Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020

15:43 - Thứ Sáu, 30/09/2016 Lượt xem: 5207 In bài viết
ĐBP - Ngày 30/9, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 – 2020. 

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Điện Biên có các đồng chí: Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh; Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thành Đô trình bày báo cáo tham luận tại hội nghị.

Tính đến tháng 9/2016, cả nước đã có 2.045 xã (23%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 515 xã so với cuối năm 2015, dự kiến đến hết năm 2016 sẽ có khoảng 25% số xã đạt chuẩn; còn 300 xã đạt dưới 5 tiêu chí (3,36%), giảm 26 xã so với đầu năm; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân cả nước là 13,1 tiêu chí/xã. Có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 9 đơn vị so với cuối năm 2015; dự kiến đến cuối năm 2016, toàn quốc sẽ có khoảng 30 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Về nguồn lực, trong giai đoạn 2011 – 2015, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình là 851.380 tỷ đồng, trong đó: ngân sách Nhà nước 98.664 tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng nguồn vốn, 88,4% ngân sách còn lại được huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2016, cả nước huy động được 332.475 tỷ đồng, trong đó: ngân sách Trung ương là 7.374 tỷ đồng (2,2%), ngân sách địa phương 23.193 tỷ đồng (7%), còn lại là các nguồn vốn lồng ghép khác.

 

Đồng chí Lê Thành Đô, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo tham luận tại Hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, đến hết năm 2015, tỉnh Điện Biên có 1/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 0,86%); 3 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí; 10 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí; 48 xã đạt 5 – 9 tiêu chí; 54 xã đạt dưới 5 tiêu chí (chiếm 46,55%); bình quân đạt 5,6 tiêu chí/xã (tăng 4,2 tiêu chí/xã so với năm 2011). Mục tiêu đến năm 2020, Điện Biên phấn đấu có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 35/116 xã cơ bản đạt các tiêu chí nông thôn mới; số tiêu chí đạt bình quân 11,3 tiêu chí/xã, không có xã dưới 5 tiêu chí. Đối với thực trạng xây dựng nông thôn mới của 29 xã biên giới, đến nay, các xã biên giới của tỉnh đạt trung bình 6 tiêu chí/xã; xã đạt thấp nhất là 2 tiêu chí, 18/29 xã đạt từ 5 tiêu chí trở xuống. Trong đó, một số tiêu chí liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân đạt rất thấp như: thu nhập (4/29 xã), tỷ lệ hộ nghèo (2/29 xã), nước sạch vệ sinh môi trường (1/29 xã)… Tỉnh Điện Biên đã triển khai Đề án “Xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới tỉnh Điện Biên, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh giai đoạn 2016 – 2020” theo các mục tiêu, nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, đến năm 2020, có 7 xã biên giới đạt 19/19 tiêu chí; 29/29 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Để thực hiện tốt các mục tiêu, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế đặc thù đối với các dự án khởi công mới năm 2016 của Đề án; các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét sớm bố trí nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp và nguồn lồng ghép từ các Chương trình dự án khác cho cả giai đoạn 2016 – 2020 và chi tiết từng năm để địa phương triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo đúng lộ trình Đề án.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương nhằm đạt được những kết quả to lớn trong xây dựng nông thôn mới 5 năm qua. Thủ tướng nhấn mạnh: Xây dựng nông thôn mới cần tập trung vào vấn đề then chốt nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần toàn diện của nhân dân, chứ không chỉ xây dựng hạ tầng (điện, đường, trường, trạm…); đời sống văn hóa của một bộ phận nông thôn còn nghèo nàn, mai một văn hóa truyền thống; một số nơi còn chạy theo thành tích, có dấu hiệu huy động quá sức người dân… Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng, nhằm mục tiêu rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa đô thị và nông thôn. Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chính thức phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020”. Thủ tướng chỉ đạo: Trong giai đoạn 2016 – 2020, cần nâng cao hơn nữa vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong xây dựng nông thôn mới, phải xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương; các ngành, ngay trong năm 2016 tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, hoàn thành dự trù nguồn kinh phí. Nông thôn mới là nông thôn kiểu mẫu, gắn với đô thị hóa, nông thôn xanh; là khát vọng làm giàu của một thế hệ nông dân dám nghĩ dám làm, nắm bắt công nghệ, toàn cầu hóa… để sản xuất gắn với tiêu dùng, phát triển bền vững.

Tin, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top