Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về tình hình phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước

15:59 - Thứ Sáu, 26/05/2017 Lượt xem: 9207 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 25/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2017 và quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, các ĐBQH tỉnh Điện Biên cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2017 và quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015.

 

Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên chủ trì thảo luận tại tổ. 

Đại biểu Trần Văn Sơn đánh giá, trong năm 2016, Chính phủ đã tích cực tập trung tháo gỡ khó khăn trên các lĩnh vực bất động sản, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; duy trì tốc độ tăng trưởng, kết quả thu ngân sách Nhà nước, chi ngân sách Nhà nước, cân đối ngân sách Nhà nước đã đảm bảo hoạt động của bộ máy Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, còn một số tồn tại hạn chế ở một số lĩnh vực, như: tái cơ cấu lại doanh nghiệp, trọng tâm là cổ phần hóa DNNN, thoái vốn Nhà nước còn rất chậm, hiệu quả thấp; nguyên nhân là do các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này còn hạn chế, bất cập, do sự thiếu kiên quyết thực hiện của người đứng đầu doanh nghiệp. Đề nghị trong thời gian tiếp theo cần thực hiện quyết liệt hơn nữa Đề án tái cơ cấu DNNN, nâng cao thực chất quản trị doanh nghiệp. Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, ngoài các giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách năm 2017, đại biểu đề nghị bổ sung một số giải pháp: Tập trung phát triển kinh tế tư nhân để thành phần kinh tế này ngày càng phát triển lớn mạnh, đóng góp cho xã hội, tăng trưởng GDP và tạo việc làm; có giải pháp để khai thác hiệu quả các nguồn lực, như: đất đai, tài nguyên của đất nước, tránh lãng phí; tăng cường thu thuế tài nguyên để góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước; có giải pháp xử lý các dự án lớn đầu tư không hiệu quả để thu hồi vốn, tái đầu tư.

Đại biểu Mùa A Vảng cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt thấp so với kế hoạch đề ra, đề nghị Chính phủ có những giải pháp căn cơ để đạt được tăng trưởng 6,7% theo Nghị quyết của Quốc hội; số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức cao nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động cũng rất lớn. Do đó, đề nghị Chính phủ có giải pháp để tái cơ cấu doanh nghiệp đạt kết quả và giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể; nâng cao năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, thu hút nguồn nhân lực lao động, tạo việc làm.

Đại biểu Trần Thị Dung, quan tâm đến 3 vấn đề: Về an toàn thực phẩm và sức khỏe của cộng đồng; tranh chấp, khiếu nại, tố cáo chủ yếu là lĩnh vực đất đai, việc giải quyết có nơi còn chưa kịp thời, quản lý đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập; thanh toán Bảo hiểm Y tế cho đối tượng được hưởng, thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá sát hơn với tình hình thực tế hiện nay và trong thời gian tới cần có các giải pháp quyết liệt hơn để khắc phục những tồn tại hạn chế trong các lĩnh vực này.

Tin, ảnh: Hồ Nam
Bình luận
Back To Top