Công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh 2016:

Tiếp tục cải thiện tính minh bạch

14:46 - Thứ Tư, 05/04/2017 Lượt xem: 7227 In bài viết
Cung ứng dịch vụ công có chuyển biến bền vững 6 năm qua, song các tỉnh, thành phố cần chú trọng tiếp tục cải thiện năng lực và thái độ của công chức, viên chức; tăng tính minh bạch, khả năng phản hồi và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước. Đây là những nội dung được đưa ra tại buổi công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2016 diễn ra tại Hà Nội, ngày 4-4.

Người dân hài lòng với nhiều dịch vụ công 

PAPI do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức. Đây là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Năm 2016 là năm thứ 6 liên tiếp (2011-2016) PAPI được thực hiện khảo sát ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Năm 2016, PAPI được khảo sát đối với 14.063 người dân được chọn ngẫu nhiên, thời gian thực hiện từ tháng 8 đến tháng 11-2016.

 

Hà Nội nằm trong nhóm đạt điểm “trung bình cao” về chỉ số thủ tục hành chính.

Tổng hợp kết quả chỉ số PAPI của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, trong số 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất, có 8 địa phương khu vực Đông Bắc Bộ, 5 địa phương duyên hải miền Trung và 3 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh, thành phố: Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng vẫn duy trì vị trí của mình trong nhóm đạt điểm cao nhất qua 6 năm liên tiếp (2011-2016).

Kết quả PAPI năm 2016 thể hiện rõ chỉ số cung ứng dịch vụ công tăng mạnh ở 35 tỉnh, thành phố. Trong đó, nổi bật là tỷ lệ người dân hài lòng về dịch vụ y tế công lập và giáo dục tiểu học công lập. Cụ thể, số lượng người có bảo hiểm y tế tăng từ 54% năm 2011 lên 73% năm 2016. 32% người khảo sát cho biết dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi "rất tốt" (tỷ lệ này năm 2015 là 23%). Sự hài lòng về chất lượng bệnh viện công tuyến huyện, quận và chất lượng bảo hiểm y tế cũng được người dân chấm điểm tăng đáng kể so với năm 2015.

Thủ tục hành chính công cũng là một nội dung có chuyển biến tốt. Đối với dịch vụ hành chính cấp xã, phường, 95% người đã từng đi làm thủ tục cho biết họ không phải đi qua nhiều "cửa" mới làm xong giấy tờ; 68,7% số người đã đi làm thủ tục được nhận sổ đỏ sau 30 ngày, tăng 10% so với năm 2015. Hà Nội nằm trong nhóm đạt điểm "trung bình cao" về chỉ số "thủ tục hành chính công". Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả này phản ánh thực tế thời gian qua TP Hà Nội đã quyết liệt đổi mới trong thực hiện cơ chế "một cửa"; dịch vụ cấp sổ đỏ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thạo việc, có thái độ lịch sự khi giao tiếp với công dân...

Ở chỉ số nội dung “công khai, minh bạch" tăng nhẹ so với năm 2015 (từ 5,43 lên 5,61 điểm). So với năm 2011, có 13 tỉnh, thành phố có mức độ gia tăng trên 5% trong năm 2016. Nguyên nhân cơ bản là do sự cải thiện về mức độ công khai, minh bạch kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất.

Nhức nhối nạn tham nhũng

PAPI 2016 cũng cho thấy một số lĩnh vực có xu hướng giảm điểm, điển hình là vấn đề "Kiểm soát tham nhũng khu vực công" ở cả hai nội dung thành phần gồm "kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương" và "quyết tâm chống tham nhũng". Số người trả lời cho rằng cần phải "bôi trơn", "lót tay" để có được việc làm vào khu vực công; xin cấp sổ đỏ; học sinh trường tiểu học công lập được giáo viên quan tâm hơn... đều tăng lên so với hai năm trước. 54% số người dân được hỏi cho rằng cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước (con số này năm 2015 là 51%). Có 32,6% số người trả lời cho biết chính quyền cấp tỉnh đã nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng ở địa phương, đây là tỷ lệ thấp nhất trong vòng 6 năm qua.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy, mức độ chịu đựng sự vòi vĩnh của người trả lời trên toàn quốc tiếp tục gia tăng. Người bị vòi vĩnh đưa hối lộ có xu hướng không tố giác hành vi đòi hối lộ của cán bộ, công chức nếu số tiền bị vòi vĩnh chưa lên tới 25,6 triệu đồng.

Vấn đề đói nghèo vẫn được xem là việc hệ trọng nhất đối với người dân, song năm 2016, người dân quan ngại nhiều về vấn đề môi trường (tăng 10% so với năm 2015). Ngay trong nội dung được đánh giá là có cải thiện như "thủ tục hành chính công" thì cũng vẫn cần sớm chấn chỉnh khi trong việc cấp sổ đỏ có tới 10% người được hỏi cho rằng phải chờ từ 100 ngày trở lên mới nhận được sổ đỏ, 10% phải đi qua môi giới và 20% phải đi lại hơn 5 lần mới xong việc.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên hợp quốc, Trưởng đại diện Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: "Mục tiêu của chỉ số PAPI là những kết quả khảo sát này được sử dụng trong quá trình hoạch định chính sách của địa phương. Do đó, các tỉnh, thành phố nên căn cứ vào chỉ số PAPI, nhìn lại xem địa phương mình đã làm gì cho người dân trong những năm qua, từ đó có những cải thiện tốt hơn trong thời gian tới".

Ông Jairo Acuna - Alfaro (cố vấn chính sách về thể chế đáp ứng và giải trình UNDP NewYork) đánh giá: Với PAPI, Việt Nam là quốc gia tiên phong, là một hình mẫu cho nhiều quốc gia khác về việc thu thập tiếng nói và nguyện vọng của người dân một cách khoa học và rộng khắp. Đây cũng là một cách đánh giá các chỉ số phát triển bền vững. Cộng đồng quốc tế đánh giá chỉ số PAPI là sáng kiến của Việt Nam, đây là một thước đo mức độ hài lòng của người dân và Chính phủ, chính quyền địa phương.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top