Tôn vinh, nhân thêm nhiều hạt nhân tiêu biểu

09:59 - Thứ Sáu, 19/05/2017 Lượt xem: 6896 In bài viết
ĐBP - Sáng nay (19/5), tại Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh, 350 đại biểu, trong đó 250 đại biểu đại diện cho 1.496 già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín thuộc 19 dân tộc anh em dự Hội nghị Biểu dương già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ V, năm 2017. Tại Hội nghị, 119 đại biểu được vinh danh trong thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với các phong trào thi đua và chương trình hành động cách mạng trong giai đoạn mới. Các cấp, ngành ghi nhận những đóng góp của lực lượng này vào sự nghiệp chung, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh. Sự quan tâm sâu sắc, động viên kịp thời ấy sẽ là niềm cổ vũ các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tiếp tục nỗ lực cống hiến, tạo sức lan tỏa sâu rộng để ngày càng nhiều hạt nhân tiêu biểu được phát hiện, nhân rộng.

Xây dựng thành phố xanh - sạch – đẹp

Những năm qua, trưởng dòng họ, người có uy tín trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền cơ sở với người dân trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng đô thị văn minh, khu dân cư xanh - sạch - đẹp.

Thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, trưởng dòng họ và người có uy tín thành phố đã phát huy vai trò của mình trong việc vận động cộng đồng tích cực tham gia xây dựng đô thị văn minh, khu dân cư xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt là phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền, vận động người dân tự giác tháo dỡ những hạng mục, công trình lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang, vỉa hè; tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng, trả lại hè phố thông thoáng, sạch, đẹp. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đã có trên 2.800 hộ tự giác khôi phục nguyên trạng hành lang, vỉa hè. Bên cạnh đó, người có uy tín còn trực tiếp chủ trì các cuộc hòa giải ở khu phố, bản về những mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, tài sản... Các trưởng dòng họ, người có uy tín còn vận động nhân dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, hiến hàng ngàn mét đất làm đường, trường, trạm. 5 năm qua, nhân dân thành phố đóng góp gần 2.000m đất, trên 200 ngày công, gần 10 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trồng hàng ngàn cây phân tán, giúp cải thiện môi trường sống. Từ năm 2012 đến nay, các trưởng dòng họ, người có uy tín đã tham gia hỗ trợ gần 30 nhà ở cho hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (mỗi ngôi nhà trị giá 20 triệu đồng) với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng, góp phần cơ bản xóa nhà tạm trên địa bàn thành phố. Tiêu biểu là các ông: Mai Vĩnh Linh (bản Tà Lèng, xã Tà Lèng), Lò Văn Nhói (bản Nà Nghè, xã Tà Lèng), Lường Văn Hịa (bản Him Lam II, phường Him Lam), Lường Văn Cu (bản Huổi Phạ, phường Him Lam), ông Tòng Văn Hặc (bản Pom Loi, phường Nam Thanh)...

Mai Phương

Cổ vũ, động viên xây dựng nông thôn mới

Huyện Điện Biên có 345 người có uy tín; trong đó: 60 vị già làng, 13 trưởng dòng họ, 55 trưởng thôn, bản và tương đương, 40 cán bộ nghỉ hưu và 175 người là thành phần khác. Phát huy vai trò của người có uy tín, những năm qua, các vị già làng, trưởng dòng họ tích cực động viên nhân dân đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới.

 

Ông Lò Văn Bình, người có uy tín đội 8, xã Thanh Luông với mô hình chăn nuôi tổng hợp.

Bằng uy tín của mình, những vị già làng, trưởng dòng họ đã tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới, vận động đồng bào dân tộc xóa bỏ hủ tục, không theo đạo trái pháp luật; hiến đất tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình công cộng. Trong xây dựng kinh tế gia đình, người có uy tín huyện Điện Biên luôn là những người đi đầu trong việc học hỏi kinh nghiệm làm ăn, cách tổ chức sản xuất theo phương pháp khoa học mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như: ông Lò Văn Bình, người có uy tín đội 8, xã Thanh Luông phát triển chăn nuôi cho thu nhập 50 triệu đồng/năm; ông Lù Văn Tỷ, người uy tín bản Co Chạy 1, xã Mường Pồn với mô hình kinh tế VAC mỗi năm cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí; ông Giàng A Thẹ, trưởng dòng họ bản Noọng Luông 2, xã Mường Phăng với mô hình chăn nuôi đại gia súc kết hợp với thả cá mỗi năm cho thu nhập trên 70 triệu đồng; ông Vì Văn Lâm, người uy tín bản Yên Cang 1, xã Sam Mứn tích cực vận động nhân dân xóa đói, giảm nghèo từ mô hình trồng rau màu…

Người có uy tín không chỉ làm giàu cho gia đình mình mà còn tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nhiều người trong thôn, bản biết cách làm ăn, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa và đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, từ đó nâng cao đời sống, thoát nghèo, góp phần tích cực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Tính đến cuối tháng 3/2017, huyện Điện Biên có 2 xã (Thanh Chăn và Noong Hẹt) đạt 19/19 tiêu chí, 9 xã đạt từ 10 - 17 tiêu chí nông thôn mới. Năm 2017, huyện phấn đấu có thêm 5 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, duy trì 2 xã đạt chuẩn, phấn đấu 15 xã còn lại tăng ít nhất từ 2 - 3 tiêu chí. Để đạt được mục tiêu đó, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định một trong những giải pháp quan trọng là tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, từ đó tạo cầu nối gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Thu Hằng

Đồng hành cùng người dân chuyển đổi ngành nghề, làm giàu chính đáng

Chuyển đổi ngành nghề, làm giàu chính đáng là vấn đề luôn được quan tâm tại địa bàn TX. Mường Lay sau khi di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La. Những năm qua, tích cực tham gia vận động, làm gương cho nhân dân trong công cuộc này có một lực lượng quan trọng không thể không kể đến là các vị già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín (NCUT) trong cộng đồng dân cư.

 

Ông Lò Văn Nạm (thứ 2 từ trái sang) trò chuyện với người dân trong tổ.

Hiện toàn TX. Mường Lay có 139 vị già làng, trưởng dòng họ, NCUT các dân tộc. Mỗi vị là một câu chuyện về sự tâm huyết, là một tấm gương sáng trong cộng đồng. Tiêu biểu có thể kể đến ông Khoàng Văn Thiệp, già làng, NCUT bản Đán, phường Na Lay. Ông Thiệp năm nay đã 78 tuổi nhưng vẫn nhiệt huyết gánh nhiều trọng trách tại bản. Hiện ông là Bí thư Chi bộ bản, trước đó ông còn đảm nhận, kiêm nhiệm nhiều vị trí: Ban Công tác mặt trận, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh của bản và xã. Vì vậy những thăng trầm của người dân bản Đán, ông đều cùng vượt qua. Ông Thiệp kể lại: Sau khi tái định cư Thuỷ điện Sơn La, ruộng vườn của nhân dân bản Đán bị thu hẹp. Nhà thì chuyển hướng phát triển chăn nuôi, nhà thì chài lưới trên sông, hộ thì kinh doanh sản xuất… Nhưng cơ bản đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đến năm 2015, chính quyền địa phương chủ trương chia đất bán ngập cho người dân mượn canh tác. Ban đầu vận động bà con gặp nhiều khó khăn, tôi bàn với trưởng bản và các đoàn thể phân công cán bộ nhận đất làm trước để người dân làm theo. Bản thân tôi vận động gia đình con cháu tham gia, tuy đã cao tuổi nhưng tôi vẫn trực tiếp cải tạo đất, trồng rau, trồng lúa giúp các con. Sau vụ đầu tiên ấy, gần 40 hộ dân bản Đán nhận đất bán ngập canh tác, tạo nguồn cung lương thực cho gia đình. Hiện cả bản có 1,3ha đất bán ngập, trên 50% hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm xuất bán, 30% hộ có thuyền làm nghề chài lưới, hơn 10 hộ kinh doanh buôn bán. Nhờ vậy, bản có 43 hộ thì chỉ còn 1 hộ nghèo do hoàn cảnh đặc biệt, neo đơn.

Ông Lò Văn Nạm, Tổ trưởng, NCUT tổ dân phố 1, phường Sông Đà cũng là một tấm gương tiêu biểu. Sau tái định cư, hầu hết các hộ dân tổ dân phố 1 không có đất sản xuất. Ông tích cực vận động nhân dân tham gia các lớp học nghề, chủ động chuyển đổi ngành nghề phù hợp, tạo việc làm ổn định. Đến nay, lớp trẻ trong tổ tham gia nhiều ngành nghề khác nhau: Hàn xì, sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa xe máy, công nhân làm đá đen... ở trong và ngoài địa bàn. Bên cạnh đó, ông động viên nhiều hộ tận dụng lợi thế sông Đà theo nghề đánh bắt cá; phụ nữ cao tuổi thì duy trì nghề đan cót. Cũng từ năm 2015 đến nay, cả tổ có 16 hộ được mượn đất trống ngoài quy hoạch để trồng rau xanh đã tạo thêm công việc, thu nhập cho nhiều người dân.

Bà Hà Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TX. Mường Lay, đánh giá: “Các vị già làng, trưởng dòng họ, NCUT luôn gắn bó, đồng hành cùng bà con trong những ngày hậu tái định cư. Họ không chỉ tuyên truyền, động viên người dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, chọn ngành nghề phù hợp mà bản thân gia đình còn gương mẫu tiên phong nhận đất trống, mấp mô sỏi, đá để cải tạo, canh tác cho nhân dân làm theo; vận động con cháu, dòng họ tích cực lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đồi ngành nghề, mở rộng kinh doanh dịch vụ…”.

Nguyễn Hiền

Biến tinh thần hiếu học thành nét đẹp văn hóa của các dòng họ vùng cao

Dòng họ Vì tại huyện Tủa Chùa sinh sống tập trung ở thị trấn và thôn 1, xã Sính Phình. Hiện nay, dòng họ có 10 hộ, 49 nhân khẩu. Tuy là dòng họ có số hộ gia đình rất ít so với các dòng họ khác trong huyện, song nhờ biết phát huy truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học nên dòng họ luôn tự hào vì có nhiều con cháu được học hành đầy đủ và tham gia công tác trong các cơ quan Nhà nước.

 

Ông Vì A Hao cùng đại gia đình.

Nguyên là giáo viên nghỉ chế độ, hiểu thực trạng của giáo dục vùng cao, nên ông Vì A Hao, thường trú tại tổ dân phố Thành Công, thị trấn Tủa Chùa có nhiều trăn trở với việc học tập của con em và đồng bào mình. Xác định, chỉ có học mới giúp bà con thay đổi tư duy, thay đổi cuộc sống, khi được tín nhiệm bầu là trưởng dòng họ, tôi đã tích cực động viên, khuyến khích con cháu trong dòng họ phấn đấu học tập, rèn luyện. Ông Hao cùng một số thành viên trong họ thường xuyên tuyên truyền cho các gia đình để họ nhận thức tốt việc học và chăm lo giáo dục con cháu, xây dựng truyền thống hiếu học, từ đó tham gia tốt công tác khuyến học, khuyến tài; giúp đỡ lẫn nhau trong việc học tập, chăm lo cho con cháu học hành thành đạt. Dòng họ đã bầu ra Ban Khuyến học, có quy chế hoạt động toàn diện, thường xuyên, hiệu quả. Chi hội và Ban Khuyến học dòng họ có sổ vàng truyền thống hiếu học ghi danh các gia đình hiếu học, gia đình văn hoá.

Đặc biệt, dòng họ xây dựng và duy trì tốt Quỹ Khuyến học để động viên con cháu. Dựa vào tình hình kinh tế chung của các gia đình, chúng tôi vận động mỗi hộ đóng góp 1 triệu đồng/năm. Hàng năm, trước khi bước vào năm học mới, dòng họ tổ chức đánh giá, trao quà cho các cháu có thành tích trong học tập và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Duy trì đều đặn lễ tuyên dương, phát thưởng, động viên các cháu vượt qua hoàn cảnh khó khăn vươn lên rèn luyện, học tập tốt.

Với sự nỗ lực đó, đến nay dòng họ Vì có 2 người trình độ trên đại học; 5 người trình độ đại học; 1 người trình độ cao đẳng; 4 người trình độ trung cấp; đang theo học đại học là 6 cháu; còn lại 100% các cháu trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Cả dòng họ có 11 đảng viên và 12 người tham gia đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong các cơ quan, đơn vị của huyện.

Có thể nói, sự học ở vùng cao vẫn đang là vấn đề hết sức khó khăn, do đó việc xây dựng “dòng họ hiếu học” là cần thiết và phải được bắt nguồn từ mỗi gia đình. Ông Vì A Hao mong rằng, không chỉ là sự chủ động từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mà các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức đoàn thể cũng cần quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện cho công tác khuyến học, khuyến tài, phong trào gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học đạt hiệu quả tốt. Tôi hy vọng, với sự nỗ lực đó, chúng ta sẽ dần biến tinh thần hiếu học thành nét đẹp văn hóa của các dòng họ vùng cao, hướng tới xây dựng xã hội học tập ở vùng cao, vùng khó khăn Tủa Chùa nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.

Hà Linh

Góp sức vì bản làng

 
Nhiều năm qua, ông Quàng Văn Sôm, 55 tuổi, người có uy tín tổ dân phố 1, thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông) luôn tích cực trong các công tác xã hội, đặc biệt là tham gia giải quyết những mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, được chính quyền và nhân dân tin tưởng, quý mến.

Ông Sôm cho biết: Là địa bàn trung tâm huyện, phức tạp về an ninh trật tự, tôi luôn tích cực cùng cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; giải thích, hướng dẫn cho học sinh, người dân các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy; tự tử bằng lá ngón… Trên cương vị là người có uy tín ở phố, ông luôn động viên bà con trong tổ dân phố thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước; dần bỏ các tập tục lạc hậu. Bên cạnh đó, ông động viên các gia đình cho con em đi học. Những trường hợp bỏ học, ông đến tận nhà động viên cha mẹ để các cháu đi học trở lại. Ông Sôm cũng động viên bà con trong phố đóng góp đầy đủ các khoản, như: Thuế, các loại phí dịch vụ cho Nhà nước đúng thời gian quy định.

Không chỉ tích cực trong công tác xã hội, trong gia đình, ông Quàng Văn Sôm luôn là người cha, người ông mẫu mực, ông thường nhắc nhở, giáo dục các con, cháu mình phải chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước.

Theo đánh giá của Mặt trận Tổ quốc thị trấn Điện Biên Đông, ông Quàng Văn Sôm là người có uy tín tiêu biểu trên địa bàn thị trấn. Với vai trò của mình, ông thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng, các tổ chức đoàn thể kịp thời phát hiện nhiều trường hợp, vụ việc phát sinh trong cộng đồng dân cư, góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trên địa bàn thị trấn nói riêng, huyện Điện Biên Đông nói chung.

Quang Long (ghi)

Vì biên giới Mường Nhé bình yên

Những năm qua, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn huyện Mường Nhé đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở. Hàng năm, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín đã hỗ trợ các cơ quan chức năng, đồng thời trực tiếp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho trên 50.000 lượt người; vận động, hướng dẫn hàng nghìn hộ ký cam kết giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản; giáo dục con cháu thảo hiền, không mắc các tệ nạn xã hội; ông bà, cha mẹ mẫu mực, gia đình hạnh phúc. Các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã hỗ trợ tích cực cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả Chương trình Chuyên đề 573b về hướng dẫn 100% bản, cụm dân cư xây dựng quy ước, hương ước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp các dân tộc. Nêu cao tinh thần cảnh giác các mạng trước âm mưu “Diễn biến hòa bình”, “Bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, nhất là thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Nhé có 28 bản, cụm dân cư đăng ký điểm sáng về phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; 69 tổ xung kích an ninh với gần 300 thành viên; 2 cụm liên kết an ninh trật tự; 4 dòng họ bình yên; 81 tổ an ninh nhân dân; 81 tổ hòa giải; 13 câu lạc bộ an ninh trật tự cơ sở và tổ bảo vệ, dân phòng; 150 tổ phòng cháy, chữa cháy; 11 hòm thư tố giác tội phạm... 4 tháng đầu năm 2017, qua hòm thư tố giác tội phạm, các cơ quan chức năng đã nhận được gần 200 đơn thư trong đó trên 100 thư, tin báo chất lượng, giúp các cơ quan chức năng vận động nhân dân phá nhổ hàng trăm mét vuông trồng cây thuốc phiện; phát hiện, bắt giữ 25 vụ, 30 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các chất ma tuý; phát hiện 73 vụ, 110 đối tượng hủy hoại rừng với tổng diện tích bị hủy hoại là trên 49ha…  

Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ huyện tiếp tục làm tốt công tác vận động già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn hướng dẫn nhân dân xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản, điển hình tiên tiến đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khu vực biên giới bình yên.  

Mạnh Thắng 

Gương mẫu xây dựng gia đình, bản làng văn hóa

 
Năm 2010, nghỉ hưu ông Giàng Sáu Chu về cư trú tại bản Nậm Din, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, được nhân dân trong bản tín nhiệm bầu là người uy tín. Từng giữ chức vụ Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, ông chia sẻ: với kinh nghiệm, kiến thức của bản thân tôi luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, phong trào, đồng thời tuyên truyền vận động bà con làm theo.

Về phát triển kinh tế, tôi và gia đình luôn gương mẫu tích cực lao động sản xuất, thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, mang lại thu nhập ổn định từ 40 - 50 triệu đồng/năm. Với nhân dân trong bản, tôi luôn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất... Nhờ đó, bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống mới có năng suất cao và thực hiện luân canh tăng vụ để cải thiện đời sống. Trong bản, xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi sản xuất giỏi, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, đời sống bà con từng bước ổn định.

Trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần tự phê bình và phê bình, tham gia đóng góp ý kiến tại các cuộc họp của chi bộ, của bản; thường xuyên phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với chính quyền các cấp; bản thân là người tiên phong trong các phong trào, các hoạt động đoàn thể ở bản, ở xã, là thành viên tích cực của các tổ tự quản như: “Tổ tự quản về an ninh trật tự”, “Tổ tự quản vệ sinh môi trường”... Đồng thời, tôi luôn tuyên truyền vận động nhân dân trong bản, trong xã tham gia gìn giữ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt với thế hệ trẻ; xây dựng quy ước và xóa bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội… Bên cạnh đó, tôi đã vận động bà con tham gia công tác nhân đạo từ thiện, từ năm 2014 - 2016, cả bản đã tham gia ủng hộ được trên 3 triệu đồng tiền quỹ các loại.

Với những kết quả đạt được hiên nay, bản Nậm Din có 63/86 hộ đạt “Gia đình văn hóa”, bản đạt “Bản văn hóa” cấp huyện. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, để ngày càng có nhiều gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, tôi mong muốn các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số nhất là ở vùng sâu, vùng xa; phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Quan tâm đào tạo, dạy nghề cho con em đồng bào dân tộc...

Tuấn Anh (ghi)

Người có uy tín giữ gìn an ninh trật tự

Trao đổi về vai trò của người có uy tín trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn, ông Giàng A Tủa, Trưởng phòng Dân tộc huyện Điện Biên Đông cho biết: Người có uy tín trong cộng đồng là người gần gũi, thấu hiểu, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào và được đồng bào tín nhiệm. Khi phát huy được vai trò của người có uy tín sẽ xây dựng khối đoàn kết dân tộc, truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách thiết thực, hiệu quả.

Huyện Điện Biên Đông hiện nay có 241 người có uy tín. Trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, những năm qua, người có uy tín trên địa bàn huyện đã có nhiều đóng góp quan trọng. Với tinh thần trách nhiệm, những người có uy tín đã kịp thời phát hiện, thông báo chính quyền đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật; giải quyết hàng trăm vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; quản lý, cảm hóa, giáo dục hàng trăm đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt, những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng công an giải quyết ổn thỏa một số vụ mâu thuẫn, khiếu kiện, tranh chấp đất đai; không để các phần tử xấu tuyên truyền, kích động, gây rối an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Bên cạnh đó, những người có uy tín tích cực vận động bà con nhân dân nâng cao ý thức, phòng chống tội phạm, giáo dục con em, người thân trong gia đình, họ tộc họ mình không phạm tội, chăm lo lao động sản xuất, giữ gìn phong tục tập quán, bản sắc dân tộc, không nghe, không tin theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu, thực hiện tốt quy ước, hương ước của thôn xóm, làng, bản...

Phạm Dương

Tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Với vai trò, trách nhiệm của mình, ông Vàng Giống Chá, người có uy tín bản Van Hồ, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ luôn tích cực vận động nhân dân phát huy tinh thần, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc… Trong đó, chú trọng vận động bà con tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, đường biên mốc giới và không tin, không nghe theo kẻ xấu tuyên truyền, lợi dụng, lôi kéo; cảnh giác trước âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Si Pa Phìn là xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ đói nghèo còn ở mức cao (62,42% năm 2016); tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, tiểm ẩn những hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy, lợi dụng tự do tín ngưỡng tuyên truyền đạo trái phép, di cư tự do; đặc biệt là tuyên truyền thành lập “vương quốc Mông”… Thực tế này ảnh hưởng không nhỏ tới tư tưởng, đời sống của nhân dân cũng như trong công tác giữ gìn bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để phòng, chống và đẩy lùi những thế lực thù địch, tôi và các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trên địa bàn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chi bộ, trưởng bản và các đoàn thể chính trị ở khu dân cư thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, làm việc theo hiến pháp, pháp luật; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, không tin, nghe theo các luận điệu tuyên truyền trái pháp luật; kẻ xấu xúi dục, dụ dỗ lôi kéo vượt biên trái phép; tàng trữ, vận chuyển, mua bán và sử dụng trái phép các loại ma túy, vũ khí vật liệu nổ…

Để bảo vệ vững chắc đường biên cột mốc, cùng với việc tuyên truyền thường xuyên, liên tục của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Si Pa Phìn, tôi đã tích cực, vận động nhân dân luôn sát cánh, chủ động tham gia, giúp đỡ bộ đội biên phòng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm qua biên giới, xâm nhập trái phép lãnh thổ Việt Nam… Khi phát hiện những biểu hiện vi phạm pháp luật, luận điệu tuyên truyền sai đường lối, vi phạm chủ quyền khu vực biên giới đều báo cáo Đồn Biên phòng cũng như chính quyền xã để xử lý kịp thời, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Từ đó, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt, thực sự là phên giậu vững chắc của Tổ quốc.

Sầm Phúc (ghi)

Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc

Huyện Mường Chà hiện có 34 già làng, 45 trưởng dòng họ, 255 người uy tín tiêu biểu. Những năm qua, đội ngũ này đóng góp vai trò quan trọng trong vận động con cháu, dòng họ và nhân dân xây dựng khối đoàn kết với các dòng họ, dân tộc khác, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc anh em trong toàn huyện, tôn trọng phong tục tập quán và bản sắc văn hóa từng dân tộc. Điển hình như, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được tổ chức thường niên, đó là dịp để mọi người, mọi nhà chân thành, cởi mở góp ý với nhau những điều hay, việc tốt; các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín vận động, khuyên nhủ các gia đình xóa bỏ những xích mích, nghi ngờ lẫn nhau trong cuộc sống, tăng thêm sự gắn kết tại cộng đồng dân cư. Đồng thời cũng là dịp để cán bộ, đảng viên về tham gia sinh hoạt tại nơi cư trú, kết hợp tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước tới người dân. Ngoài ra, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín cùng với tổ hòa giải ở cơ sở giải quyết tốt những mâu thuẫn xảy ra ở khu dân cư hợp tình hợp lý, không để xảy ra những khiếu kiện vượt cấp.

Bên cạnh đó, thông qua xây dựng và thực hiện quy ước trên địa bàn dân cư, các vị già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín đã động viên nhân dân các dân tộc phát huy quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện tham gia đóng góp ý kiến với cấp ủy, trưởng bản, tổ dân phố giúp họ hoàn thành nhiệm vụ được nhân dân giao phó. Đồng thời, các vị cùng với Mặt trận Tổ quốc xã, Ban thanh tra nhân dân, Ban công tác Mặt trận từng bước nâng cao chất lượng giám sát tại cộng đồng dân cư; tham gia giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, đại biểu dân cử, đảng viên ở khu dân cư để họ giữ vững phẩm chất đạo đức xứng đáng là công bộc của nhân dân. Không chỉ vậy, già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín còn trực tiếp đóng góp ý kiến tại các hội nghị cử tri nơi cư trú, các cuộc tiếp xúc cử tri đại biểu dân cử ở các xã, thị trấn để chuyển tâm tư, nguyện vọng của người dân tới cấp trên. Từ đó, mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể với nhân dân ngày càng gắn bó mật thiết, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cơ sở ngày càng vững mạnh.

Hải Phong

Góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

Huyện Mường Ảng có trên 90% dân số là người dân tộc thiểu số, trong đó nhiều hộ nghèo, đời sống của người dân khó khăn. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; người dân tộc Mông, bản Chan 2, xã Mường Đăng quyết tâm bắt tay vào phát triển kinh tế và đến nay nhiều hộ đã khá giả. Có được những kết quả đó là nhờ công lao của người có uy tín trong bản - là người luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với bà con dân bản, thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...

Bản thân được đi nhiều, học hỏi nhiều cách làm ăn, phát triển kinh tế của địa phương khác, khi về bản ông Tráng A Sử luôn cố gắng vận động bà con chăn nuôi; hướng dẫn họ trồng trọt hiệu quả. Bản thân ông cũng là một trong những người vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương mình. Thấy ở địa bàn có điều kiện tốt để phát triển chăn nuôi đại gia súc, tôi vay vốn ngân hàng để đầu tư mua giống trâu, bò về chăn nuôi. Lập nghiệp chỉ với một con 1 trâu, 1 con bò và ít đất sản xuất như bao hộ dân khác; nhưng nhờ chăm chỉ, chịu khó, giờ đây gia đình ông đã sở hữu gần 40 con trâu, bò, vài chục con lợn và dê, trên 5ha diện tích ruộng, nương. Từ thành quả này, ông có điều kiện nuôi các con học hành đầy đủ. Không những vậy, tôi vận động mọi người trong bản tranh thủ cơ hội để phát triển kinh tế theo thế mạnh của mình: Người nào có khả năng chăn nuôi thì tận dụng vay vốn để mua gia súc, gia cầm về nhân giống; nếu có thể phát triển trồng trọt thì tìm các giống cây phù hợp về trồng để cải thiện, ổn định đời sống. Cơ bản nhất là phải vận động bà con áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi và canh tác phù hợp.

Thời gian tới, gia đình ông tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư, phát triển thêm nhiều giống mới (dê, gà…). Hi vọng rằng, với uy tín của mình trong bản và xã, ông sẽ vận động, tuyên truyền để người dân cùng phấn đấu vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế. Mong rằng, trên địa bàn huyện Mường Ảng sẽ có thêm nhiều người có uy tín phát huy được chức trách của mình, vận động, chia sẻ cùng nhau quyết tâm vượt khó xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn trên chính quê hương bản làng của mình.

Văn Thành Chương

Bình luận
Back To Top