UBND tỉnh

Lấy ý kiến vào đồ án Quy hoạch vùng tỉnh Điện Biên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050

08:19 - Thứ Sáu, 22/09/2017 Lượt xem: 9471 In bài viết
ĐBP - Ngày 21/9, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Xây dựng báo cáo về Quy hoạch vùng tỉnh Điện Biên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch). Dự họp có các đồng chí: Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh, ủy viên UBND tỉnh.

 

Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, đại diện đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng) trình bày tóm tắt đồ án Quy hoạch với quan điểm phát triển: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, vùng trung du miền núi Bắc bộ và tỉnh Điện Biên; phát triển bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ - du lịch là trọng tâm trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng lợi thế. Chiến lược phát triển đến năm 2035 đảm bảo: Vùng biên giới phát triển ổn định và vững mạnh, trở thành trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử của vùng Tây Bắc; chất lượng sống tốt, thân thiện với môi trường. Theo đó, hệ thống đô thị được tổ chức theo mô hình “2 vùng đô thị - 1 chuỗi”, gồm: Vùng thành phố Điện Biên Phủ theo mô hình đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh; vùng đô thị Tuần Giáo theo mô hình dải đô thị; chuỗi đô thị liên kết thị trấn Mường Chà - thị xã Mường Lay - thị trấn Nậm Pồ - đô thị Mường Nhé. Đến năm 2035 toàn tỉnh có 12 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II (TP. Điện Biên Phủ); 3 đô thị loại IV (Tuần Giáo, Mường Lay, Mường Nhé); 8 đô thị loại V (ngoài Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Chà, Điện Biên Đông, Nậm Pồ sẽ xây dựng mới các đô thị Bản Phủ, Mường Nhà, A Pa Chải); toàn tỉnh sẽ có 1 khu công nghiệp và 16 cụm công nghiệp. Hệ thống dân cư nông thôn quy hoạch theo hướng xây dựng các thị tứ quy mô từ 10-20ha, trung tâm cụm xã quy mô 5-15ha, điểm dân cư trung tâm xã từ 100-200 hộ, phát triển hành lang dân cư dọc biên giới đảm bảo yêu cầu về quốc phòng - an ninh. Hệ thống giao thông bao gồm: 4 tuyến quốc lộ đạt cấp III miền núi, 12 tuyến đường tỉnh, đường huyện đạt cấp VI miền núi, 100% đường xã được cứng hóa, đường đô thị đảm bảo quỹ đất giao thông 18-23% đất xây dựng đô thị; cảng hàng không đạt tiêu chuẩn cấp 3C theo ICAO; xây dựng 6 cảng, bến đường thủy nội địa; đảm báo đáp ứng các nhu cầu về cấp nước, điện, thông tin liên lạc, thoát nước thải và vệ sinh môi trường...

Tham gia góp ý vào đồ án Quy hoạch, các đại biểu đề nghị cần phải đánh giá hiện trạng một cách khách quan, nghiêm túc, sâu sát, cụ thể. Đồng thời đề nghị Sở Xây dựng, đơn vị tư vấn làm rõ thêm các nội dung: Yếu tố vùng đặc trưng là gì? Phát triển hệ thống giao thông gắn với xây dựng nông thôn mới, vấn đề này giải quyết thế nào; đường không phải kết nối đến các khu vực du lịch trọng điểm trong cả nước chứ không chỉ có Điện Biên - Hà Nội, Điện Biên - Luông Pra Băng và ngược lại. Không chỉ phát triển du lịch văn hóa - lịch sử mà là văn hóa - lịch sử - sinh thái - tâm linh. Trong phát triển hệ thống đô thị, mỗi vùng có một thế mạnh riêng, giải pháp phát triển những thế mạnh đó để xây dựng một kết nối tổng thể; đồ án mới tập trung quy hoạch vùng, phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, chưa nói rõ đến quan hệ, phát triển của kinh tế ngành sẽ khó khăn cho quy hoạch, phát triển ngành sau này...

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn ghi nhận cố gắng của các đơn vị liên quan trong xây dựng đồ án Quy hoạch, song cũng thẳng thắn đánh giá việc đầu tư thực tiễn, sự phối hợp trong thực hiện còn hạn chế. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng trên cơ sở Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các đại biểu dự cuộc họp, tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, cập nhật thông tin, tư liệu hoàn thiện đồ án; tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về nguồn lực thực hiện các dự án.

Tin, ảnh: Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top