Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Từ cực Tây đến Trường Sa Ðông

08:39 - Thứ Năm, 09/05/2019 Lượt xem: 6674 In bài viết
ĐBP - Có cơ hội được đến với quần đảo Trường Sa là vinh dự của mỗi người con đất Việt, nhưng từ vùng đất cực Tây của đất nước như Ðiện Biên, vượt trên 1.800km đường bộ và gần 300 hải lý (600km) để đến với những “mốc sống” đang gìn giữ biển trời cực Ðông - phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc ở các cụm đảo: Ðá Lát, An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa Ðông... càng làm những trải nghiệm thêm phần ý nghĩa, khó phai mờ.

Xét về địa giới đất liền, Ðiện Biên có mốc cực Tây là “ngã 3 biên giới” A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (tọa độ 22025’49” vĩ độ Bắc, 102011’3” kinh độ Ðông), còn điểm cực Ðông được xác định là Mũi Ðôi (thuộc bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) tọa độ là 12039’21” vĩ độ Bắc và 109027’39” kinh độ Ðông. Tuy nhiên, với 1 triệu ki lô mét vuông lãnh hải, thềm lục địa thuộc chủ quyền đất nước, thì nơi đón nhận ánh mặt trời đầu tiên là các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

 

Chiến sĩ Hải quân canh gác bên cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa Ðông. Ảnh: Đức Duy

Chúng tôi cùng đoàn công tác Quân chủng Hải quân, phóng viên báo chí… rời Quân cảng Cam Ranh vào một chiều cuối đông, ra khỏi vịnh để hòa vào sóng nước, biển trời trên tàu KN491 - một trong những con tàu kiểm ngư hiện đại nhất Ðông Nam Á với tải trọng gần 3.000 tấn, vượt những con sóng cao trên 3m để đến với Trường Sa. Sau đêm đầu tiên trên tàu, cái nôn nao, váng vất vì say sóng nhanh chóng qua đi, thay vào đó là cảm giác háo hức lần đầu tiên được cảm nhận, nhìn ngắm dặm dài mênh mông của biển trời Tổ quốc. Trên boong, phóng tầm mắt về hướng hoa tiêu, nắng đã trải dài, lấp lánh trên những con sóng bạc đầu. Ðiều khiến tôi lưu tâm trong lộ trình hàng trăm hải lý, không hề có một bãi đá dừng chân nhưng phía trước mũi tàu luôn có 1 cặp chim hải âu sóng đôi liệng cánh (tôi quan sát thấy ngay khi rời vịnh Cam Ranh), khả năng bay, sức chịu đựng của đôi hải âu này thật khó lý giải. Thắc mắc với Thượng tá Lương Xuân Giáp, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 (Ðoàn Trường Sa), Vùng 4 Hải quân - Chỉ huy trưởng đoàn công tác, anh hóm hỉnh chia sẻ: Xét về mặt hình ảnh, em có thấy chim hải âu giống chiến sĩ hải quân không?! Vẫn là màu trắng chủ đạo cùng viền sẫm màu trên đầu và “vai áo” đó. Tự nhiên và con người giữa mênh mông sóng nước này có những mối liên hệ kỳ lạ, lính biển và hải âu luôn muốn đồng hành, sẻ chia… Từng người lính hải quân đều là những cánh chim không mỏi để giữ chắc bình yên vùng trời, biển đảo Tổ quốc!   

Sau 1 ngày, 1 đêm, vừa đủ để thưởng thức cả bình minh và hoàng hôn trên biển, chúng tôi đã đến điểm đảo đầu tiên - đảo Ðá Lát. Ðây là đảo chìm san hô với ngọn hải đăng được Hải quân Việt Nam xây dựng sớm nhất trên toàn quần đảo (đảo Ðá Lát được phát hiện năm 1843, được Quân đội Nhân dân Việt Nam tái khẳng định chủ quyền năm 1988). Với chiều cao 42m, tầm hiệu lực ban ngày là 15 hải lý, ban đêm là 18 hải lý, hải đăng Ðá Lát là hoa tiêu phía Tây của quần đảo Trường Sa. Tiếp tục hành trình, điểm đến mong đợi nhất của bất cứ ai thăm quần đảo Trường Sa chính là thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) hay còn gọi là Trường Sa Lớn - “thủ đô” của biển đảo Việt Nam. Ðiều khiến chúng tôi ấn tượng nhất khi được đến nơi đây chính là sự yên bình. Trên đảo, dãy nhà dân nằm êm đềm dưới tán bàng vuông, đàn em nhỏ hồn nhiên vui chơi trong khoảng sân sạch sẽ, ngôi chùa cổ kính nghiêng bóng bên bờ biển xanh ngắt; cánh quạt các thiết bị năng lượng gió lừng lững hướng ra biển, mang về điện năng sinh hoạt cho người dân và cán bộ, chiến sĩ trên đảo... Ðiều đặc biệt ở thị trấn Trường Sa là toàn bộ dân cư, các lực lượng trên đảo đều chọn phương tiện di chuyển là xe đạp - khác biệt không thấy được ở bất cứ đô thị “thủ đô” nào! Ông Trần Văn Quyền, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: Những năm gần đây, được sự quan tâm lớn lao từ đất liền cũng như kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, quân, dân trên đảo đã có cuộc sống ngày một đầy đủ về mọi mặt. Vẫn biết ở nơi đầu sóng, ngọn gió này vẫn còn những khoảng cách lớn về điều kiện nhưng cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang địa phương sẽ phấn đấu với phương châm “đất liền có gì, Trường Sa Lớn có đó...”.

 

Trung tá Nguyễn Văn Trọng (ngoài cùng bên phải) người Ðiện Biên duy nhất ở Trường Sa trò chuyện với phóng viên báo chí và cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Ðông.

Nếu thị trấn Trường Sa được mệnh danh là ‘thủ đô đảo nổi” thì đến cụm đảo chìm Ðá Tây, chúng tôi lại được nghe cán bộ, chiến sĩ đặt tên cho nơi này là “thành phố đảo chìm”. Quả thật sự ví von này không đến mức thậm xưng quá, bởi trên đảo Ðá Tây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư xây dựng Trung tâm Dịch vụ nghề cá. Trung tâm là địa chỉ đắc lực nhằm hỗ trợ ngư dân bám biển, đánh bắt hải sản với các hoạt động như: Sửa chữa tàu thuyền, hỗ trợ nước miễn phí, cung cấp xăng dầu, tham gia cứu hộ ngư dân gặp nạn... Các hoạt động trao đổi, thông thương dân sự diễn ra sôi động trên đảo Ðá Tây góp phần tăng ngư trường và khẳng định chủ quyền không thể thay đổi của Việt Nam với quần đảo Trường Sa nói chung, khu vực đảo phía Nam Trường Sa nói riêng.

Nói về sức sống mãnh liệt của quân, dân giữa sóng gió Trường Sa không thể không nhắc tới đảo An Bang. Trái với “thủ đô” hay “thành phố”, An Bang là đảo chìm có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhất trên quần đảo. Theo như cách gọi vui của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, đảo An Bang còn có 1 cái tên khác là “lò vôi”, bởi thời tiết trên đảo luôn oi nóng quanh năm, sóng biển thì rất dữ dội, đảo lúc nào giống như 1 cái... lò vôi nóng bỏng, luôn sôi sục. Thậm chí có giai thoại rằng, thời kỳ trước năm 1975, đã có thời điểm An Bang bị nước ngoài chiếm giữ. Tuy nhiên, sau 1 thời gian ngắn, binh lính nước ngoài chiếm đóng đã không thể chịu đựng nổi sự khắc nghiệt trên đảo nên đã “bỏ của chạy lấy người”! Vậy mà hơn 40 năm qua, An Bang của Việt Nam vẫn sừng sững, vững vàng trước nắng gió... thế mới thấy sức chịu đựng bền bỉ, tinh thần quật cường của quân và dân ta.    

Hành trình dài hơn 20 ngày dọc theo cụm đảo phía Nam của quần đảo Trường Sa với rất nhiều cảm nhận, điểm đến cuối cùng của chúng tôi là đảo Trường Sa Ðông. Mặc dù chưa phải là đảo cực Ðông của quần đảo... nhưng cái tên Trường Sa Ðông gợi cho chúng tôi rất nhiều cảm xúc về khái niệm Ðông - Tây. Và cũng thật tình cờ, khi đoàn công tác lên đảo, tôi đã có cuộc hội ngộ với một người con Ðiện Biên đã có gần 30 năm gắn bó với Trường Sa, đồng thời anh cũng là người Ðiện Biên duy nhất đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Ðó là Trung tá Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ nhiệm kỹ thuật, Lữ đoàn 146 Trường Sa. Anh Trọng chia sẻ: Mình sinh ra ở huyện Ðiện Biên (nay là phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ), nhập ngũ năm 1987, nhận nhiệm vụ ở Vùng 4 Hải quân năm 1990, từng kinh qua công tác tại toàn bộ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Bản thân cũng không ngờ khi mình - vốn sinh ra ở mãi cực Tây mà gắn bó với vùng biển trời cực Ðông này lâu như vậy. Âu cũng là vinh dự lớn lao mà không phải chiến sĩ hải quân nào có cũng có được. Tháng 9 này mình sẽ nghỉ phép, về Ðiện Biên dự ngày vui của cháu trong họ, rất vui khi hội ngộ nhà báo ở quê mình!

Lời chia sẻ đơn sơ của Trung tá Trọng, khiến tôi như thấy khoảng cách trên 2.400km cả thủy, bộ sao không còn xa xôi. Ðôi bờ Ðông - Tây của Tổ quốc vốn đã liền một dải lại càng thêm khăng khít, gắn bó bởi tinh thần dân tộc và niềm yêu thương đất nước. Và minh chứng cho điều này, một sự lựa chọn đầy ý nghĩa, nhân văn của lịch sử khi vào ngày 7/5 hằng năm, nhân dân Ðiện Biên cùng cả nước long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954), đồng thời cũng là Ngày truyền thống của lực lượng Hải quân Việt Nam nói chung, những chiến sĩ đang canh giữ Trường Sa nói riêng (7/5/1955)...

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top