Giải thể công đoàn giáo dục cấp huyện

Góp phần làm tinh gọn bộ máy

11:06 - Thứ Hai, 25/09/2017 Lượt xem: 6639 In bài viết
ĐBP - Tính đến cuối tháng 7/2017, 10/10 công đoàn giáo dục (CÐGD) cấp huyện đã chính thức giải thể, bàn giao các công đoàn cơ sở trường học về liên đoàn lao động (LÐLÐ) các huyện, thị, thành phố. Ðây là bước đi phù hợp với thực tiễn hiện nay, vừa góp phần làm tinh gọn bộ máy, giảm gánh nặng chi phí, vừa tạo sự gắn kết hoạt động trong hệ thống công đoàn...

Trước đây, toàn tỉnh có 10 CÐGD cấp huyện, quản lý 462 công đoàn cơ sở trường học với hơn 14.000 đoàn viên. Trong thực tế, hoạt động của các CÐGD đã mang lại hiệu quả nhất định. Theo ông Phạm Hữu Hà, Chủ tịch LÐLÐ huyện Tủa Chùa, về mặt quản lý Nhà nước, các đơn vị trường học trực thuộc quản lý của Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện, trong khi đó Chủ tịch CÐGD huyện là Phó phòng GD&ÐT kiêm nhiệm nên công tác phối hợp chỉ đạo có nhiều thuận lợi, từ việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chương trình kế hoạch hoạt động đến công tác kiểm tra thực hiện. Trong năm học công tác kiểm tra chuyên môn theo quy chế và điều lệ trường học được tiến hành thường xuyên và định kỳ, do đó việc kết hợp kiểm tra công tác công đoàn được tiến hành sát sao. Khác với LÐLÐ huyện, ngành giáo dục huyện được trang bị hệ thống hồ sơ công việc điện tử tới tất cả các đơn vị trường học do đó mà khi có kế hoạch, văn bản LÐLÐ yêu cầu công đoàn ngành triển khai đều được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả.

 

Công đoàn giáo dục huyện Điện Biên bàn giao cho Liên đoàn Lao động huyện Điện Biên.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cũng bộc lộ không ít những hạn chế. Ðơn cử như địa bàn hoạt động của các huyện vùng cao rộng, phân tán, trong khi các thành viên Ban Chấp hành CÐGD huyện đều hoạt động kiêm nhiệm nên việc duy trì sinh hoạt theo quy định của điều lệ không thường xuyên. Chủ tịch CÐGD lại là lãnh đạo phòng GD&ÐT nên tính độc lập tương đối của công đoàn không đảm bảo. Hơn nữa, việc quản lý và sử dụng kinh phí công đoàn cấp trên phân bổ nhiều lúc không được công khai, còn “nhầm lẫn” kinh phí của công đoàn đơn vị trường học vào các hoạt động phong trào của ngành. Một nguyên nhân quan trọng khác là, trong thực tế LÐLÐ huyện có thể đảm nhận được công tác quản lý này mà không cần đến một cấp trung gian giữa công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở. Do vậy, giải thể CÐGD cấp huyện là một chủ trương đúng đắn, sát với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Tám, Trưởng ban Tổ chức, LÐLÐ tỉnh, cho biết: Giải thể CÐGD cấp huyện là việc làm cần thiết nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sắp xếp lại tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo hướng tinh gọn, giảm bớt trung gian để tập trung chỉ đạo trực tiếp thường xuyên, có chiều sâu, trọng tâm trọng điểm đối với công đoàn cơ sở. Không chỉ vậy, giải thể CÐCS còn tiết kiệm kinh phí chi cho bộ máy tổ chức để có điều kiện chăm lo tốt hơn cho đoàn viên. Trước khi tiến hành giải thể CÐGD cấp huyện, trung tuần tháng 8/2016, LÐLÐ tỉnh đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chủ tịch CÐGD huyện. Ðại đa số đại biểu nhất trí cao với chủ trương của cấp trên. Trước đây, CÐGD huyện có khó khăn là cán bộ công đoàn đều kiêm nhiệm, nhưng đến nay điều đó lại trở thành thuận lợi khi không phải “đau đầu” sắp xếp lại nhân sự. Cán bộ CÐGD huyện sẽ trở lại làm công tác chuyên môn hoặc công tác công đoàn tại các đơn vị trường học. Ðến nay, 10/10 CÐGD cấp huyện đã hoàn tất việc giải thể và bàn giao về LÐLÐ huyện, thị, thành phố trực tiếp quản lý theo hướng dẫn của Tổng LÐLÐ Việt Nam. Tuy vậy, khi bàn giao các công đoàn cơ sở trường học cho LÐLÐ huyện quản lý sẽ không tránh khỏi một số khó khăn nhất định. Tăng đầu mối đồng nghĩa với khối lượng công việc cũng tăng theo, trong khi đó, nhân lực ít, kinh phí hoạt động hạn chế. Ví dụ như LÐLÐ huyện Mường Chà hiện đang quản lý hơn 80 công đoàn cơ sở; trong đó 45 công đoàn cơ sở giáo dục. Trước đây, CÐGD sẽ là đầu mối giúp LÐLÐ tổng hợp báo cáo, triển khai các văn bản... thì nay số đầu mối sẽ tăng lên 45. Với 2 biên chế như hiện tại, lượng công việc của LÐLÐ huyện Mường Chà sẽ tăng lên không ít. Bên cạnh đó, hoạt động của CÐGD có những đặc thù như việc tính thời gian theo năm học chứ không tính theo năm hành chính sẽ ảnh hưởng đến thời điểm báo cáo tổng kết chung. Hơn nữa, khi triển khai các hoạt động, phong trào thi đua của công đoàn ngành giáo dục thì cán bộ LÐLÐ huyện khó có thể “tỏ tường” bằng cán bộ CÐGD nên khó có thể đi sâu, bám sát vào các nội dung hoạt động. Ðể khắc phục hạn chế đó, trong đại hội tới các LÐLÐ huyện đang đề xuất bố trí phó phòng GD&ÐT huyện vào vị trí phó chủ tịch LÐLÐ cấp huyện trực tiếp phụ trách mảng CÐGD, đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho hoạt động công đoàn cơ sở.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top