ vật chất, tinh thần cho thân nhân, gia đình hậu duệ các hùng binh trong Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, từ thời các chúa Nguyễn, đến các tử sĩ quân đội Việt Nam Cộng hoà, bỏ mình trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, cùng những liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma - Trường Sa năm 1988, trong trận chiến chống Trung Quốc xâm lược.

Phối cảnh thiết kế Khu tượng đài “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”.

Trong buổi lễ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - ông Đặng Ngọc Tùng - đã nói trong niềm xúc động: “40 năm trước, ngày 19.1.1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 74 sĩ quan, binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng hòa đã kiên cường chiến đấu bảo vệ đảo và hy sinh vĩnh viễn nằm lại ở vùng biển Hoàng Sa. Máu của những người con đất Việt dù trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Ghi nhận công ơn to lớn đó, chia sẻ nỗi đau của những người vợ, người con có người thân đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988 là việc làm rất cần thiết của cả cộng đồng và xã hội”.

Một năm sau, từ sự lan toả của chương trình, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã khởi công xây dựng Khu tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Trường Sa tại bán đảo Cam Ranh, Khánh Hoà. Trả lời phỏng vấn tại buổi lễ, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng khẳng định, sau Tượng đài Gạc Ma, sẽ là Tượng đài các nghĩa sĩ Hoàng Sa được đặt tại đảo Lý Sơn - nơi gần với Hoàng Sa nhất, để tưởng niệm những người con hy sinh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước trên vùng biển đảo Hoàng Sa.

Và ngày 17.1.2016, là dịp mà cách đây 42 năm, Trung Quốc đã xua quân cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa và chiếm giữ một phần máu thịt tổ quốc cho đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì cùng với sự phối hợp của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng vàng Lao Động… sẽ chính thức đặt viên đá khởi công công trình Khu tượng đài “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” tại núi Thới Lới, đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Mặt trước và mặt sau viên đá đầu tiên xây dựng Khu tượng đài “Nghĩa Sĩ Hoàng Sa”.

Chất men yêu nước

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã gọi chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” là chất men yêu nước, bởi bao nhiêu người Việt đã hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ đất nước, thì tổ quốc phải ghi công và gia đình họ phải được Nhà nước và nhân dân quan tâm đến. Theo ông, chỉ có “Đại hòa” từ chất men yêu nước, mới có thể xây dựng nội lực hùng cường; mới không còn bị xử ép ở Biển Đông, cũng như thoát khỏi nguy cơ thuộc quốc kiểu mới.

Tháng 7.2014, lần đầu tiên một công trình nghiên cứu đồ sộ về Hoàng Sa, Trường Sa tập hợp trong 4 cuốn sách, dày hơn một ngàn trang, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phối hợp với Công ty Văn hoá Phương Nam xuất bản, phần lớn được chuyển đến thư viện các trường học trong cả nước để góp phần giáo dục và xây dựng bộ tư liệu đấu tranh với Trung Quốc về mặt sử liệu bảo vệ chủ quyền. Ông Nguyễn Trung Dân (NXB Hội Nhà văn) cho biết: “Bốn bộ sách tập hợp công trình của nhiều nhà nghiên cứu như TS Đinh Kim Phúc, TS Gioan Phao lồ Nguyễn Thái Hợp - Tổng Giám mục địa phận Vinh - chủ biên... Đặc biệt trong đó có số “Đặc khảo về Hoàng Sa, Trường Sa” của Tập san Sử Địa, do Hản Nguyên Nguyễn Nhã chủ trương xuất bản từ trước năm 1975, chứng minh từ chế độ cũ VNCH đã ráo riết đòi lại Hoàng Sa; hơn hết tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn vừa có cuộc đi tìm bản đồ cổ về chủ quyền Biển Đông của Việt Nam ở hàng chục nước từng có thời kỳ ngang dọc mua bán, làm ăn trên biển... Bộ sách “Đặc khảo về Hoàng Sa, Trường Sa” cùng đầy đủ chứng lý mới-cũ, trong-ngoài nước... đủ khả năng cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu, cần chứng lý và cả pháp lý về Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.

Người mẹ thắp lửa

Sáng 20.12 tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chọn phương án thiết kế “Người mẹ thắp lửa…” của kiến trúc sư Trần Văn Dũng, để xây dựng Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” tại Lý Sơn, Quảng Ngãi. Biểu tượng của tượng đài mang tính phổ quát, bao hàm nhiều ý nghĩa, giúp người xem liên tưởng tới Hoàng Sa - vùng biển đảo của tổ quốc hiện chưa về với đất mẹ, đồng thời biểu tượng cho những người đã ngã xuống trong quá trình xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa cách đây hàng trăm năm từ thời Chúa Nguyễn, Tây Sơn… cho đến các chính quyền tiếp theo…

KTS Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: “ Đến Lý Sơn để tìm kiếm ý tưởng, tôi vô tình chứng kiến hình ảnh nhiều người mẹ, người vợ ra bờ biển ngóng tin chồng, con đi biển vào các buổi chiều. Trong khi đó, người thân của những phụ nữ trên phải đối mặt với nhiều hiểm nguy trên biển. Thậm chí nhiều người có thể đã bỏ mình và thân xác còn ở nơi biển xa, thay vào đó là những ngôi mộ gió trên đảo. Như vậy, người phụ nữ chờ đợi chính là chứng nhân vắng mặt của những người đang tham gia vào việc khẳng định chủ quyền biển, đảo. Tôi đã quyết định chọn hình ảnh người phụ nữ chờ đợi, bởi tính đại diện mà không có bất cứ hình ảnh nào khác có thể thay thế được. Hơn hết, hình ảnh người mẹ thắp lửa còn là điểm tựa; là mẹ tổ quốc luôn khắc khoải chờ đón đứa con xa trở về…”.

Khu tưởng niệm các nghĩa sĩ Hoàng Sa sẽ đặt viên đá đầu tiên xây dựng vào tháng 1.2016 và dự kiến sẽ sớm hoàn thành. Tại đây trong tương lai, Khu tượng đài “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” sẽ trở thành một biểu tượng của lòng yêu nước, và hơn hết, đó còn là một địa chỉ chủ quyền trên hòn đảo tiền tiêu Lý Sơn.

Theo Hanoimoi/Lao Động
Bình luận
Back To Top