Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ

14:38 - Thứ Năm, 21/09/2017 Lượt xem: 6840 In bài viết
Chiều 20-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Sau 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, công tác này đã đạt kết quả tích cực. Tuy vậy, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, việc phát hiện, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu; số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm. Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) hướng tới mục tiêu tạo cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng; qua đó góp phần xây dựng cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch...

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu.

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, dự thảo luật chưa có quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý; chưa có quy định kiểm tra, đối chiếu dữ liệu trong các bản kê khai tài sản, thu nhập với dữ liệu về thuế thu nhập cá nhân, thuế nhà đất, các giao dịch khác về tài sản có giá trị của người có nghĩa vụ kê khai… Đây là những nội dung quan trọng nhằm bảo đảm hiệu quả các quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, cần thận trọng đánh giá tác động của luật, bảo đảm không gây khó cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, dự thảo luật này liên quan đến nhiều luật, nên cần nghiên cứu kỹ, bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo. Về nội dung minh bạch, công khai thu nhập, tài sản, cần quy định cụ thể cơ quan, đơn vị quản lý thông tin kê khai và xác định rõ trách nhiệm của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ. Về hình thức công khai tài sản, thu nhập cũng cần quy định rõ, nhằm bảo đảm quyền bí mật thông tin cá nhân. 

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, việc sửa đổi luật này là cần thiết để khắc phục những hạn chế của luật hiện hành, xử lý những vấn đề mới phát sinh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ và các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng những vấn đề mới được đưa ra trong dự thảo để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi trong mối tương quan của hệ thống luật pháp hiện hành. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện tờ trình, hồ sơ dự án luật để chuẩn bị trình xin ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.

* Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc gia nhập Công ước Istanbul 1990 về chế độ tạm quản hàng hóa. Sau khi xem xét, cho ý kiến, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa; thống nhất giao Chính phủ tiến hành các thủ tục để gia nhập công ước này.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top