Khi cán bộ thực sự là công bộc của dân (Bài 2)

09:25 - Thứ Năm, 19/10/2017 Lượt xem: 9394 In bài viết

Bài 2: Người dân được làm chủ!

ĐBP - “Chà Nưa là máu thịt của tôi. Nhưng mảnh đất này có ấm no, phát triển được hay không thì phải chờ xem người dân có tin, có chịu làm chủ cuộc sống của mình, góp sức xây dựng quê hương hay không...”. Ðây là quan điểm khiến ông Khoàng Văn Van, Bí thư Ðảng ủy xã Chà Nưa nỗ lực sát cánh cùng Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân triển khai nhiều chương trình, hoạt động; song tinh thần tin và giao quyền làm chủ cho nhân dân luôn được phát huy tối đa.

Là xã vùng cao biên giới thuộc huyện đặc biệt khó khăn, lại mới chia tách của tỉnh Ðiện Biên; Chà Nưa có 4 dân tộc anh em cùng chung sống, lại đa phần là dân tộc thiểu số, nên việc thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của bà con nơi đây xưa nay không phải đơn giản. Không nhận định vấn đề từ góc nhìn tiêu cực, ông Khoàng Văn Van, Bí thư Ðảng ủy xã Chà Nưa lại khẳng định: Chà Nưa là vùng đất có nhiều thuận lợi, như: Giao thông thuận tiện (8/9 bản nằm ven quốc lộ 4H), điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thích hợp cho sản xuất nông nghiệp, trồng rừng; các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự... đều đảm bảo. Cái thiếu ở Chà Nưa đó là sợi dây gắn kết và nghị lực vươn lên của người dân. Ông nói “Chỉ khi xác định được đúng vị trí mình đang đứng, mới tìm ra được con đường cần phải đi. Còn việc có đi được đến đích hay không lại phụ thuộc vào nhân dân, họ phải được làm chủ”.

 

Người dân bản Cấu, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) chung tay làm đường tuần tra, bảo vệ rừng.

Phát huy tinh thần nhân dân làm chủ, mỗi một mục tiêu phấn đấu ở Chà Nưa đều có nghị quyết, chương trình hành động cụ thể, mà trong đó người dân là chủ thể của mọi hoạt động. Vai trò nhân dân được phát huy từ khi xây dựng, rồi đồng thuận đi đến thống nhất quyết định và triển khai thực hiện. Bởi vậy,  nhiều phần việc ở Chà Nưa như: Ðào đường tuần tra bảo vệ rừng, làm cầu qua suối, làm đường giao thông nông thôn... đều ghi nhận sự có mặt đông đảo, nhiệt tình của toàn thể nhân dân. Và “chìa khóa” để làm được việc này là trước tiên phải làm thay đổi nhận thức của người dân, mà muốn vậy buộc tôi và cán bộ, đảng viên Chà Nưa phải “xắn tay” trực tiếp cùng làm” - Câu nói của ông Van cũng chính là câu trả lời cho thắc mắc của chúng tôi về hình ảnh hết sức “nông dân” của ông trong lần đầu gặp mặt.

Bằng việc huy động thành công sự vào cuộc của toàn thể nhân dân, bức tranh kinh tế - văn hóa - xã hội Chà Nưa hôm nay đang dần “sáng” lên. Và những tuyên bố từng gây “sốc” ngày nào, nay đã được Ðảng bộ, chính quyền cùng nhân dân chứng minh bằng hành động, bằng những “công trình” mang đặc trưng riêng của Chà Nưa và in đậm dấu ấn Khoàng Văn Van - người thủ lĩnh táo bạo trong cả cách nghĩ, cách làm. Chỉ sau hơn 2 năm với cương vị là Bí thư Ðảng ủy xã, ông Khoàng Văn Van đã truyền được ngọn lửa nhiệt huyết, để mỗi người nông dân Chà Nưa tự lực đứng lên dựng xây quê hương. Bằng chứng là những con đường bê tông rộng thênh thang, sạch đẹp được xây dựng từ chính đôi bàn tay của những người nông dân ngày một dài thêm và đã nối gần hơn bản với bản, nhà với nhà.

 

Chà Nưa hôm nay... 

Nếu như ở nhiều địa phương khác, môi trường là bài toán khó trong xây dựng nông thôn mới, thì ở Chà Nưa lại được hóa giải chỉ bằng sự đồng thuận từ nhân dân. Lần đầu tiên và có lẽ là duy nhất ở tỉnh Ðiện Biên, khi Chà Nưa đã xây dựng được hơn 100 lò đốt rác theo nhóm hộ hoàn toàn bằng nguồn vốn và sức dân, góp phần giải quyết cơ bản bài toán môi trường; gần đây nữa là hàng trăm công trình nước sạch vệ sinh được xây dựng đồng bộ khắp các thôn, bản...

Năm 2017, toàn xã có gần 150ha lúa ruộng, tăng 10,26ha so với năm 2016. Trong đó, riêng bản Nậm Ðích (bản 100% dân tộc Mông) nhờ thành công của công tác tuyên truyền vận động mà đến nay cũng đã có hơn 20ha lúa nước. Thay vì những hoài nghi, thậm chí giễu cợt ban đầu về quyết định “mở cửa rừng”, Chà Nưa đã chứng minh con đường tuần tra rừng không phải “dẫn đường” cho lâm tặc khai thác gỗ mà để giúp người dân quản lý và hưởng lợi từ rừng tốt hơn. Vẻ mặt như tự hào về bà con mình lắm, ông Van nói: Cây rừng Chà Nưa cũng như cây vườn nhà của dân Chà Nưa. Lịch phân công trực giám sát cửa rừng tại đầu đường tuần tra, lịch thu hái từng loại lâm sản phụ đã được lên rất rõ ràng, cụ thể, công bố công khai, mọi người dân đều biết và họ chính là những giám sát viên, nên chẳng ai dại gì vi phạm... Con số tỷ lệ che phủ rừng ở Chà Nưa năm 2016 đạt 53,48%, tăng hơn 6% so với năm 2015 là minh chứng rõ nét nhất cho vấn đề này. Ông Van còn tự tin khẳng định “Chỉ cần bảo vệ tốt thì rừng tự nó đã sinh sôi!...”.  Và còn nữa, con số hết sức ấn tượng không thể không nhắc tới đó là, năm 2016 Chà Nưa giảm được 103 hộ nghèo (tương đương 33,2%), năm 2017 lại tiếp tục có thêm 25 hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo...

Những con số khô cứng, nhưng lại là minh chứng cụ thể và xác đáng nhất cho sự đổi thay ở mảnh đất Chà Nưa. Còn cách làm của ông Van lại minh chứng cho tính đúng đắn từ những tư tưởng của Bác Hồ, khi người cán bộ thực sự là công bộc của dân, làm mọi điều cho nhân dân, vì nhân dân thì nhận được sự mến mộ, tin yêu và ủng hộ của nhân dân. Và chúng tôi tin, với sự tin tưởng, đồng thuận đó, thì những mục tiêu phấn đấu còn gây “sốc” của Chà Nưa rồi sẽ trở thành hiện thực trong thời gian không xa. Xin hãy cùng chúng tôi dõi theo từng bước đường nỗ lực đưa nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống ở Chà Nưa.

 
Một số mục tiêu phấn đấu của Ðảng bộ xã Chà Nưa đến năm 2020
- 100% tổ chức chính trị - xã hội của xã đạt loại khá trở lên.
- Ðộ che phủ rừng đạt trên 62%, bình quân mỗi năm tăng từ 2,85% trở lên.
- Hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
- Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 12%.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng/năm.
- Trên 25% lao động có việc làm qua đào tạo.
- Xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2.
Hải Yến - Mai Thủy
Bình luận
Back To Top