Xã hộiBiển đảo Việt Nam

HƯỚNG VỀ BIỂN ÐẢO TỔ QUỐC

Hết lòng vì sức khỏe quân, dân trên đảo

08:40 - Thứ Năm, 21/02/2019 Lượt xem: 3143 In bài viết

ĐBP - Trong chuyến công tác vừa qua, chúng tôi đặt chân đến đảo Sơn Ca khi ca phẫu thuật mổ ruột thừa cho một bệnh nhân là cán bộ mới diễn ra cách đó một ngày. Hóm hỉnh nói với chúng tôi, Ðại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác, cho biết: “Ðảo Sơn Ca có “truyền thống” mổ ruột thừa đấy. Ngày trước, khi tôi công tác trên đảo, các bác sĩ quân y cũng từng mổ ruột thừa cho nhiều bệnh nhân là cán bộ, chiến sĩ ở đảo, cùng các đảo lân cận và ngư dân đánh cá trên biển. Ðiều đặc biệt là các ca mổ đều thành công, bệnh nhân hồi phục sức khỏe và xuất viện sau vài ngày”.

 

Bác sĩ quân y đảo Nam Yết khám sức khỏe cho bệnh nhân là cán bộ trên đảo.

Trường hợp bệnh nhân vừa được mổ ngày hôm qua là Thượng úy Mai Văn Liên, đang công tác trên đảo. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện trường hợp của anh Liên khá nặng, phải mổ gấp tại chỗ chứ không thể chờ thời gian đưa về đất liền, do đó ê kíp y, bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn, kịp thời mổ cấp cứu và chăm sóc bệnh nhân. Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân y đảo Sơn Ca chia sẻ: “Khi tiếp nhận bệnh nhân chuẩn bị mổ, chúng tôi khá lo lắng, vì tại đây một số trang thiết bị y tế còn hạn chế, nếu ca mổ không thành công thì tình trạng của bệnh nhân sẽ chuyển sang nguy kịch. Chính vì thế ê kíp bác sĩ chúng tôi xác định phải phẫu thuật thành công và đảm bảo cho người bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi được sự trợ giúp kỹ thuật hội chẩn qua hệ thống kết nối trực tuyến với bệnh viện tuyến Trung ương ở đất liền, cộng với sự nỗ lực, hết mình của ê kíp đã thức trắng đêm phẫu thuật nên ca mổ khá thành công”. Sau một ngày phẫu thuật, sức khỏe Thượng úy Mai Văn Liên đã bình ổn, có thể nói chuyện, cảm ơn mọi người đến thăm hỏi”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, cho biết thêm: Ngoài khám, chữa bệnh, phẫu thuật cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo, hàng ngày đơn vị còn tiếp nhận một số ngư dân đánh cá gần khu vực đảo gặp các bệnh về tiêu hóa, hô hấp hay tai nạn lao động trên biển. Do vậy, công việc của các y, bác sĩ khá bận rộn, nhưng đó cũng chính là niềm vui của những người làm ngành y, sinh sống, công tác trên đảo xa. 

Ê kíp thầy thuốc trên đảo Sơn Ca có 5 người, họ đều là các bác sĩ trẻ thuộc bệnh viện quân đội tuyến Trung ương. Mặc dù đã được trau dồi về trình độ kỹ thuật, chuyên môn, nhưng ở ngoài đảo xa đất liền, các y, bác sĩ không có điều kiện học tập, nghiên cứu thêm từ những trang thiết bị máy móc hiện đại. Vì thế, để đảm bảo sức khỏe cho quân, dân trên đảo, các y, bác sĩ vẫn tự học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp và tận dụng những thiết bị thiết yếu nhất để khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. 

Ðến đảo Nam Yết, chúng tôi cũng được chứng kiến một ca phẫu thuật cho bệnh nhân là ngư dân đánh cá bị tai nạn lao động dập nát bàn tay. Ðể thực hiện thành công, ê kíp bác sĩ đã thực hiện cắt lọc tạo hình, phòng chống sốc, băng bó đảm bảo cho bệnh nhân. Ðại úy Nguyễn Thế Anh, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân y đảo Nam Yết cho biết: “Ðây là ca phẫu thuật khó nhất từ trước đến nay đối với bệnh xá chúng tôi. Tuy nhiên, rất may chúng tôi có bác sĩ chuyên khoa trình độ cao, bằng hướng dẫn cụ thể và cố gắng hết mình, ngư dân đã được cấp cứu thành công. Hiện nay chúng tôi đang hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân cùng gia đình đưa về đất liền tiếp tục điều trị”.

Nói về những điều kiện để chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo và ngư dân ốm đau hoặc gặp tai nạn đột xuất trên biển ghé vào đảo Nam Yết, Ðại úy Nguyễn Thế Anh chia sẻ: “Là bác sĩ, có nhiều vất vả, nhưng được sự giúp đỡ của cấp trên, mọi khó khăn chúng tôi đều có thể vượt qua. Mọi việc từ bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ cũng như ngư dân vào đảo cấp cứu, chúng tôi luôn hoàn thành đúng nhiệm vụ được giao”.

Ðể có được những điều kiện tốt chăm sóc cho cán bộ, chiến sĩ công tác trên đảo và ngư dân ghé đảo, ngoài sự quan tâm và có những chính sách ưu tiên cụ thể của Ðảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng… các cán bộ quân y trên đảo đều ý thức tốt là phải có trình độ chuyên môn giỏi, có khả năng xử lý nhiều tình huống, nhiều ca bệnh khác nhau trong bối cảnh công tác ở đảo xa đất liền. Trao đổi với chúng tôi, Ðại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 146 cho biết thêm: “Ở ngoài đảo cơ sở y tế còn thiếu thốn nhiều, nhưng về cơ bản, các y, bác sỹ quân y ra đây đều hết lòng vì người bệnh, vì nhân dân và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Họ chính là điểm tựa cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân trên biển. Nỗ lực của các y, bác sĩ đã giúp cán bộ, chiến sĩ có đủ sức khỏe để vững vàng tay súng bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc; giúp ngư dân yên tâm sinh sống, bám biển và chung tay bảo vệ biển đảo với chúng tôi”.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top