Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020

14:38 - Thứ Bảy, 15/10/2016 Lượt xem: 3482 In bài viết

ĐBP - Ngày 15/10, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Dự, chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ trì tại điểm cầu Điện Biên có các đồng chí: Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

 

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Điện Biên.

Thực hiện Chương trình giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015) đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015, bình quân giảm 2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 28% năm 2015, bình quân giảm trên 6%/năm, đạt mục tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần) đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác giảm nghèo thời gian qua vẫn còn những khó khăn, thách thức; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; nguồn lực thực hiện chính sách và Chương trình giảm nghèo hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu giảm nghèo nhanh và bền vững. Cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp, cơ chế phân cấp, trao quyền còn nhiều hạn chế, bất cập; chưa khơi dậy được tiềm năng thế mạnh của địa phương và sự tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo của người dân.

CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đề ra mục tiêu: giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết Quốc hội. Ban Chỉ đạo Trung ương các CTMTQG đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1 - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3 - 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần). Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới. Về nguồn lực, tổng kinh phí thực hiện Chương trình48.397 tỷ đồng. Trong đó: ngân sách Trung ương là 41.449 tỷ đồng; ngân sách địa phương  4.848 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác 2.100 tỷ đồng.

Chính thức phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các cấp, ngành, đồng bào cả nước; các tổ chức chính trị, xã hội trong và ngoài nước đã đóng góp cho những kết quả đạt được trong giai đoạn 2011 – 2015. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Trong giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ, các Bộ, nghành Trung ương và hệ thống chính trị địa phương nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc giảm nghèo nhanh, bền vững; tuyên truyền, tạo điều kiện, khuyến khích người nghèo vươn lên bằng nội lực thông qua những chính sách, mô hình sinh kế thiết thực, hiệu quả. Chính phủ, các ngành là đơn vị hoạch định chính sách, huy động, phân bổ nguồn lực, việc chỉ đạo, thực hiện công tác giảm nghèo từ các địa phương là chính. Vì vậy, địa phương cần đặt mục tiêu giảm nghèo cụ thể trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đi đôi với công tác kiểm tra, giám sát, mang lại hiệu quả bền vững.

Tin, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top