Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Kế hoạch số 420

22:30 - Thứ Sáu, 21/04/2017 Lượt xem: 7726 In bài viết

ĐBP - Ngày 21/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Kế hoạch số 420/KH-UBND ngày 22/2/2017 của UBND tỉnh về giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do trên địa bàn huyện Mường Nhé năm 2017. Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Sau 2 tháng triển khai Kế hoạch 420, các đơn vị thực hiện kế hoạch đã rà soát 1.216 hộ, 6.913 nhân khẩu di cư tự do đến Mường Nhé từ năm 2006 đến nay. Trong đó, 416 hộ đã được cấp sổ hộ khẩu, còn lại 800 hộ chưa cấp hộ khẩu do không đủ điều kiện hoặc đang tiến hành xác minh. Qua rà soát, đã phát hiện 38 hộ, 142 khẩu từ tỉnh Sơn La và các huyện nội tỉnh: Mường Chà, Điện Biên Đông, Tủa Chùa di cư tự do vào huyện Mường Nhé từ đầu năm 2017 đến nay; lực lượng chức năng đã vận động và cưỡng chế, bố trí 12 chuyến xe đưa dân di cư về nơi ở cũ. Các tổ công tác đã tổ chức 128 cuộc họp dân với 5.039 người tham gia; phát 13.262 tờ rơi tuyên truyền về những việc được làm và không được làm đối với công tác bảo vệ rừng và quản lý cư trú; tổ chức ký cam kết không di cư tự do, không phá rừng với 4.698 hộ.

 

Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị. 

Đối với rà soát và ngăn chặn tình trạng phá rừng, ngành chức năng đã đo được 6.632ha đất rừng, phát hiện 277 điểm bị phá với diện tích thiệt hại hơn 717ha; làm rõ 71 vụ, với 108 đối tượng có hành vi hủy hoại rừng với diện tích trên 49ha (đều xảy ra trong năm 2017). Cơ quan chức năng đã khởi tố 14 vụ, 15 bị can; xử phạt hành chính 30 vụ, 58 trường hợp; đang tiếp tục điều tra, xác minh 27 vụ, 35 đối tượng.

Mặc dù đã triển khai đồng bộ và có những hiệu quả ban đầu tích cực, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Qua rà soát cho thấy: Hầu hết đất, nhà ở của các hộ dân chưa được cấp sổ hộ khẩu nằm trong diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất hoặc đất quy hoạch Đề án 79; hầu hết các cặp vợ chồng di cư đến không có giấy đăng ký kết hôn, các thành viên không có giấy khai sinh, đa số không biết chữ. Thông báo số 120-TB/HU của Huyện ủy Mường Nhé về cơ cấu lại và giao mỗi hộ 3ha đất rừng bị phá làm nương và nương luân canh (nương chờ từ 2012 đến nay) để tập trung canh tác, sản xuất, trồng rừng dẫn đến nhiều hộ lợi dụng thông báo để tiến hành đốt nương tại những điểm rừng bị phá trong năm 2017; các hộ dân thuộc Đề án 79 đòi thêm đất sản xuất đủ 3ha như Thông báo 120 (Đề án 79 cấp 2ha/hộ).

Liên quan đến Đề án 79, công tác đo đạc, quy chủ, phân chia đất ở, đất sản xuất cho các hộ tại nhiều điểm còn chưa cụ thể, chưa có mốc giới lô, thửa trên thực địa; một số điểm, dân đã về ở 4 năm nhưng mới chỉ được cấp 1ha đất sản xuất, đất bạc màu, không đủ để sản xuất nên người dân quay về nơi ở  cũ để canh tác; người dân có hộ khẩu ở một xã nhưng lại sản xuất, canh tác, cư trú trên địa bàn xã khác…

Trao đổi tại cuộc họp, đại biểu các ngành chức năng, huyện Mường Nhé đề nghị UBND tỉnh xem xét, định hướng cho huyện Mường Nhé thu hồi Thông báo số 120; tiến hành rà soát quy hoạch 3 loại rừng. Một số ý kiến cho rằng diện tích đất sản xuất cấp 2ha/hộ theo Đề án 79 là thấp, không đủ để người dân canh tác; chủ trương vận động người dân tái định cư trồng rừng thay thế diện tích rừng bị phá cần nghiên cứu chi tiết, cụ thể, phù hợp hơn. Một vấn đề vướng mắc cần giải quyết là: Người dân chưa được cấp hộ khẩu dẫn đến không được cấp đất, nhưng muốn có hộ khẩu thì theo quy định phải có đất ở, đất sản xuất không tranh chấp. Vì vậy, cần có một giải pháp quy hoạch cụ thể, hợp pháp.     

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn khẳng định: Đoàn công tác thực hiện Quyết định số 420 không phải lực lượng làm thay cấp ủy, chính quyền địa phương mà là lực lượng đến cơ sở để rà soát, hỗ trợ huyện nâng cao năng lực quản lý tình trạng di dân tự do, phá rừng làm nương. Vì vậy, huyện Mường Nhé phải là đơn vị tập trung, tích cực nhất trong phối hợp thực hiện, đảm bảo sự nhất quán với các ngành nhằm đạt 3 mục tiêu chính: không phá rừng, không di dân tự do và đảm bảo ổn định an ninh chính trị địa bàn. Các ngành chuyên môn cần tạo điều kiện, đẩy nhanh việc hoàn thành các thủ tục về đăng ký hộ khẩu, làm giấy khai sinh  cho người dân di cư đến trước 30/4/2011. Đối với các địa phương có dân di cư mới đến Mường Nhé, cần kiên quyết giải quyết dứt điểm. Đối với các vụ phá rừng mà ngành chức năng đã phát hiện, xử lý nghiêm trên tinh thần giáo dục, răn đe; với các vụ có liên quan đến cán bộ cơ sở, giao Công an tỉnh thụ lý, điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm. Đối với Đề án 79, các đơn vị thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ tái định cư theo phương án bố trí đã được phê duyệt để sớm ổn định đời sống nhân dân.

Tin, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top