Làm tốt công tác tự phê bình và phê bình

16:25 - Thứ Năm, 15/12/2016 Lượt xem: 4390 In bài viết
Đảng ta luôn khẳng định: Tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén, là công cụ cho sự phát triển của Đảng. Mỗi đảng viên cần quyết tâm làm cho tự phê bình và phê bình trở thành tính tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, thành nề nếp trong sinh hoạt của Đảng. Do vậy, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, trước hết phải làm thật tốt công tác tự phê bình và phê bình.

Tôi thấy một số nơi trong công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; việc nhận xét cán bộ còn nặng về ưu điểm và nhẹ về khuyết điểm, dĩ hòa vi quý là chủ yếu. Vào thời điểm hiện nay, nhiều cuộc họp góp ý, đánh giá, bình bầu, khen thưởng, tổng kết cuối năm thì vai trò của tự phê bình, phê bình lại càng quan trọng.

 

Các gương điển hình làm theo Bác của TPHCM tham quan di tích lịch sử trong hành trình về nguồn “Sáng mãi niềm tin”.

Là một đảng viên, tôi ấn tượng với việc nghị quyết phân tích tại mục 2, phần III Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa xây và chống; xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”. Có thể nói, tự phê bình và phê bình vừa là nguyên tắc, vừa là vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng Đảng, giúp Đảng ta phát huy ưu điểm, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm.

Thế nhưng, thời gian qua, việc phát huy tự phê bình, phê bình có lúc, có nơi giảm sút nghiêm trọng, dẫn đến mất dân chủ, thi hành kỷ luật không khách quan và đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, kỷ luật Đảng tăng. Việc thiếu nghiêm túc và tự giác trong tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng đã để lại hậu quả xấu về mọi mặt, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng ở các cấp. Ở những địa phương, đơn vị để xảy ra tình trạng tiêu cực, điều dễ nhận thấy nhất là chủ nghĩa cá nhân thực dụng, ích kỷ, vụ lợi có điều kiện sinh sôi, phát triển, vô hiệu hóa vai trò của tổ chức Đảng nơi đó.

Tình trạng tự phê bình và phê bình trong Đảng yếu kém còn có nguyên nhân là nhiều đảng viên nặng lo cho cuộc sống bản thân và gia đình, nếu tích cực đấu tranh sợ mất việc làm, mất địa vị, giảm thu nhập, trong khi đó lại chưa có cơ chế bảo vệ có hiệu quả người trung thực, dũng cảm thẳng thắn đấu tranh. Trên thực tế, sự im lặng đã trở thành thói quen ở nhiều người và ở những nơi lẽ ra phải lên tiếng tham gia ý kiến để xây dựng mà nhất là trong các cuộc họp đánh giá, tổng kết cuối năm ở một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, trước hết, theo tôi, phải nhận thức đúng mục đích của tự phê bình và phê bình là giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức cơ sở đảng và toàn bộ hệ thống chính trị thấy và sửa chữa những khuyết điểm, làm cho tốt hơn, đúng hơn; để mọi người học ưu điểm của nhau, cùng giúp nhau tiến bộ. Thực hiện tự phê bình và phê bình gắn với các nội dung liên quan đến tư cách của người đảng viên, gắn với trách nhiệm, quyền hạn của cá nhân, đơn vị, địa phương mình phụ trách. Chỉ rõ những vấn đề làm được, chưa làm được, nguyên nhân và phương hướng khắc phục. Kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình trong Đảng với phê bình của quần chúng là biện pháp khắc phục triệt để những khuyết điểm của tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Khi thực hiện tự phê bình, phê bình, vai trò người đứng đầu cấp ủy rất quan trọng. Đối với các đảng viên khi phê bình người đứng đầu thì cần phải thẳng thắn, trung thực, không bao che, không phê bình theo kiểu cơ bản là ưu điểm. Người đứng đầu phải luôn lắng nghe ý kiến góp ý cho mình một cách chân thành, cởi mở và nếu có khuyết điểm thì phải nghiêm túc tiếp thu và sửa chữa. Nhờ đó mỗi cá nhân sẽ biết khuyết điểm để khắc phục, cấp dưới không chỉ biết lắng nghe và làm theo, mà còn góp ý cho cấp lãnh đạo trong quản lý, điều hành.

Cuối cùng tự phê bình và phê bình phải biết gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Với tinh thần nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, dân chủ, nêu gương, từ lãnh đạo cấp cao đến từng cán bộ, đảng viên ở cơ sở đều phải căn cứ theo từng chức trách, nhiệm vụ được giao, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, đồng thời đề ra phương hướng khắc phục.

Chỉ có làm thật nghiêm như vậy mới có thể đưa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII lan tỏa sâu rộng trong từng cấp ủy, từng đảng viên.

Kỹ sư Trần Văn Tường

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top