Bước chuyển từ công tác dân vận

14:08 - Thứ Hai, 05/12/2016 Lượt xem: 2479 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Nghị quyết 10 - NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, công tác dân vận của chính quyền luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

 

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pa Thơm tuyên truyền, vận động người dân xã Pa Thơm (huyện Điện Biên) chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, 100% cơ quan Nhà nước, chính quyền đã tổ chức quán triệt và triển khai nghị quyết; hơn 80% sở, ban, ngành; trên 50% UBND cấp huyện, cấp xã đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác dân vận phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cấp, các ngành trong tỉnh tham mưu cho HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh phù hợp với tình hình thực tế địa phương, hợp lòng dân, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, tự giác chấp hành. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp. Đổi mới tư duy trong quản lý, lãnh đạo; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị của công dân, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Trong năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 50 quyết định công bố 1.339 thủ tục hành chính; 100% thủ tục hành chính được niêm yết công khai, minh bạch, đầy đủ, thường xuyên và rõ ràng tại nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính ở các địa phương, đơn vị. Đến nay, toàn tỉnh có 15/19 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; 9/10 đơn vị cấp huyện, 63 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế “Một cửa”... tạo thuận lợi cho người dân khi đến liên hệ giải quyết công việc, hạn chế được những tiêu cực, thái độ cửa quyền của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Các cơ quan Nhà nước đã nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện tốt công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện tốt Chỉ thị 03 - CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng... Qua đó tạo sự chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng và hành động của cán bộ, công chức Nhà nước, góp phần sửa đổi lề lối, tác phong làm việc, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ. Cán bộ, công chức nhận thức sâu sắc hơn về thái độ khi tiếp xúc với nhân dân. Bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng nhân dân; phối kết hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp có nhiều đổi mới trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực, được nhân dân ủng hộ, như: Chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; chính sách nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc; phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở; chính sách đối với người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số... UBND tỉnh thực hiện tốt chính sách dân tộc và chủ trương đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 48%; xã Thanh Chăn hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến hết năm 2016 toàn tỉnh có 7 xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tại nhiều địa phương, nhân dân đã tự nguyện hiến đất, hiến tài sản, đóng góp tiền, ngày công lao động tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn...

Thực hiện tốt công tác dân vận trong tình hình mới, công tác quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh dựa vào nhân dân, vận động nhân dân tham gia giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới. Lực lượng vũ trang của tỉnh hướng mạnh về cơ sở, triển khai công tác dân vận với phương châm “3 cùng với nhân dân”; “3 bám, 4 cùng”, gần dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở củng cố hệ thống chính trị, giải quyết tốt vấn đề an ninh nông thôn, đảm bảo an ninh biên giới, an ninh trật tự. Để nhân dân đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ và tham gia vào thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm, Công an tỉnh từng bước thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, giải quyết kịp thời các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức thái độ phục vụ nhân dân. Xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, như “Dòng họ tự quản”, “Tổ phụ nữ không có hội viên có chồng, con nghiện ma túy và vi phạm pháp luật”... có tác dụng tốt trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự ở các địa phương. Thông qua diễn đàn “Công an nhân dân lắng nghe ý kiến nhân dân” đóng góp nhiều ý kiến xây dựng lực lượng, từ đó có giải pháp giải quyết kịp thời những quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của người dân, tạo được niềm tin trong nhân dân. Thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân biết, giám sát, kiến nghị, phản ánh việc thực thi công vụ của cán bộ, chiến sỹ, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa công an với nhân dân, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân để lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ chính trị.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top