Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Hành trình xuân trên biển đảo Tây Nam

Bài 2: Sức sống mới trên vùng biển Tây Nam

14:39 - Thứ Ba, 29/01/2019 Lượt xem: 4600 In bài viết

ĐBP - Vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc đang vào xuân. Việc vui xuân đón tết của các chiến sĩ hải quân luôn rộn ràng, ấm áp với sự gắn kết của tình đồng đội, tình quân dân thắm thiết. Đó cũng là động lực để quân dân hải đảo chung tay xây dựng cuộc sống ngày một đổi mới, ấm no hơn.

Rời đảo Hòn Đốc, tàu hải quân 637 tiếp tục hành trình đưa chúng tôi đến với quần đảo Nam Du - nơi cán bộ, chiến sĩ Trạm Rađa 600, Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân cắm chốt. Quần đảo Nam Du thuộc xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang gồm 21 đảo lớn, nhỏ như: Hòn Giang, Hòn Nấm Ngoài, Hòn Nấm Trong, Hòn Hàng, Hòn Mộc, Hòn Mấu, Hòn Dấu, Hòn Sau, Hòn Ông, Hòn Áo... Trung tâm xã An Sơn nằm trên đảo Củ Tron. Ngoài cán bộ, chiến sĩ Trạm Rađa 600, Đồn Biên phòng 742 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang và Trạm Hải đăng Nam Du, trên đảo còn có khoảng 900 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu.

 

Người dân trên đảo Nam Du chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.

Tàu cập cảng Nam Du, đoàn công tác vào dâng hương tưởng nhớ 500 ngư dân bị thiệt mạng trong cơn bão số 5 năm 1997. Để lên đến trạm Rađa 600 cả đoàn phải “cuốc bộ” trên con đường đèo dốc hun hút, dựng đứng trong cái nắng cháy da. Theo chia sẻ của các chiến sĩ tại đây, đoạn đường từ cảng lên trạm Rađa khoảng 3km, nhưng đường dốc trơn trượt, nhất là vào mùa mưa, do đó để đi xe máy lên được trạm phải là những tay lái rất vững và một chiếc xe loại tốt.

Những tưởng đoạn đường đèo dốc chỉ có ở quần đảo Nam Du, thế nhưng  khi đến với đảo Hòn Chuối hay Hòn Khoai - nơi cán bộ, chiến sĩ Trạm Rađa 615 và Trạm Rađa 595 đóng quân, chúng tôi còn có dịp thử sức trên đoạn đường khó khăn hơn nhiều lần. Trong số 5 điểm đảo chúng tôi đến thăm gồm: Hòn Đốc, Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Khoai, Thổ Chu thì đảo Hòn Chuối là nơi phải di chuyển và vận chuyển hoàn toàn bằng sức người. Để vận chuyển được hàng hóa lên trạm Rađa phải vượt qua cung đường dốc dài gần 1km, sau đó tiếp tục xuyên rừng, vượt núi.

Đại úy Hồ Hữu Nghĩa, Trạm trưởng Trạm Rađa 615 cho biết: Đảo chủ yếu vách đứng, không có bãi cát, trạm lại đóng quân trên cao (đỉnh cao nhất là 176m so với mực nước biển), do không có đường giao thông nên điều kiện sinh hoạt và công tác trên đảo còn thiếu thốn. Quá trình vận chuyển hàng hóa 100% dựa vào sức người, nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt phụ thuộc 100% vào nước mưa... Khó khăn là vậy, song hiện nay trên đảo Hòn Chuối vẫn có 1 tổ nhân dân tự quản gồm hơn 40 hộ dân và hơn 130 nhân khẩu. Người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy, hải sản. Cuộc sống, sinh hoạt của bà con 1 năm phải thay đổi 2 lần theo thời tiết. Vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, người dân phải di chuyển chỗ ở từ phía Tây sang phía Đông để tránh bão và ngược lại, từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch, họ lại tất bật chuyển nhà về vị trí cũ theo hướng ngược lại.

“Mặc dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng mỗi lần chuyển nhà, hay gặp khó khăn trong cuộc sống chúng tôi đều nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo. Vì thế chúng tôi rất yên tâm bám đảo, bám biển” - anh Nguyễn Văn Huận, một người dân sinh sống trên đảo Hòn Chuối tâm sự.

Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn mà quân dân trên vùng biển đảo Tây Nam phải đối mặt. Trong chuyến hành trình của mình, chúng tôi thấy trên các hòn đảo Nam Du, Hòn Đốc, Thổ Chu hay Hòn Chuối, Hòn Khoai một sức sống mới đang “đâm chồi, nảy lộc”. Đó là các xã đảo đang chuyển mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, một số đảo đã có trường học, trạm y tế, hồ chứa nước ngọt… không lâu nữa, điện lưới quốc gia cũng sẽ được kéo đến một số xã đảo. Và khi đó, chắc chắn cuộc sống của người dân trên đảo sẽ còn thay đổi mạnh mẽ hơn. Đáng kể là người dân trên một số đảo ở vùng biển Tây Nam đã bắt đầu biết làm du lịch. Với vẻ đẹp hoang sơ, nước biển trong xanh, cùng những bãi cát trắng trải dài mà thiên nhiên ban tặng cho đảo Nam Du hay Hòn Đốc, Thổ Chu… đã hình thành nên những điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ông Trần Hải Đăng, cán bộ văn hóa xã An Sơn, quần đảo Nam Du cho biết: Tuy du lịch Nam Du chỉ mới phát triển trong vài năm gần đây, song đã góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân trong xã. Vì thế, thời gian tới du lịch sẽ là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế mà xã An Sơn chú trọng.

 

Ngày mới trên đảo Thổ Chu.

Điều chúng tôi vui mừng nhất trong chuyến công tác tại các đảo trên vùng biển, đảo Tây Nam đó chính là những “mầm non” đang được “ươm” giữa muôn trùng sóng gió. Trong tiếng sóng vỗ ngày đêm chúng tôi vẫn nghe tiếng đánh vần của trẻ em trên những đảo tiền tiêu khó khăn nhất; hay hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ không chỉ chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu mà còn là những thầy giáo miệt mài trên giảng đường ươm mầm tương lai cho đất nước.

Trong số rất nhiều những câu chuyện cảm động, những nghị lực bám biển, giữ đảo, câu chuyện về Đại tá Trần Bình Phục, chủ nhiệm lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất. Ngoài thực hiện nhiệm vụ công tác Đại tá Phục còn dành thời gian kèm cặp, dạy dỗ cho trẻ em trên đảo. Nhờ những “thầy giáo” như Đại tá Trần Bình Phục, giờ người dân trên đảo Hòn Chuối và nhiều hòn đảo khác đã nhận thức được rằng, chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời chứ không thể làm thuê, làm mướn, mưu sinh chênh vênh mãi trên sóng gió đại dương nên họ cũng đồng lòng, quyết tâm cho con đến lớp. “Tôi cũng sẽ cố gắng đem tri thức đến cho các em, biết đến đâu dạy đến đó, cố gắng tốt nhất có thể vì biết đâu mai đây gia đình các em khấm khá hơn, các em vào đất liền sẽ có cơ hội học lên cao hơn!” - Đại tá Trần Bình Phục tâm sự.

Đời sống, nhận thức của người dân trên các vùng biển, đảo Tây Nam đang dần đổi thay, bắt nguồn từ sự gắn kết, sẻ chia của tình quân dân. Kiên cường và bền bỉ giữ biển, giữ đảo nhưng có một điều đặc biệt, trong câu chuyện với chúng tôi, các anh không bao giờ nói nhiều về công việc của mình, bởi đó không chỉ là nhiệm vụ mà hơn thế nữa, khi đã gắn bó với đảo, mỗi người lính đều coi nơi đây là nhà. Bằng những hành động thiết thực, các anh đã thắp lên ngọn lửa niềm tin, chắp cánh cho ước mơ nơi đảo xa trở thành hiện thực.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top