Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) giám sát mô hình trường học mới Việt Nam tại huyện Điện Biên Đông

18:54 - Thứ Năm, 16/11/2017 Lượt xem: 7998 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình giám sát về “Tình hình triển khai, thực hiện mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN)”; ngày 16/11, đoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) do đồng chí Nhữ Văn Quảng, Trưởng ban làm trưởng đoàn tiến hành giám sát tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông.

Thực hiện chương trình trường học mới (VNEN), huyện Điện Biên Đông có 8 trường VNEN với 144 lớp, 2.724 học sinh; gần 300 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia (trong đó 22 cán bộ quản lý, 219 giáo viên…). Đối với các trường nhân rộng dự án có 5 trường, 71 lớp, 1.538 học sinh. Theo đánh giá của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, việc triển khai mô hình VNEN trên địa bàn, học sinh cơ bản phát huy được khả năng, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh tự tin, vươn lên trong học tập; rèn luyện được khả năng đánh giá, tự đánh giá, tự học, điều chỉnh cách học, tăng khả năng giao tiếp, hợp tác. Học sinh hứng thú trong học tập, giáo viên đánh giá được sự tiến bộ của học sinh.

 

Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) dự giờ, kiểm tra thực tiễn tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Suối Lư.

Quá trình triển khai mô hình gặp không ít khó khăn, do đội ngũ giáo viên tiểu học tuy đủ về số lượng nhưng chưa đồng bộ về cơ cấu và trình độ đào tạo; cơ sở vật chất còn thiếu, mới chỉ đủ bố trí sắp xếp một số phòng chuyên môn; đa phần học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số còn rụt rè trong giao tiếp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thảo luận nhóm; việc điều hành của các nhóm trưởng không phát huy được vai trò; tài liệu hướng dẫn cho giáo viên và học sinh còn thiếu, các môn học chuyển sang hoạt động giáo dục không có tài liệu, giáo viên và học sinh phải sử dụng sách giáo khoa cũ…

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận để có cái nhìn tổng quan về quá trình triển khai mô hình VNEN trên địa bàn huyện Điện Biên Đông. Đặc biệt, là những mặt tồn tại, yếu kém, như: kiến thức Tiếng Việt của học sinh còn hạn chế, chưa mạnh dạn trong giao tiếp, ứng xử; số lượng học sinh đông, hệ thống cơ sở vật chất còn tạm bợ… Một số ý kiến cho rằng, mô hình trường học mới VNEN chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

Trước đó, đoàn giám sát đã làm việc và kiểm tra thực tiễn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và chuyên môn giảng dạy của giáo viên tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Suối Lư.

Tin, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top