Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Hoàn thiện pháp luật quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên môi trường biển, đảo

09:29 - Thứ Năm, 24/12/2020 Lượt xem: 23283 In bài viết

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 khẳng định cần phải nghiên cứu, đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước tổng hợp, quản lý thống nhất về biển; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển một cách đầy đủ làm cơ sở cho việc xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo Việt Nam, đến nay chúng ta đã cơ bản hoàn thiện pháp luật nhằm quản lý tổng hợp, thống nhất biển, hải đảo.

Ðảm bảo hài hòa lợi ích khai thác tài nguyên môi trường biển, đảo

Ðể thực thi nhiệm vụ quản lý tổng hợp (QLTH), thống nhất biển đảo, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/2009/NÐ-CP quy định về QLTH tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo với nguyên tắc bảo đảm sự quản lý thống nhất, liên ngành, liên vùng, đồng thời hài hòa lợi ích chung giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo.

Ðây là dấu mốc quan trọng trong việc đưa phương thức QLTH tài nguyên biển và hải đảo vào thực thi tại Việt Nam. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 23/2013 ban hành Quy chế phối hợp QLTH tài nguyên, bảo vệ môi trường biển hải đảo nhằm thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương trong QLTH thống nhất biển, đảo.

Ðể triển khai nhiệm vụ này, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 101/2007/NÐ - CP về thu thập, quản lý, khai thác sử dụng dữ liệu TNMT biển, quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp, thống nhất, chia sẻ, dùng chung trong khai thác, sử dụng dữ liệu TNMT biển, đảo của Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan.

Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, trên cơ sở pháp lý chính là Nghị định số 25/2009/NÐ-CP thực hiện công tác QLTH thống nhất TNMT biển, đảo cho thấy còn nhiều tồn tại, bất cập. Chính vì vậy, ngày 25/6/2015 tại Kỳ họp thứ 9, khóa XIII Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên môi trường biển, hải đảo gồm 10 chương, 81 điều có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.

Ðể thực thi luật, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định, Bộ TN&MT ban hành 10 thông tư, Bộ Tài chính ban hành 3 thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Trong đó, những nội dung quan trọng của việc thực thi phương thức QLTH thống nhất TNMT biển, đảo là: Thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đảo; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác và sử dụng vùng bờ; Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản TNMT; Phân vùng rủi ro ô nhiễm biển, hải đảo.

Nhiều nguyên tắc, chế định quan trọng lần đầu được quy định

Với việc ra đời Luật TNMT biển, hải đảo đã góp phần làm thay đổi cơ bản về mặt quản lý Nhà nước và tư duy khai thác TNMT biển, đảo. Ví dụ như quản lý tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; Bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển; phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển, đảo; cấp Giấy phép nhận chìm ở biển; quản lý vật chất nạo vét…

Qua đó thể hiện một phương thức quản lý hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng, để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

QLTH thống nhất TNMT đã đóng vai trò điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực nhằm quản lý có hiệu quả hơn các hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo, bảo vệ môi trường biển, hài hòa lợi ích của các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo trong thời gian qua.

Minh Nguyệt (b/s)
Bình luận
Back To Top