Ðảng bộ huyện Nậm Pồ

Chăm lo công tác giáo dục lý luận chính trị

08:47 - Thứ Tư, 31/01/2018 Lượt xem: 8130 In bài viết
ĐBP - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ, Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Ðảng bộ huyện xác định kinh tế - xã hội phát triển, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững khi tổ chức cơ sở đảng vững mạnh. Vì vậy giải pháp có tính tiên quyết để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên là thường xuyên quan tâm chăm lo, làm tốt công tác giáo dục lý luận chính trị cho cơ sở.

Trên cơ sở Quy định 54 - QÐ/BCT của Bộ Chính trị về “Chế độ học tập lý luận chính trị trong Ðảng”, từ thực tế chất lượng của 40 tổ chức cơ sở, năng lực và sự hoạt động của đội ngũ trên 2.000 đảng viên, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề và Chương trình hành động về công tác giáo dục lý luận chính trị. Ban Thường vụ Huyện ủy lựa chọn 12 cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ đại học về chuyên môn, cao cấp, cử nhân về lý luận chính trị, có kinh nghiệm, am hiểu thực tiễn của huyện, nhiệt tình với công tác giáo dục lý luận chính trị, có nghiệp vụ sư phạm cần thiết  thành lập tổ giảng viên kiêm chức và phân công đồng chí Ủy viên thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo làm tổ trưởng.

Với vai trò nòng cốt, phát huy tính tích cực, chủ động, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị (BDCT) huyện bám sát thực tế, xuất phát từ yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở cơ sở để mở lớp. Phối hợp với Ban Tổ chức Huyện ủy nắm, tổng hợp, phân tích thực trạng và tỷ lệ đảng viên hiện có ở  15 xã, 131 thôn, bản từ đó xây dựng nội dung, kế hoạch mở lớp hàng năm. Trong quá trình giảng dạy coi trọng cung cấp kiến thức giáo dục lý luận theo chương trình giáo dục lý luận của Ban Tuyên giáo Trung ương quy định, đồng thời gắn kết với tình hình thực tế kinh tế - xã hội, quốc phòng, quân sự, an ninh của địa phương. Hiện huyện còn gần 64% hộ nghèo, có 8/15 xã biên giới, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, các giảng viên chủ động, khuyến khích học viên tích cực đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác xóa đói giảm nghèo; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đoàn viên, đảng viên trong thanh niên các dân tộc và xóa bản chưa có đảng viên, nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở, xây đời sống văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, bài trừ các tệ nạn xã hội... từ đó làm cho bài giảng sinh động, thuyết phục. Hàng năm, đội ngũ giảng viên chuyên trách và kiêm chức được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, nghiệp vụ soạn giáo án và nghệ thuật trình bày bài giảng, cách thức chủ trì một buổi thảo luận...

Thực hiện phương châm “Lý luận gắn liền với thực tế, học đi đôi với hành”, Trung tâm tổ chức cho học viên đi thực tế ở các chi, đảng bộ cơ sở trao đổi kinh nghiệm công tác bồi dưỡng, phát triển Ðảng, nghiệp vụ công tác xây dựng Ðảng; đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ, các điển hình trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế trang trại, sản xuất, chăn nuôi, thương mại, dịch vụ... Bình quân mỗi năm mở từ 12 - 15 lớp, số lượng từ 600 - 800 lượt học viên. Qua khảo sát ở các cơ sở Ðảng, hầu hết các cấp uỷ đều nhận xét: Cán bộ, đảng viên sau khi được bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị tại Trung tâm khi trở về công tác đã nâng cao về nhận thức, quan điểm lập trường, vận dụng có hiệu quả kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Biết phân tích đánh giá tình hình một cách đúng đắn sát thực, vận dụng và cụ thể hoá những kiến thức đã học vào thực tế công việc mà cán bộ, đảng viên đó đảm nhận.

Công tác giáo dục lý luận chính trị ở huyện  Nậm Pồ đã góp phần tích cực củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân với Ðảng, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc; thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu kinh tế - xã hội nhờ đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng bộ, tạo sự chuyển biến trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ ngay từ cơ sở xã, thôn, bản.

Ðỗ Quang Khải
Bình luận
Back To Top