Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Những “bông hoa thép” trên biển

14:29 - Thứ Tư, 15/01/2020 Lượt xem: 4985 In bài viết

ĐBP - Ðược đặt chân tới và tác nghiệp ở Quần đảo Trường Sa vốn là khát khao, niềm vinh dự tự hào trong cuộc đời mỗi nhà báo. Ðối với phóng viên là nữ, điều đó càng có ý nghĩa, bởi hải trình đi tới Quần đảo Trường Sa là chuyến đi dài ngày, gặp vô vàn khó khăn, vất vả, đòi hỏi mỗi phóng viên cần có sức khỏe bền bỉ, trí lực vững vàng mới có thể căng mình tác nghiệp và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Một lần được đến với Trường Sa nắng gió, xa đất liền hàng trăm hải lý, đối với tôi là ấn tượng, kỷ niệm không bao giờ quên. Tôi đã cùng 6 đồng nghiệp nữ khác vượt qua những khó khăn về thời tiết, điều kiện sinh hoạt, môi trường tác nghiệp… để ghi được những hình ảnh, thông tin quý giá từ Trường Sa.

Phóng viên nữ tác nghiệp trên đảo Ðá Nam, Quần đảo Trường Sa.

Khi trao huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa cho những nữ phóng viên chúng tôi, một lãnh đạo Vùng 4 Hải quân đã nói rằng, phóng viên nữ đi Trường Sa là điều đặc biệt, vì ngoài nhiệm vụ của cơ quan giao phó, chị em đến Trường Sa bằng tình yêu biển đảo thiêng liêng, bằng tình cảm giản dị, gần gũi như những người chị, người em gái ở đất liền ra thăm đảo; và ví mỗi phóng viên nữ đi Trường Sa là những “bông hoa thép” trên biển, bởi thấy rằng nghị lực, ý chí của phóng viên nữ không hề kém cạnh các phóng viên nam hay những người lính hải quân trên biển.

Trên chiếc tàu HQ571, với hải trình tới tuyến Bắc của Quần đảo Trường Sa với hơn 400 người, thì chỉ có 7 người là nữ giới cũng là 7 phóng viên ở những độ tuổi, cơ quan báo chí khác nhau. Lên tàu và ở chung một phòng gần một tháng, chúng tôi trở thành chị em, cùng nhau chia sẻ buồn vui và hỗ trợ nhau quá trình tác nghiệp trên suốt hành trình, động viên nhau vượt qua những khó khăn, gian nan trong những ngày lênh đênh với sóng gió.

Nhớ như in lúc mới lên tàu, 7 chị em vẫn còn tươi cười gặp gỡ, làm quen với nhau. Nhưng khi tàu di chuyển được vài chục hải lý, sóng biển mạnh lên tới cấp 7, cấp 8, khiến con tàu chao đảo, cả 7 chị em đều say sóng, mệt mỏi, không ăn uống được, thậm chí có người nằm bất động một chỗ.

Hai nữ phóng viên trẻ: Minh Nguyệt (Ðài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội) và Thu Hà (Báo Doanh nhân) có lẽ là những người thấm thía nhất cảm giác này khi phải oằn mình vật lộn với những cơn say sóng xuyên suốt hải trình. Nguyệt và Hà gần như không ăn uống được gì, phải truyền dịch liên tục và nhờ tới sự chăm sóc của bác sĩ trên tàu. Gạo rang, cơm cháy, lương khô hay cháo loãng… là thức ăn để đối phó tạm thời trong lúc say, nhưng ăn xong rồi cũng nôn ra hết. Ðiều khiến tôi khâm phục nhất ở Nguyệt và Hà hay các đồng nghiệp khác trong đoàn công tác là dù có bị say sóng nằm bẹp một chỗ, nhưng chỉ cần cảm thấy đỡ hơn một chút là lại lên boong tàu trò chuyện, tâm sự với cán bộ, chiến sĩ để tìm hiểu thông tin; hay mỗi lần nghe thông báo đến đảo là bật dậy, ôm máy quay, máy ảnh, mặc áo phao chuẩn bị xuống xuồng, háo hức lên đảo như chưa từng say sóng. Chính sự cố gắng của những phóng viên nữ ấy đã giúp tôi và các đồng nghiệp khác có thêm động lực vượt qua những mệt mỏi, sóng gió để cùng nhau vào đảo tác nghiệp. Minh Nguyệt chia sẻ: “Lần đầu đi Trường Sa, tôi không nghĩ lại khó khăn, vất vả như vậy, nhưng mỗi lúc đỡ mệt tôi vẫn phải cố gắng lên boong tàu đi lại, gặp gỡ mọi người, lấy thông tin, viết bài. Tôi nghĩ rằng, chuyến đi Trường Sa là hiếm hoi, quý giá trong đời nên không muốn bỏ lỡ cơ hội này”.

Chị Phương Hoa (Báo Hà Giang) là phóng viên nhiều tuổi nhất trong nhóm chúng tôi. Chỉ còn vài năm nữa là tới tuổi nghỉ hưu nhưng chị Hoa vẫn tâm huyết với biển đảo và say mê với những bức ảnh, bài viết trong suốt hải trình. Trong khi chúng tôi say sóng, mệt mỏi, không ăn, không ngủ được, chị Hoa không những động viên, chăm sóc cho chúng tôi như em gái, mà mỗi tối sau giờ ăn cơm, chị lại lấy máy tính ra viết bài, lưu giữ ảnh, video từ máy ảnh, máy quay vào máy tính. Sự say mê với nghề báo và những hình ảnh, bài viết về Trường Sa của chị Hoa khiến chúng tôi nể phục và trở thành động lực để cùng nhau trao đổi thông tin, viết bài mỗi buổi tối.

Chị Hoa tâm sự: “Ðây là lần thứ 2 chị được đi Trường Sa. Dù đã cao tuổi, nhưng cuộc sống và con người nơi Trường Sa luôn là đề tài hấp dẫn đối với chị. Ðược ra đảo và chứng kiến cuộc sống, nhiệm vụ của quân và dân nơi đảo xa đối với chị là trải nghiệm thú vị, đem đến cảm hứng sáng tác, để viết lên những tác phẩm chân thực về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Lên đảo chìm hay đảo nổi, cánh phóng viên nữ chúng tôi luôn được ưu ái vì là “mì chính cánh” trong đoàn. Chính vì thế, chúng tôi dành khá nhiều thời gian ngoài tác nghiệp để đi thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân sinh sống trên đảo; cùng chiến sĩ tăng gia vườn rau, ao cá, quét dọn, nấu cơm, phơi đồ… Chứng kiến những lần ấy, Ðại tá Trần Minh Thuần, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác phấn khởi nói: “May mắn sao đoàn ta có 7 “bông hồng”, đông hơn hẳn các đoàn khác (chỉ từ 2 - 4 nữ). Các chị em lại có trí lực tốt, tâm huyết, sống tình cảm và cởi mở. Từ hôm có chị em lên đảo đi lại, thăm hỏi, trò chuyện, tôi thấy mỗi cán bộ, chiến sĩ dường như chỉn chu hơn hẳn. Ai cũng quan tâm, hướng mắt về chị em như nhớ người mẹ, người chị, người em gái hay người yêu ở nơi đất liền nhiều tháng trời chưa gặp mặt”.

Có lẽ vì thế mà khi chúng tôi rời đảo, cán bộ, chiến sĩ ưu ái tặng nhiều quà cho phóng viên nữ, từ quả bàng vuông, cành hoa ốc, đến những lá thư ghi bài thơ của lính đảo… Ấn tượng nhất là chiến sĩ trẻ trên Ðảo Sinh Tồn Ðông chạy theo đoàn công tác đến tận đầu cảng, hỗ trợ từng phóng viên nữ mang hành lý vào canô, rồi ngượng ngùng lấy chiếc khăn giấu trong tay áo ra, tặng cho chị Hoa, nói: “Cô ơi! Con tặng cô chiếc khăn này làm kỷ niệm. Cô giống mẹ con quá, vài năm rồi con ở đảo chưa về thăm nhà, chắc mẹ sẽ nhớ con lắm. Cô có thể ôm con được không”. Chúng tôi ai cũng xúc động quay mặt đi, chực khóc.

Trở về từ Trường Sa, cái nắng gió của biển cả khiến làn da chị em đen sạm, mái tóc xơ rối, nhưng 7 chị em chúng tôi đều vui vẻ, tự hào lắm. Những cái tên: Khánh Chi, Thu Hà, Thúy Hà, Phương Hoa, Minh Nguyệt, Thanh Hương cứ in đậm trong tâm trí tôi về những ngày được cùng mọi người sống trên tàu, tác nghiệp trên biển, trên đảo. Chị em đều hẹn nhau, có dịp vẫn tiếp tục xung phong đi Trường Sa, đem dáng hình người mẹ, người chị, người em gái nơi quê nhà để động viên mỗi cán bộ, chiến sĩ trên các đảo yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó.

Phương Liên
Bình luận
Back To Top