Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Hành trình xuân trên biển đảo Tây Nam

Bài 1: Chở yêu thương ra đảo

09:42 - Thứ Ba, 29/01/2019 Lượt xem: 3996 In bài viết

Háo hức, chờ đợi là tâm trạng thường đến với bất kỳ ai chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Tâm trạng ấy càng đặc biệt hơn với chúng tôi - những phóng viên ở mảnh đất cực Tây của Tổ quốc - lần đầu được tham gia cùng đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân “chở” yêu thương đến với cán bộ chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng.

 

Đại tá Võ Đức Tiên, Phó Tư lệnh Vùng 5 Hải quân trao quà tết của Vùng 5 cho cán bộ, chiến sĩ Trạm Rađa 595 và các lực lượng trên đảo Hòn Chuối.

Đến tận bây giờ, khi hành trình 1 tuần trên vùng biển, đảo Tây Nam Tổ quốc đã kết thúc, nhưng cảm giác chông chênh, dập dềnh của sóng nước, của gió biểntình quân dân thắm thiết… nơi đảo xa vẫn vẹn nguyên.

Vùng biển Tây Nam là khu vực có nhiều tàu thuyền quốc tế qua lại, giao thương hàng hóa và cũng là nơi sinh sống của hàng vạn ngư dân với nghề đánh bắt, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản. Vùng biển Tây Nam, cùng với đảo Phú Quốc, Thổ Chu và tuyến đảo: Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Khoai tạo thành thế khép kín bao bọc phần đất liền phía Tây Nam của Tổ quốc. Các đảo có bờ biển uốn lượn, sườn dốc, có nhiều bãi biển rất đẹp, nước trong xanh, nhiều đảo còn giữ được vẻ hoang sơ, rừng nguyên sinh nhiều di tích lịch sử, văn hóa...

Năm nào cũng vậy, nhằm kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các vùng biển đảo của Tổ quốc nói chung và vùng biển đảo phía Tây Nam nói riêng khắc phục mọi khó khăn, gắn bó với biển đảo, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, Vùng 5 Hải quân đều tổ chức các chuyến tàu đưa đại biểu, phóng viên báo chí các tỉnh đi thăm, chúc tết quân dân các đảo. Vẫn biết, những món quà tết không mang nhiều giá trị vật chất, nhưng tấm lòng quý mến, yêu thương của nhân dân đất liền đối với quân dân vùng hải đảo.

Theo lịch trình, sau khi thăm, chúc tết các đơn vị thuộc Vùng 5 Hải quân tại đảo Phú Quốc, đoàn sẽ lên tàu bắt đầu chuyến hành trình qua các đảo: Hòn Đốc, Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Khoai và kết thúc là đảo Thổ Chu.

Đúng 19 giờ ngày 6/1, sau những hồi còi kéo dài chào tạm biệt đất liền, con tàu mang số hiệu 637 của Vùng 5 Hải quân chở đoàn công tác mang hương xuân, không khí tết, đến với quân, dân trên đảo tiền tiêu vùng biển Tây Nam.

Điều kiện sinh hoạt trên tàu không được tiện nghi, nhưng với sự chăm sóc chu đáo của thủy thủ đoàn, cùng sự háo hức nên ai nấy trong đoàn công tác rất vui. Đêm đầu tiên, chúng tôi không ngủ được, kéo nhau ra boong tàu nghe tiếng gió rít, tiếng gầm gào của sóng, hòa cùng ánh trăng bàng bạc trên đầu các con sóng nhấp nhô… Vùng biển Tây Nam về đêm đẹp một cách lạ kỳ.

Sau khoảng 5 giờ di chuyển, tàu 637 vượt qua hải trình hơn 35 hải lý đưa chúng tôi đến với đảo Hòn Đốc, một trong những đảo xinh đẹp nằm trong quần đảo Hải Tặc, thuộc xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tàu đến Hòn Đốc lúc nửa đêm, do đó, phải neo lại gần bờ và chờ đến sáng hôm sau mới cập cảng.

Bình minh vừa ló rạng, cũng là lúc các chiến sĩ hải quân nhanh chóng chuyển quà, đưa đoàn công tác sang tàu cá để trung chuyển lên đảo. Từ bến cảng, chúng tôi phải leo bộ hơn 3km đường đồi núi mới tới điểm đóng quân của Trạm Rađa 625, thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân. Đóng quân trên đồi cao, cách mặt nước biển 81 mét, việc đi lại của cán bộ, chiến sĩ nơi đây gặp không ít khó khăn, mùa khô thiếu nước, mùa mưa bão đường xuống núi trở nên trơn trượt và nguy hiểm... Điều khiến chúng tôi tò mò chính là tên gọi khá đặc biệt của hòn đảo: Đảo Hải Tặc. Thấy chúng tôi có vẻ ngẩn ngơ trước tấm biển ghi chữ “Đảo Hải Tặc, ông Bẩy Chứa, một người dân sinh sống lâu năm trên đảo Hòn Đốc hồ hởi giải thích: Đó chỉ là cái tên thôi. Chúng tôi cũng không biết cái tên Hải Tặc có từ bao giờ. Thế nhưng, kể từ khi chuyển ra đây sinh sống, tuyệt nhiên chưa một lần thấy hải tặc hay cướp biển nào cả. Cuộc sống và sinh hoạt nơi đây rất yên bình.

Có mặt tại Trạm Rađa 625 để đón đoàn công tác, ông Phan Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hải chia sẻ: Đây là đảo lớn nhất và cũng là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, tổ chức hành chính với 2 ấp, 10 tổ nhân dân tự quản, 503 hộ1.944 nhân khẩu, sống bằng nghề đi biển và buôn bán nhỏ. Tết Kỷ Hợi này, niềm vui của quân, dân trên đảo được nhân lên bởi không chỉ đón đoàn công tác ra thăm, chúc tết mà Hòn Đốc chính thức được công nhn là đảo du lịch trong năm 2018.  

Hòa chung niềm vui đón tết với người dân, tuy nhiên, cán bộ chiến sĩ trên đảo vui xuân mới không quên nhiệm vụ, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Đại úy Lê Văn Hiện, Trạm trưởng Trạm Rađa 625 cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ Trạm Rađa 625 và các lực lượng đóng quân trên địa bàn luôn chắc tay súng, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, đảm bảo an ninh, bảo vệ vững chắc địa bàn được giao; nắm chắc tình hình trên không, trên biển trong phạm vi quan sát, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa khu vực”.

Xuân đã về sớm với quân và dân trên các hòn đảo vùng biển phía Tây Nam. Chúng tôi biết xuân này nhiều cán bộ, chiến sĩ vì nhiệm vụ thiêng liêng không thể về đất liền đón tết, sum vầy cùng gia đình. Thế nhưng, tình quân dân trên đảo thắm thiết, những tình cảm dạt dào từ đất liền đã giúp những người lính đảo kiên cường, mạnh mẽ bám trụ tại các trạm Rađa, nơi được ví như những đôi “mắt thần” canh giữ biển cả bao la. Chia tay quân dân trên đảo Hòn Đốc, tàu 637 tiếp tục hành trình chở yêu thương của đất liền, lướt sóng đại dương đến với cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo tuyến Tây Nam của Tổ quốc.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top