Ðảm bảo tiến độ thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020

09:40 - Thứ Sáu, 08/12/2017 Lượt xem: 6335 In bài viết
ĐBP - Trong ngày làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 7, HÐND tỉnh khóa XIV, UBND tỉnh đã báo cáo, trình kỳ họp nhiều nội dung quan trọng về các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó có Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ một số nội dung sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

 

Người dân xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa chăm sóc gia cầm được hỗ trợ từ Chương trình giảm nghèo bền vững.

Ngay từ đầu năm 2017, nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững đã được UBND tỉnh phân bổ về các huyện; UBND các huyện đã phân bổ về các xã để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, phần lớn các huyện đều gặp khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ giải ngân vốn thấp. Nguyên nhân do tỉnh chậm nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể của các Bộ, ngành Trung ương về cơ chế, chính sách đặc thù tổ chức thực hiện. Ðến ngày 12/5/2017, UBND tỉnh mới nhận được Thông tư số 15/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 2/4/2017). Do không có đủ thời gian hoàn thiện quy trình thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình HÐND tỉnh tại kỳ họp thứ 5, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 759/QÐ-UBND ngày 29/8/2017 Quy định tạm thời về cơ chế tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo nguồn kinh phí sự nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2016 - 2020.

Sau một thời gian triển khai thực hiện Quyết định số 759/QÐ-UBND đã nảy sinh những khó khăn, bất cập như: Một số huyện triển khai thực hiện còn lúng túng, lập kế hoạch, phân bổ vốn chậm; năng lực quản lý, tổ chức thực hiện của cấp xã với vai trò chủ đầu tư còn hạn chế; một số huyện chưa thực hiện đúng quy định về việc phân cấp làm chủ đầu tư cho cấp xã thực hiện; định mức kinh tế - kỹ thuật của một số cây, con giống tại Quyết định số 759/QÐ-UBND chưa phù hợp; việc thẩm định giá đã phân cấp xuống cấp huyện, song một số huyện thẩm định giá con giống, máy móc chưa phù hợp với thực tế làm người dân khi mua gặp khó khăn... Nhằm tháo gỡ những vướng mắc này, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1157/QÐ-UBND ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật tại các Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 759/QÐ-UBND. Ðến nay, 100% địa bàn được thụ hưởng cơ bản đã triển khai thực hiện các dự án sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp chương trình giảm nghèo bền vững.

Từ thực tế nêu trên, nhiều đại biểu cho rằng việc ban hành Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ một số nội dung sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh theo Tờ trình của UBND tỉnh là cần thiết theo nội dung dự thảo, Nghị quyết quy định cụ thể về: Mức chi hỗ trợ dự án phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; chi xây dựng và nhân rộng mô hình tạo việc làm công thông qua đầu tư các công trình hạ tầng quy mô nhỏ ở thôn, bản, mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp gắn với trồng và bảo vệ rừng; mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ðại biểu Hoàng Thị Tuyết Ban, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Năm 2017, huyện Tủa Chùa được giao 15,563 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp chương trình giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc về định mức kinh tế kỹ thuật. Ðiển hình như: Trâu giống theo định mức phải đạt 200 - 300kg/con, trị giá khoảng 40 - 50 triệu đồng nhưng kinh phí hỗ trợ chỉ được 10 triệu đồng/hộ nên người dân không có điều kiện đối ứng; hay hỗ trợ lợn giống theo quy định là giống lợn móng cái lại không phù hợp với địa phương... Do đó, đến cuối quý III, huyện vẫn chưa triển khai thực hiện được. Sau đó, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn tạm thời huyện mới tổ chức thực hiện được. Vì vậy tại kỳ họp này, nếu HÐND tỉnh thông qua Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ một số nội dung sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Qua đó, giúp các huyện hoàn thành đúng tiến độ.

Ðồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ chia sẻ: Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững năm 2017, UBND huyện đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan hướng dẫn. Song đến cuối quý III, những khó khăn, vướng mắc mới được UBND tỉnh tháo gỡ thông qua các quy định tạm thời nên tiến độ giải ngân chậm. Nếu Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ một số nội dung sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh được ban hành thì trong thời gian tới, việc triển khai thực hiện, tiến độ giải ngân vốn sẽ đảm bảo đúng kế hoạch.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top