Tư duy mới trong điều hành công việc

09:26 - Thứ Năm, 28/12/2017 Lượt xem: 5590 In bài viết
ĐBP - Trong buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Thái - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ - bất chợt chúng tôi nhớ 2 câu thơ của Tố Hữu: “Năm năm mới bấy nhiêu ngày // Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều”. Thật vậy, còn hơn nửa năm nữa mới tròn 5 năm kỷ niệm ngày ra mắt huyện Nậm Pồ (23/6/2013 - 23/6/2018), thế nhưng những gì chúng ta chứng kiến hôm nay đủ cho thấy một Nậm Pồ “đổi thay đã nhiều” và thậm chí đổi thay rất nhiều, trên vùng đất biên cương với vô vàn gian khó này...

Giờ đây, trong ký ức chưa xa của hơn 52.000 cán bộ, chiến sỹ và bà con các dân tộc huyện Nạm Pồ, ngày 23/6/2013 đi vào “biên niên sử” như một trong những dấu mốc quan trọng nhất của huyện. Thấm thoắt hơn 4 năm vèo trôi, từ một địa bàn đặc biệt khó khăn, đất rộng, người thưa, địa hình hiểm trở, nghèo tài nguyên, nguồn lực đầu tư rất hạn chế, hạ tầng thấp kém; nhiều nơi xảy ra tình trạng phức tạp về an ninh trật tự, nạn phá rừng, di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, khiếu kiện, tranh chấp đất đai... Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn huyện đã nêu cao tính tự lập chuyển hóa hoàn toàn tình hình an ninh trật tự, đổi mới mọi mặt kinh tế - xã hội cùng với năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ quản lý cấp huyện, xã.

 

Trung tâm huyện Nậm Pồ sau mấy năm thành lập.

Trước hết, theo ông Nguyễn Văn Thái, phải có tư duy mới về phong cách làm việc, cơ quan tham mưu phải phát huy trách nhiệm và tính chủ động thực hiện đúng chức năng tham mưu, giúp UBND tổ chức thực hiện nhiệm vụ, không đùn đẩy, né tránh nhiệm vụ. Ðể tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, ngày 17/5/2017, UBND huyện Nậm Pồ ban hành văn bản số 408/UBND-NV, về việc triển khai thực hiện việc tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức các phòng ban huyện và các xã, nhằm tăng cường tối đa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước phục vụ nhân dân. Các giải pháp được triển khai quyết liệt, biểu dương kịp thời tập thể, cá nhân nào làm tốt; kiên quyết xử lý thật nghiêm những hành vi nhũng nhiễu người dân, những vi phạm và trách nhiệm của người đứng đầu; đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức có năng lực và kỷ luật kém, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, công dân khi đến liên hệ giải quyết công việc.

Giai đoạn đầu mới thành lập, do chưa có vốn đầu tư xây dựng khu đô thị trung tâm huyện nên huyện tranh thủ nguồn vốn của các chương trình, tập trung đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng cấp xã. Rõ nhận thấy nhất là cơ sở vật chất hàng loạt xã được chỉnh trang, nâng cấp khang trang, như: Si Pa Phìn, Chà Cang, Chà Tở, Chà Nưa, Nậm Khăn, Pa Tần, Na Cô Sa, Nà Khoa, Nà Hỳ, Nậm Chua, Vàng Ðán, Nà Bủng... Ðiện lưới quốc gia được đưa đến 70% số bản, gấp 5 lần ngày huyện mới thành lập. Hệ thống giao thông nông thôn được mở mới và nâng cấp cho hơn 95% số bản trong huyện, nhiều nơi đi lại thuận lợi không chỉ mùa khô mà cả trong mùa mưa. Các điểm dân cư xa xôi đã được đầu tư mở mới đường ôtô vào bản như: Ngải Thầu, Huổi Khương, Huổi Dạo, Nộc Cốc 1, 2, Ham Xoong 1,2, Nậm Chua 2, 3, 4, 5, Sam Lang, Lai Khoang, Na Cô Sa 3, 4, Hô Củng - Huổi Anh, Huổi Văng - Huổi Noỏng, Huổi Tre, Nậm Hài, Hô Hài, Nậm Pồ Con, Huổi Lụ 1, 2, 3, Huổi Ðắp, Mốc 4... Ông Vàng A Páo (dân tộc Mông, sinh năm 1983, trú quán bản Lai Khoang, xã Nà Hỳ), chia sẻ: Tôi là cộng tác viên dân số kế hoạch hóa gia đình. Trước kia từ nhà lên xã thôi cũng đã rất vất vả, việc cần lắm mới buộc phải đi. Nhưng giờ có đường ô tô, nên ngay cả lên huyện cũng rất bình thường... Ðược biết đến nay (12/2017), trên địa bàn huyện chỉ còn 7 bản (trong số 132 bản) do ở quá xa trung tâm các xã, nên tạm thời chưa được mở mới đường ô tô vào bản bởi kinh phí đầu tư quá lớn.

Thời điểm huyện mới thành lập, tình trạng đơn thư khiếu kiện, tranh chấp và chiếm dụng đất đai, đòi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, tuyên truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do... diễn ra cực kỳ phức tạp. Rất nhiều vụ việc kéo dài qua nhiều năm chưa tìm ra hướng giải quyết, hoặc đã giải quyết nhưng chưa được nhân dân đồng thuận cao. Làm thế nào để xử lý dứt điểm các vụ việc, được người dân vui vẻ chấp nhận, đồng thời không để xảy ra điểm nóng mới? Ðó là câu hỏi khiến ban lãnh đạo huyện nhiều đêm trăn trở. Phương châm đòi hỏi phải thống nhất quan điểm, xuất phát từ việc phải bảo đảm quyền lợi của người dân, cân bằng lợi ích của các bên trong tranh chấp, nắm bắt cụ thể tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi của người dân để giải quyết, trên cơ sở những quy định hiện hành của luật pháp. Ðối với vấn đề di cư tự do, công tác vận động phải làm cho bà con hiểu rõ đất và rừng đang là chỗ dựa cho cuộc sống hiện tại và lâu dài của nhân dân sở tại, nên nhân dân phải tự bảo vệ, không để người di cư vào chiếm dụng. Ðối với hoạt động tôn giáo, huyện tổ chức gặp mặt và đối thoại với 92/92 trưởng điểm nhóm đạo, thống nhất nguyên tắc quản lý và phối hợp thực hiện.

 

Chính sách phát triển giáo dục của Ðảng đưa sách mới về với học sinh vùng cao Nậm Pồ.

Nhờ vậy, trong năm đầu việc di cư tự do cơ bản được kiềm chế, hoạt động tôn giáo đi vào nề nếp; đặc biệt từ năm 2017 không còn di cư tự do vào địa bàn. Ðơn thư khiếu nại, vụ việc tranh chấp, chiếm dụng đất đai, đòi bồi thường đất có trên 60 vụ việc tồn đọng phức tạp từ nhiều năm trước, trong đó riêng tranh chấp địa giới có 29 điểm. Tư duy nhất quán là giải quyết những vụ việc về đất đai phải đồng thời đưa công tác quản lý đất đai vào nề nếp, chính quy, chuẩn xác và từng bước hiện đại hóa, coi trọng quyền lợi và lịch sử sở hữu của nhân dân (nếu quyền lợi và lịch sử sở hữu đó là hợp pháp). Cơ quan thẩm quyền chủ động xem xét, xử lý các vụ việc, sắp xếp thứ tự giải quyết vụ việc sao cho đảm bảo sự ổn định đồng thời phải đúng quy định pháp luật, hợp lòng dân, dứt điểm từng vụ việc, không né tránh, không đổ lỗi cho ai, tạo niềm tin cho nhân dân. Kết quả là mặc dù huyện chưa được đo vẽ bản đồ địa chính, chưa được kiểm kê đất đai, nhưng đến nay các vụ việc từ lịch sử để lại đều đã lần lượt giải quyết xong, không phát sinh vụ việc mới.

Một trong những thành tựu nổi bật của huyện kể từ ngày thành lập, đó là chủ trương phát huy nguồn lực con người bắt đầu từ việc tích cực cải tạo cơ sở vật chất trường lớp học, tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước và của các tổ chức cùng công sức lao động của giáo viên, cha mẹ học sinh. Thầy Nguyễn Xuân Thuận - Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Giáo dục - Ðào tạo huyện - vui vẻ cho biết: Chỉ sau 2 năm, từ 80% cơ sở vật chất trường lớp học, nhà và bếp ăn bán trú, sân chơi, nhà vệ sinh ở các trường, điểm trường trong tình trạng tạm bợ, dột nát, lầy lội đã hoàn toàn được bê tông hóa, lớp học đảm bảo 3 cứng đến kiên cố hóa. Có được kết quả này là nhờ cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo mọi điều kiện cho giáo dục - đào tạo phát triển. Ðó là những yếu tố vô cùng quan trọng góp phần nâng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp ở cả 3 cấp học, từ dưới 70% lên trên 95%. Sau hơn 4 năm, bắt từ con số “0” giờ huyện đã có 19 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia (chiếm 50% số trường trong huyện); có 15/15 xã duy trì phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1 và phổ cập xóa mù chữ mức độ 1...

Thành tích là thành tích chung - Chủ tịch Nguyễn Văn Thái bày tỏ - song đòi hỏi tập thể lãnh đạo huyện phải nêu gương về phong cách làm việc sâu sát cơ sở, nắm chắc cơ sở, giải quyết ngay và dứt điểm công việc không để nhân dân chờ đợi và không để phát sinh điểm nóng. Loại bỏ ngay tư duy làm việc kiểu thụ động, “bao sân”, cấp trên nghĩ việc cho cấp dưới; ngồi một chỗ chờ cấp dưới báo cáo, đề xuất lên thì cấp trên mới có việc; cấp xã đề xuất lên thì các phòng ban chức năng cấp huyện mới có việc. Sau hơn 4 năm thành lập, một “luồng gió mới” về tư duy, phong cách làm việc mới đang hiển hiện ở nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, ban ngành, đoàn thể... trong huyện. Ðó là một trong những nguyên nhân và là nguyên nhân chủ yếu, đưa Nậm Pồ tiếp tục tiến lên, trên con đường còn rất nhiều thử thách đang chờ...

Bài, ảnh: Trương Hữu Thiêm
Bình luận
Back To Top