Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Nỗi nhớ Trường Sa

08:35 - Thứ Năm, 11/04/2019 Lượt xem: 4956 In bài viết

ĐBP - Bất cứ ai đã từng đặt chân tới Quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, chắc chắn sẽ có nhiều xúc cảm và ấn tượng khác nhau về cuộc sống, con người và nhiệm vụ của quân, dân trên mỗi đảo. Và khi trở về, dường như ai cũng mang theo một nỗi nhớ Trường Sa đến lạ lùng. Trên chuyến tàu HQ-571 của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân xuất phát từ Quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi đã được trải nghiệm 22 ngày ấn tượng, đáng nhớ trên 6 đảo chìm, đảo nổi, thuộc tuyến Bắc của Quần đảo Trường Sa. Trở về đất liền đã vài tháng, nhưng nỗi nhớ Trường Sa cứ bồi hồi trong tâm trí tôi về một hải trình sóng gió mà đầy xúc cảm…

 

Ðoàn công tác tiếp cận Ðảo Ðá Thị.

Cảm xúc và ấn tượng

Còn nhớ như in, khi tiếng còi tàu HQ-571 vang lên ba hồi ráo riết, đoàn thủy thủ, thuyền viên đã vào vị trí sẵn sàng cho tàu rời bến. Nhìn lại phía Quân cảng Cam Ranh, chúng tôi đã ấn tượng và xúc động ngập tràn khi nhìn những hàng lính hải quân thẳng tắp giơ tay chào tàu, chào đồng đội; những người dân tươi cười vẫy tay tạm biệt bạn bè, người thân. Ấn tượng nhất là những người vợ rưng rưng nước mắt tiễn biệt chồng và vài đứa trẻ độ tuổi mẫu giáo chạy theo tàu ra tận đầu cảng vẫy tay gọi vang những tiếng “ba ơi!” cho đến khi tàu rời xa... Thấy chúng tôi xúc động chực khóc, Ðại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác chia sẻ: “Nhiều người xúc động cũng là dễ hiểu thôi, bởi đối với đoàn công tác chúng ta là đi tham quan thực tế để viết tin, bài khoảng một tháng; nhưng đối với bạn bè, người thân của cán bộ, chiến sĩ theo tàu ra đảo làm nhiệm vụ, thì sự chia ly này thường kéo dài một vài năm”.

Vượt hàng trăm hải lý mới có thể tới được tuyến đảo nên không ít người trong đoàn chúng tôi bị say sóng biển, vài ngày chẳng ăn uống được gì. Ðợt này sóng biển cao từ cấp 5 - 7, nên con tàu cứ chao đảo liên tục, đồ đạc để trong phòng chúng tôi được Trưởng đoàn khuyến cáo không đặt lên bàn và thậm chí việc di chuyển với chúng tôi khá khó khăn. Tuy vậy, xúc động hơn cả khi chúng tôi nhận được sự quan tâm, hỏi han, động viên ân cần của những cán bộ, chiến sĩ trong đoàn công tác của Lữ đoàn 146, của những thủy thủ, thuyền viên trên tàu và cả những đồng đội là nhà báo, phóng viên tham gia cùng chuyến. Có nhiều người chúng tôi còn chưa biết tên, nhưng chỉ cần thấy chúng tôi có dấu hiệu say sóng là đều nhận được sự quan tâm rất đỗi đặc biệt.

Sau những ngày đêm lênh đênh trên biển, chúng tôi đã quen với cái dập dềnh của sóng và di chuyển dễ dàng hơn. Rồi khi đến các đảo: Sinh Tồn Ðông, Nam Yết, Sơn Ca, Ðá Thị, Ðá Nam, Song Tử Tây... được cán bộ, chiến sĩ trên đảo đón tiếp nồng hậu, chia sẻ tâm tình, trò chuyện vui vẻ, khiến chúng tôi quên đi bao mệt mỏi của những ngày lênh đênh.

Ấn tượng nhất đối với tôi là khi chứng kiến những nỗ lực của các chiến sĩ trên đảo trước những khó khăn khắc nghiệt của nắng gió Trường Sa. Do điều kiện nắng nóng quanh năm, lại thiếu đất sản xuất và nước ngọt nên cán bộ, chiến sĩ trên các đảo chìm: Ðá Nam, Ðá Thị rất tiết kiệm nước ngọt. Các anh tận dụng tối đa những khoảnh trống để trữ nước, trồng rau. Những mảnh vườn chỉ chưa đầy 3m2, nhưng có đến chục loại rau xanh trồng bằng đất trong hộp xốp được che chắn cẩn thận như một nhà kính thu nhỏ để tránh nắng, gió. Một khoảng nhỏ bên cửa sổ phòng chiến sĩ cũng có thể trồng những luống rau. Tất cả nước ngọt sau khi sử dụng được để lại tưới rau. Tuy diện tích đất hạn hẹp nhưng những luống rau mầm, bí, cải, mùng tơi, muống, ngót... cứ vươn xanh, tươi tốt và đơm hoa, kết trái. 

Còn ở các đảo nổi như: Sinh Tồn Ðông, Nam Yết, Sơn Ca có diện tích đất rộng rãi hơn đảo chìm, nhưng đa phần chất đất là đá, sỏi, san hô. Một số đảo còn không có giếng nước ngọt, thế nhưng vẫn trồng được cây xanh. Thượng tá Vũ Duy Khánh, Phó chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146 kể rằng, từ đảo đá san hô cằn cỗi năm xưa, nay các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã chung tay cải tạo đất, làm phân bón hữu cơ và nỗ lực trồng cây xanh, khiến cây cối dần sinh sôi nảy nở. Giờ đây, ở các đảo nổi, chúng tôi đã nhìn thấy một màu xanh mướt của những hàng dừa, bàng vuông, phong ba, tra, nhàu, mù u... Buổi chiều, sau giờ luyện tập trên thao trường, anh em chiến sĩ trên đảo lại cùng nhau chăm sóc cây xanh, vườn rau và cải tạo cảnh quan môi trường sống thêm xanh - sạch - đẹp.

Hết lòng với đảo

Ở đảo, niềm vui lớn nhất là được gặp người thân, đồng đội và đồng chí, đồng bào trong các đoàn từ đất liền ra thăm. Do đó, anh em chiến sĩ rất hào hứng chia sẻ, tâm tình với cánh phóng viên báo chí về cuộc sống, công việc trên đảo. Ða số cán bộ, chiến sĩ ở đảo đều là thanh niên trẻ tuổi, có người mới mười chín, đôi mươi, nhưng chia sẻ với chúng tôi, họ khá chững chạc và có ý chí quyết tâm với nhiệm vụ được giao. Binh nhất Nguyễn Thế Phong, chiến sĩ Ðảo Sơn Ca chia sẻ: “Ở nơi đây, tôi được sống cùng các đồng đội, anh em với tinh thần đoàn kết, gắn bó như người thân trong gia đình. Chúng tôi được học tập, rèn luyện thể thao, võ thuật và tham gia nhiệm vụ canh giữ biển đảo; điều đó khiến tôi và các đồng đội đều vơi đi nỗi nhớ nhà, để cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà những người thân trong đất liền đã tin tưởng gửi gắm”.

Lên đảo Nam Yết, ấn tượng mạnh là những chiến sĩ hải quân đang hăng say luyện tập võ thuật bên Quảng trường Hưng đạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn; rồi các màn đấu võ, đấu kiếm giữa các chiến sĩ trong khí thế sôi nổi, khỏe khoắn. Trung tá Ðào Văn Kha, Ðảo trưởng Ðảo Nam Yết cho biết: “Anh em chiến sĩ rất hăng say học tập, nghiên cứu sách báo và đặc biệt là rèn luyện thân thể để nâng cao trí lực và làm tốt nhiệm vụ được giao. Chính vì thế, cấp ủy, Ban Chỉ huy đảo rất yên tâm khi giao phó nhiệm vụ chính trị cho các chiến sĩ”.

Ban đêm, nhìn từ đảo Nam Yết, thấy ngọn hải đăng soi sáng rọi về phía biển xa, thấp thoáng dáng hình những chiến sĩ hải quân chia làm các nhóm đi tuần tra thâu đêm. Mỗi mục tiêu quanh đảo đều được đội tuần tra rà soát kỹ, không để lọt bất cứ sơ hở nào. “Anh em chiến sĩ tận tâm với nhiệm vụ lắm, nhất là tuần tra đêm vì ban đêm tầm nhìn hạn chế hơn. Có những chiến sĩ trẻ mới nhập đảo, chưa quen sinh hoạt trên đảo nên thường ốm đau, nhưng không vì thế mà nghỉ một buổi tuần tra, luyện tập nào. Sau vài tháng cố gắng, nỗ lực với nhiệm vụ, tập luyện các chiến sĩ đều thay đổi, rắn rỏi, khỏe khoắn hơn” - Trung tá Ðào Văn Kha, Ðảo trưởng Ðảo Nam Yết chia sẻ.

Những món quà đặc biệt

Nhìn lại những món quà đặc biệt mang về từ Trường Sa, khiến nỗi nhớ đảo càng da diết. Ðó là những quả bàng vuông, cây bàng non, những cành hoa ốc do các chiến sĩ ở đảo tự làm, rồi vỏ ốc to bằng cả cái mũ đội đầu... Nhưng đặc biệt nhất, chính là lá cờ đỏ sao vàng có chữ ký của chiến sĩ trên đảo. Những lá cờ đã bạc màu vì nắng, gió, nhưng khiến chúng tôi cảm thấy trân quý, tự hào vì nó mang hình ảnh Trường Sa thân yêu, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Khép lại chuyến công tác, tôi trở về đất liền đem theo nỗi thương nhớ Trường Sa không nguôi; chập chờn trong từng giấc ngủ bao khuôn mặt thân thương đã gặp trên đảo, cùng với những cái siết tay thật chặt, những choàng ôm thắm thiết rồi vội vàng quay đi giấu giọt nước mắt lưu luyến mỗi khi chia tay nhau nơi cầu cảng. Tôi nhớ như in mỗi lần xuồng rời khỏi đảo về tàu, chúng tôi và các cán bộ, chiến sĩ trên đảo cứ giơ tay vẫy mãi, căng mắt hướng về nhau như muốn thâu lại trọn vẹn những dáng vóc thân quen. Những cái hẹn hò ngày gặp lại mang tình đồng chí, đồng đội, tình bạn được kết nối trong khoảng thời gian ấy, chắc chắn một ngày sẽ trở lại và thăm lại Trường Sa!

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top