Những “mốc sống” biên cương

15:18 - Thứ Hai, 05/02/2018 Lượt xem: 7967 In bài viết
ĐBP - Tây Bắc đẹp không chỉ riêng mùa xuân với chồi non lộc biếc, mà còn đẹp hơn khi bước vào mùa khô. Những cung đường, những bản làng đắm mình trong mây, trong sương và bạt ngàn hoa cỏ. Ở nơi đó, cũng có màu xanh áo lính của những chiến sĩ biên phòng, đang từng giờ, từng phút kiên trì bám trụ, gắn kết với đồng bào để bảo vệ và gìn giữ từng tấc đất, ngọn cỏ quê hương...

Cùng lực lượng dân quân, công an xã và chiến sĩ Ðồn Biên phòng Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ) tuần tra biên giới vào một ngày giữa đông, tôi mới thấm được giá trị, ý nghĩa và trách nhiệm lớn lao mà các anh đang từng ngày thực hiện. Mục tiêu chuyến đi lần này là mốc 44 và 45; đây là 2 mốc gần nhất trong số 6 cột mốc (từ 41 - 46) mà đồn quản lý. Không chỉ là hoạt động thường xuyên đơn vị tổ chức theo định kỳ, mà đã thành thông lệ mỗi khi có cán bộ, chiến sỹ mới về nhận công tác, bao giờ cũng phải tham gia các chuyến tuần tra biên giới, để nắm bắt, quen dần với địa hình, địa bàn cơ sở, và nhất là các tuyến đường biên, cột mốc giới do đơn vị quản lý.

 

Chiến sĩ Ðồn Biên phòng Nà Bủng tuần tra biên giới.

Cũng như mọi chuyến tuần tra, lần này hành trang mang theo ngoài quân tư trang, súng đạn, ống nhòm… phục vụ công tác nghiệp vụ, các anh còn nặng vai bởi lương thực, thực phẩm cho cả đoàn, do phải ăn trưa trên mốc. Phải mất hơn 1 giờ đồng hồ vượt qua những bụi lau lách cao quá đầu người, men theo các dốc dựng đứng đi sâu vào rừng, chúng tôi mới tới cột mốc đầu tiên - mốc 44, nằm ở dãy núi cao nhất, nhì khu vực. Sau động tác đứng nghiêm trang, đưa tay chào mốc đầy thiêng liêng, người trưởng đoàn giới thiệu với các chiến sĩ mới về vị trí, lịch sử xây dựng và ý nghĩa của cột mốc, họ sẽ phải ghi nhớ và nhắc lại trong các lần tuần tra sau. Trong dòng cảm xúc đầy tự hào, tự tôn dân tộc, mỗi người một việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra từng chi tiết trên thân cột mốc, để đảm bảo không bị phá hoại, hư hỏng. Công việc này diễn ra thường xuyên, nhìn thì đơn giản nhưng phải trải nghiệm mới thực sự cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của nó, bởi mỗi cột mốc thể hiện cho sự toàn vẹn của chủ quyền và hình ảnh quốc gia.

Sau giây phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, đoàn tiếp tục cuộc hành trình gian nan hơn, đi sâu vào rừng, men theo các con đường cheo leo trên đỉnh núi để tiếp tục đến với mốc 45 và sẽ nghỉ trưa, ăn cơm tại đó. Những giọt mồ hôi thấm ướt lưng áo người chiến sĩ giữa ngày đông rét buốt, đã phần nào phản ánh sự vất vả của chặng đường. Như đoán trước dòng suy nghĩ của chúng tôi, Chính trị viên Lò Văn Ván tâm sự: “Ðây chỉ là 2 mốc gần và dễ đi nhất, nhưng cũng phải nửa ngày đường rồi. Các mốc xa thì đằng đẵng đi bộ mấy ngày như thế này mới đến. Thương anh em, nên sau mỗi chuyến tuần tra về, đơn vị đều tạo điều kiện để anh em được chăm sóc, nghỉ ngơi, lấy sức cho những cuộc hành trình tiếp theo. Bởi tuần tra không phải trong ngày một, ngày hai, mà là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài”.

Còn đối với cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Pa Thơm (huyện Ðiện Biên), đường tuần tra biên giới không chỉ là 31km đường biên dốc đá dựng đứng, mà họ còn phải vượt qua hơn 10km đường sông, suối với bao thác ghềnh khúc khuỷu, hiểm trở... Mỗi chuyến tuần tra như thế, phải mất vài ngày cơm đùm, gạo nắm, vượt qua gió rét, vắt, muỗi mới tới nơi làm nhiệm vụ. Thiếu tá Ðặng Văn Hạnh, Phó Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Pa Thơm tâm sự: “Nhiệm vụ nhiều, dàn trải cả năm, nhưng với chúng tôi những ngày giáp tết này mới chính là mùa chiến dịch, bởi tội phạm hoạt động mạnh hơn. Chính vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ càng phải dốc sức, gần như không có ai về phép vào dịp này, mọi người không ở đồn thì lại xuống bản đón tết với nhân dân. Xen lẫn trong những ngày ấy, chúng tôi lại phân công anh em lên đường tuần biên, 3 người một tổ, cắt rừng lội suối mà đi, thường là phải vài ngày mới hết địa bàn. Anh em ở đây lại chủ yếu toàn người dưới xuôi, từ các tỉnh: Hải Phòng, Nam Ðịnh, Thái Bình... lên công tác. Công việc cuốn đi, nhiều cái tết với nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương cứ thế trôi qua trong thầm lặng!”.

 

Chiến sĩ Ðồn Biên phòng Nậm Nhừ và dân quân xã thực hiện nghi thức chào cột mốc 44.

Do có đường biên tiếp giáp với cả 2 nước: Lào và Trung Quốc, nên nhiệm vụ bảo vệ đường biên, mốc giới của Ðồn Biên phòng A Pa Chải (huyện Mường Nhé) lại càng đặc biệt gian nan. Ngoài thực hiện các biện pháp phối hợp tuần tra nội địa, mỗi năm đơn vị còn thực hiện 6 cuộc tuần tra song phương với Biên phòng huyện Giang Thành (TP. Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc); tuần tra 3 bên Việt - Trung - Lào được thực hiện mỗi năm 3 lần tại cột mốc số 0, ngã ba biên giới. Ðặc biệt dịp cuối năm, chiến sĩ biên phòng trực 24/24 giờ. Những ngày cận tết hay đêm giao thừa, lại càng tăng cường tuần tra trên địa bàn để đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững biên cương cho bà con đón tết trọn vẹn. Trong đó, những tổ vũ trang phải đi tuần từ 5 - 7 ngày đêm trong rừng dọc biên giới.

Còn ở Tây Trang thì mùa này rét lắm! Nhưng, với những chiến sĩ biên phòng, dù mưa rét hay nắng cháy, gió Lào, thì công việc của các anh vẫn là tuần tra, bảo vệ  vững chắc 10 cột mốc, trải dài trên 24km đường biên với nước bạn Lào. Trong dòng tâm sự đầy tự hào với chúng tôi đúng vào một ngày đông rét buốt nhất, Trung tá Phương Công Quý, Ðồn trưởng Ðồn Biên phòng Tây Trang nhớ như in cái ngày mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên thăm, với những chia sẻ, căn dặn đầy cảm xúc đối với cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị. Anh kể: “Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ đơn vị, Tổng Bí thư thân tình ví von chúng tôi với những câu thơ của nhà thơ quân đội Lưu Trùng Dương: Những chiến sĩ biên phòng/ Ðứng chon von dưới trời cao biên giới/ Chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi...”, và nhắn nhủ: Các đồng chí là những “mốc sống” của biên cương. Mốc vững thì biên cương vẹn toàn. Mà biên cương có vẹn toàn, thì đất nước mới phát triển”.

Với đặc điểm là địa bàn có đường biên, tiếp giáp với 2 nước: Lào và Trung Quốc, nhiệm vụ bảo vệ biên giới là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với Ðiện Biên. Sự hy sinh, gian khổ mà các cán bộ, chiến sĩ biên phòng trải qua để đánh đổi cho vẹn toàn lãnh thổ, sự bình yên trong mỗi bản làng không phải ít, và không thể nói bằng lời. Nó ẩn hiện sau những giọt mồ hôi ướt đẫm, những đôi bàn chân trầy xước vì băng rừng, vì vượt suốt; hay sau những bữa cơm nắm vội với cá khô, muối vừng; những đêm dựng lều, ngủ võng nơi “rừng thiêng nước độc”... Và như một lời hẹn “không hề lãng mạn”, những ngày của “năm cùng, tháng tận”, ngay khi xuân vẫn còn ngấp nghé ngoài biên giới, những người lính biên phòng lại sẵn sàng mũ áo, ba lô, súng ống, và hành trang mang theo không thể thiếu là những chiếc bánh chưng còn nghi ngút khói, các anh tiếp tục lặng lẽ lên đường... Dẫu trong bất cứ thời điểm, hoàn cảnh nào, các anh đã, đang và sẽ mãi là những “mốc sống” biên cương, từng ngày, từng giờ thầm lặng bảo vệ vững chắc miền biên ải Tổ quốc!

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top