KỶ NIỆM 70 NĂM CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN (6/1/1946 - 6/1/2016)

Mãi mãi là bài học quý báu

00:00 - Thứ Hai, 04/01/2016 Lượt xem: 1458 In bài viết
ĐBP - Trải qua 70 năm, từ khóa I đến nay, 13 khóa Quốc hội là quá trình hoạt động liên tục và có tính kế thừa, không ngừng đổi mới cả về tổ chức và các hoạt động cụ thể; đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chiến lược trong từng giai đoạn cách mạng...

Tiếp nối thành công của Quốc dân Đại hội Tân Trào (vào 2 ngày 16-17/8/1945) tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; do Chủ tịch Hồ Chí Minh tập hợp với 60 đại biểu ba miền Bắc - Trung - Nam; ngày  6/1/1946, nhân dân ta đã tiến hành thắng lợi cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và xây dựng Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam độc lập. Lịch sử ghi nhận đây là Quốc hội khóa I của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Theo các tài liệu được công bố trong bảy thập niên qua, cho thấy cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên... Ở Hà Nội, 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu trong không khí phấn khởi của ngày hội dân chủ. Kết quả, 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Sau đại thắng Mùa xuân năm 1975, “Quốc hội nước Việt Nam thống nhất” là niềm hy vọng của tất cả cử tri trong một nước Việt Nam độc lập, hòa bình. (Ảnh: Trích nguồn Internet)

Tại các địa phương khác trong cả nước, cuộc Tổng tuyển cử cũng được tiến hành sôi nổi. Riêng các tỉnh phía Bắc, mặc dù phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, nhưng cuộc Tổng tuyển cử diễn ra an toàn. Ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam Bộ, cuộc bầu cử diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của giặc Pháp. Cuộc Tổng tuyển cử bầu cơ quan đại diện dân cử đầu tiên của nước Việt Nam mới đã thắng lợi tại tất cả 71 tỉnh, thành phố trong cả nước, với số cử tri đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%. Trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần.

Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

Về ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử, theo các sử gia: Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng chí Lò Văn Muôn (thứ 2 từ trái sang), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên khóa XIII với cử tri xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông. Ảnh: C.Đ

Trong điều kiện cách mạng nước ta đứng trước thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”, khó khăn chồng chất, nhân dân ta vừa thoát khỏi ách nô lệ. Nhưng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổ chức Tổng tuyển cử và đưa cuộc Tổng tuyển cử đến thành công. Đó là một quyết định dũng cảm, táo bạo, kịp thời, chủ động và nhạy bén, xuất phát từ bản lĩnh chính trị sắc bén, khoa học và thực tiễn sâu sắc. Thắng lợi đó là do đường lối của Đảng đã phản ánh được những khát vọng sâu xa nhất, bức thiết nhất của nhân dân, với lãnh tụ kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông qua Việt Minh, một tổ chức quần chúng rộng lớn do Đảng tổ chức và lãnh đạo.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là: “... kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

Tinh thần của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (Quốc hội khóa I) sẽ mãi mãi là bài học lịch sử quý báu cần được vận dụng sáng tạo trong công cuộc đổi mới đất nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội để xây dựng một Quốc hội của dân, do dân, vì dân; Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, góp phần cùng toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...

Song Sơn (Biên soạn)

Bình luận
Back To Top