Giỗ tổ Hùng Vương và Hội Đền Hùng năm 2017

Niềm tin thiêng liêng, sâu sắc trở về cội nguồn dân tộc

09:38 - Thứ Sáu, 07/04/2017 Lượt xem: 7269 In bài viết

“Dù ai đi ngược về xuôi//

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

ĐBP - Là lời nhắc nhở từ đáy lòng mỗi người dân Việt Nam dù ở đâu cũng nhớ về cội nguồn dân tộc. Từ ngàn đời nay Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương luôn là điểm hội tụ văn hóa tâm linh sâu sắc, là điểm tựa tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Từ huyền thoại lịch sử về Cha Lạc Long Quân kết duyên cùng Mẹ Âu Cơ sinh ra đồng bào ta trong “Bọc trăm trứng”, đến những việc trọng đại quốc gia: chọn đất đóng đô, cầu người hiền tài giúp vua, giúp nước đánh giặc ngoại xâm, chọn người kế vị, cầu mùa màng tốt tươi đến việc thường ngày: dạy dân cấy lúa, chăn tằm ươm tơ, làm bánh nấu mật, ca hát giao duyên… Mỗi một truyền thuyết đều gắn với một địa danh, một lễ hội cụ thể vùng đất Tổ. Đến Phú Thọ, nghe những câu chuyện kể về thời các Vua Hùng, xem những di vật khảo cổ ta có thể hình dung rõ nét về cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất, đánh giặc giữ làng và nhiều phong tục tập quán của ông cha ta từ buổi đầu dựng nước. Ngoài tín ngưỡng và Lễ hội Đền Hùng, còn có những lễ hội dân gian đặc sắc gắn với các thời đại Hùng Vương liên quan tới Đền Hùng và vùng phụ cận của Đền Hùng.

 

Đoàn rước kiệu xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Báo Phú Thọ

Vùng Đền Hùng, thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao - miền đất trước ngã ba sông là vùng hội tụ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, phản ánh buổi đầu bình minh của lịch sử dân tộc. Với 57 địa điểm khảo cổ được khai quật và nghiên cứu ở Phú Thọ, các nhà khoa học chứng minh rằng khu vực Đền Hùng cách đây hàng ngàn năm đã là địa bàn tụ cư của người Việt cổ và quá trình này diễn ra liên tục.

Trong quá khứ, Lễ hội Đền Hùng là sự tập hợp các hoạt động thờ cúng vui chơi, được tổ chức long trọng in đậm dấu ấn trong tâm thức của người dân Phú Thọ và đồng bào cả nước. Đối với người Việt Nam Lễ hội Đền Hùng có tầm quan trọng đặc biệt. Xa xưa ở Đền Thượng, trong khu di tích Đền Hùng, tương truyền các Vua Hùng đã lập đàn tế trời và hạt thóc thần, các cụ cao niên ở xã Hy Cương vẫn thường gọi là “Thóc thờ”. Nghi thức thờ “Thóc thần” còn được bảo lưu trong tục thờ “Cum lúa thần” cùng với nghi thức thờ “sinh thực khí” ở thôn Trẹo, xã Hy Cương (TP. Việt Trì) và xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao)… Núi Nỏn trong khu di tích lịch sử Đền Hùng hiện nay vẫn còn hòn đá thờ hình cối xay gọi là đá ông chồng, bà chồng. Như vậy lễ hội nguyên thủy ở các làng xung quanh Núi Hùng là lễ hội của tín ngưỡng cư dân người Việt cổ trồng lúa nước. Thời phong kiến tự chủ các triều đại đã nối tiếp nhau tôn vinh việc thờ cúng các Vua Hùng, tu bổ, tôn tạo xây dựng khu di tích lịch sử Đền Hùng, đặc biệt là triều Nguyễn quy định ngày quốc lễ là ngày mùng 10/3 (âm lịch) hàng năm, định ra hội chính và hội lễ, cấp tiền và gạo nếp thơm cho xã Hy Cương sở tại lo việc thờ phụng các Vua Hùng trong kỳ Giỗ Tổ. Trong những năm cuối của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, Đền Hùng và Lễ hội Đền Hùng được Đảng, Nhà nước ta tôn vinh ở tầm cao mới, thể hiện ở các văn bản, quy định tổ chức Đền Hùng theo nghi thức cấp Nhà nước vào các năm chẵn, cấp tỉnh vào các năm lẻ, cùng các quy định về tôn tạo, bảo vệ di tích Đền Hùng, rừng quốc gia Đền Hùng… sao cho xứng tầm là di tích xếp hạng đặc biệt của quốc gia, để tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ngày giỗ Tổ Hùng Vương thực sự là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam.

Trở lại Lễ hội Đền Hùng - từ những nét đẹp nguyên sơ ở các hội làng vùng đất Tổ nhất là các lễ hội vùng phụ cận Đền Hùng, ngành Văn hóa đã chọn lọc đưa vào chương trình tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trên nguyên tắc bảo đảm tính dân tộc và hiện đại, với quy mô ngày càng mở rộng đáp ứng tâm nguyện của đồng bào cả nước mỗi khi về Đền Hùng. Do đó, nhiều hạng mục công trình trong khu vực di tích đã được mở rộng, nâng cấp, bổ sung để tạo một không gian lớn theo quy hoạch mở rộng khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 30/3/2004 để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thể hiện những nét đẹp tiêu biểu của các vùng văn hóa Việt Nam: Vùng Kinh Bắc, vùng miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Nam Bộ trong những ngày giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trước đây, hiện nay và mai sau luôn là điểm tựa tâm linh của người Việt. Hành hương về Đền Hùng là niềm tin thiêng liêng trở về với cội nguồn dân tộc, điều đó làm cho chúng ta thêm tự hào về truyền thống và lịch sử văn hóa tổ tiên cha ông để lại. Từ đó, mỗi người có trách nhiệm giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ cho hôm nay mà cho muôn đời sau như lời Bác Hồ đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Trần Văn Quang
Bình luận
Back To Top