Cần đánh giá, rút kinh nghiệm những hạn chế trong thực hiện Quyết định 755

15:35 - Thứ Sáu, 22/09/2017 Lượt xem: 8526 In bài viết
ĐBP - Ngày 22/9, đoàn giám sát Ban Dân tộc, HĐND tỉnh do bà Vừ Thị Liên, Trưởng ban Dân tộc làm trưởng đoàn làm việc với Ban Dân tộc tỉnh về tình hình thực hiện Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ năm 2014 – 2016.

 

Bà Vừ Thị Liên, Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Ban Dân tộc tỉnh.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh: Thực hiện Quyết định 755 trên địa bàn tỉnh, chủ đầu tư gồm 5 đơn vị cấp huyện (Mường Ảng, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, TX. Mường Lay và TP. Điện Biên Phủ) và 52 xã (thuộc 5 huyện còn lại) đã hỗ trợ đất sản xuất cho 652 hộ với nguồn kinh phí 5,89 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.203 hộ, kinh phí 20,22 tỷ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 10.111 hộ, kinh phí trên 12,9 tỷ đồng và đầu tư xây dựng 23 công trình nước sinh hoạt tập trung với kinh phí trên 25,5 tỷ đồng; cho vay vốn vay ưu đãi 2.538 hộ với dư nợ trên 37,3 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 755 đã góp phần giải quyết một phần khó khăn về đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, định mức kinh phí hỗ trợ của Nhà nước còn thấp, tập quán sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, các hộ nghèo không mạnh dạn vay thêm vốn để mở rộng sản xuất, trong khi máy móc hỗ trợ có công suất nhỏ, chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình chứ chưa thể làm dịch vụ. Cùng với đó, năng lực quản lý, tổ chức thực hiện chủ đầu tư của cấp xã còn nhiều hạn chế; hầu hết các thôn, bản và UBND các xã không xác định được hiện trạng đất sản xuất hiện có, diện tích đất còn thiếu, nhu cầu diện tích đất sản xuất cần hỗ trợ (do các địa phương chưa thực hiện xong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất) nên không có cơ sở pháp lý để xác định mức hỗ trợ; việc rà soát xác định đối tượng thụ hưởng nhiều địa phương chưa phản ánh đúng thực trạng; hướng dẫn của Trung ương cho phép điều chỉnh nội dung đầu tư, hỗ trợ quá muộn dẫn đến việc triển khai thực hiện chính sách ở cơ sở khó khăn, gấp gáp về thời gian.

Thay mặt đoàn giám sát, Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh Vừ Thị Liên khẳng định: Qua giám sát tại cơ sở, việc thực hiện các chính sách theo Quyết định 755 tại một số địa phương còn hạn chế cả về hiệu quả lâu dài lẫn chất lượng sử dụng, thậm chí một số hạng mục chưa đúng mục đích, yêu cầu Quyết định 755 đề ra. Ví dụ như một số xã của huyện Điện Biên, máy móc hỗ trợ bị người dân thờ ơ, hỏng hóc, các thiết bị hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán chất lượng thấp; chuyển đổi nghề nghiệp không đồng bộ. Do đó, Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực cần có đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm cụ thể, từ đó có những nội dung tham mưu cho UBND tỉnh để các chính sách hỗ trợ theo Quyết định 755 hiệu quả hơn.

Tin, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top