Không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường

17:06 - Thứ Tư, 24/08/2016 Lượt xem: 3247 In bài viết
ĐBP - Ngày 24/8, lần đầu tiên Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực trạng ô nhiễm môi trường; những tồn tại, vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường; đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành Trung ương, địa phương và những giải pháp trước mắt, lâu dài nhằm tăng cường phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Điện Biên có các đồng chí: Trần Văn Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh điều hành hội nghị.

 

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Điện Biên.

Theo báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực từ phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Hằng năm, có hơn 2.000 dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trên cả nước có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 625 cụm công nghiệp trong đó chỉ có khoảng hơn 55% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Những năm gần đây, mỗi năm, trên cả nước sử dụng hơn 100 ngàn tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp… Tham gia thảo luận, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nâng cao công tác bảo vệ môi trường, đa số các đại biểu tại điểm cầu Chính phủ và các tỉnh, thành đều tán thành quan điểm không vì mục tiêu, lợi ích kinh tế mà đánh đổi môi trường, bởi khi môi trường bị hủy hoại thì những ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn rất nhiều, thậm chí không thể khắc phục được. Một số ý kiến khác liên quan đến công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường; vấn đề môi trường nguồn nước liên quốc gia tại các hệ thống sông; những khó khăn về bộ máy, nguồn nhân lực, nguồn đầu tư… cho bảo vệ môi trường.

Tại Điện Biên, theo kết quả quan chắc, phân tích môi trường hàng năm, hiện trạng chất lượng các thành phần môi trường trên địa bàn tỉnh còn tương đối tốt, các chỉ tiêu phân tích cơ bản (nước tại các sông, suối; chất lượng không khí) nằm trong mức cho phép. Tuy nhiên, nạn phá rừng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trên địa bàn huyện Mường Nhé xuất phát từ tình trạng di dân tự do vào phá rừng làm nương. Tỉnh chưa có nhà máy xử lý rác thải đủ tiêu chuẩn, các chất thải rắn, chất thải sinh hoạt chưa được xử lý triệt để (đốt ở nhiệt độ cao bằng công nghệ tiên tiến) mà chủ yếu xử lý bằng hình thức chôn lấp; công tác quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường của một số đơn vị chưa đúng mục đích, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung đánh giá tổng thể các vấn đề môi trường bức xúc trong giai đoạn hiện nay; phân tích các tồn tại, yếu kém, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan dẫn đến tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; các địa phương cần xây dựng Nghị quyết riêng về công tác bảo vệ môi trường; nghiên cứu các nguy cơ, đề xuất  giải pháp ngay lập tức và lâu dài để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, kiên quyết không để những sự việc tương tự như vụ Formusa Hà Tĩnh tái diễn gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh kế và niềm tin của nhân dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Tin, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top