Một chính sách tốt thì phải được đa số người dân ủng hộ

15:22 - Chủ Nhật, 18/12/2016 Lượt xem: 4298 In bài viết

Ngày 17-12, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức tọa đàm khoa học “Nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước’’ với sự tham dự của đông đảo Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Mục đích của tọa đàm này, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân là “làm thế nào để biết được nhân dân đang nghĩ gì, mong muốn gì”.

Phải biết dân đang nghĩ gì


Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, việc nắm bắt ý kiến của nhân dân là yêu cầu được Đảng, Nhà nước đề cập ngày càng sâu sắc hơn. Tại các kỳ họp Quốc hội, từ trách nhiệm chính trị và thực tiễn, các địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đã đóng góp nhiều ý kiến trong báo cáo định kỳ 6 tháng một lần để Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo trước Quốc hội về ý kiến, kiến nghị của nhân dân và cử tri. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, để phản ánh kịp thời, chính xác về tình hình đất nước cần có sự thống nhất về phương pháp thực hiện, nội dung triển khai để khắc họa rõ nét hơn ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Dù có nhiều góc độ khác nhau, nhưng trước tiên phải làm rõ những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, gắn bó với từng tầng lớp cụ thể và lý giải được vì sao nhân dân lại suy nghĩ như thế.

 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP

Muốn vậy, theo đồng chí  Nguyễn Thiện Nhân, cần nghiên cứu về xu hướng và mức độ quan tâm của nhân dân, những vấn đề về xã hội đã ảnh hưởng đến tư tưởng của nhân dân và những vấn đề tiêu cực nào cần làm rõ địa chỉ, nguyên nhân. Mỗi lần Quốc hội họp, MTTQ nhận được 2.000 - 3.000 kiến nghị của cử tri, nhân dân nhưng chỉ có 15 phút để báo cáo trước Quốc hội. Vì vậy, Mặt trận chỉ lựa chọn những vấn đề phản ánh được ý kiến, tâm tư của đa số, hoặc những vấn đề có tính dự báo để báo cáo. Tuy nhiên, quan trọng hơn phải là việc sử dụng những kết quả thu được từ việc thu thập, đánh giá ý kiến của nhân dân. “Chúng ta mong muốn nhân dân hiểu về tình hình đất nước, hiểu về sự phát triển xã hội, tình hình quốc tế và có thái độ tích cực với sự phát triển đất nước, thì phải phản hồi những ý kiến của nhân dân để tạo sự đồng thuận, khuyến khích nhân dân có sáng kiến và thay đổi nhận thức”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Việc xây dựng chính sách cũng cần phải nắm được suy nghĩ và nhu cầu của người dân, nhất là những đối tượng bị ảnh hưởng, chi phối bởi chính sách đó. Không phải chính sách nào cũng được người dân ủng hộ nhưng dứt khoát một chính sách tốt thì phải được đa số người dân ủng hộ. 

Mở rộng thu thập ý kiến của nhân dân trên mạng xã hội

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM Trần Tấn Ngời, nhiều người dân có tâm lý “nói làm cái gì khi ý kiến của họ không được tiếp thu giải quyết thấu đáo”. Vì vậy, phải có cơ chế gì đó để người dân “mở miệng ra”, dù dân có nói rát lòng như thế nào đó thì cũng phải có cơ chế để lắng nghe, tiếp thu, giải quyết. Cùng quan điểm, ông Đỗ Văn Đương, Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng: “Dân chủ là phải để người ta mở miệng ra. Một cơ thể bệnh tật thì phải nói ra bệnh người ta mới biết đường chữa bệnh”. Theo ông Đỗ Văn Đương, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội rất nhiều. Để góp phần trả lời, giải đáp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Chính phủ cần sớm có quy định về tiêu chí và phân loại việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo các nhóm vấn đề đã được giải quyết, đang giải quyết và sẽ giải quyết. Cần cung cấp rõ thông tin giải quyết kiến nghị cho cử tri, xác định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp của các bộ ngành, chính quyền địa phương trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri. “Cần hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng việc giải quyết. Nên coi xác định việc giải quyết, trả lời đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị của cử tri là một trong những tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của bộ trưởng, trưởng ngành”, ông Đỗ Văn Đương nêu quan điểm.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần phải coi mỗi người dân là một cảm biến xã hội để thu thập được nhiều nhất ý kiến của nhân dân. Việc tiếp xúc cử tri, nhân dân của các Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cũng là một kênh để tiếp nhận ý kiến của nhân dân. Việc điều tra xã hội học phải thực hiện theo chuyên đề và ở những thời điểm nhất định. Đặc biệt, phải quan tâm đến các diễn đàn xã hội, để thông qua không gian mạng, môi trường Internet thu thập được ý kiến của các tầng lớp nhân dân một cách nhanh nhất. Trong đó, môi trường điện tử như Facebook, Twiter là một kênh tiếp nhận thông tin rất quan trọng…

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top