Xử lý cán bộ là đau đớn nhưng phải chấp nhận để cơ thể Đảng khỏe mạnh

09:10 - Thứ Ba, 27/02/2018 Lượt xem: 8382 In bài viết
GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh điều này khi nhắc đến việc nhiều cán bộ đảng viên, đặc biệt là cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật trong năm qua.

Lò đã nóng thì củi tươi cũng phải cháy

Cuối tháng 10/2016, Nghị quyết Trung ương 4 khóa  XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được ban hành.

 

Giáo sư Hoàng Chí Bảo.

Hơn 1 năm chưa phải đã dài và việc thực hiện Nghị quyết vẫn đang diễn ra, song có thể khẳng định những việc Đảng ta đã làm là khởi sắc và đáng tin cậy, tạo ra sự chuyển động của cả hệ thống cho đến các đoàn thể chính trị  - xã hội, nhân dân hỗ trợ cho Đảng, góp sức vào xây dựng Đảng.

GS Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, chúng ta đã có những bước đi quan trọng, trong đó gắn liền với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo ra sự chuyển biến, đổi mới tích cực cả về nhận thức và hành động.

Không chỉ trong cán bộ, đảng viên, mà về cơ bản, nhân dân đều biết đến chủ trương lớn của Đảng ta, việc thực hiện Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, trở nên thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

Câu nói của Tổng Bí thư: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy” trở thành quyết tâm chính trị, thành hồi kèn báo hiệu công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã đi vào giai đoạn quyết định. Đã đến lúc tình thế chín muồi đòi hỏi Đảng ta phải hành động quyết liệt, kết hợp giữa sức mạnh trí tuệ và đạo đức, đồng thời cả bản lĩnh chính trị. Dĩ nhiên phải có phương pháp và có những bước đi thích hợp, vì một trong những yêu cầu đặt ra là ổn định chính trị- xã hội, tạo tiền đề thúc đẩy công cuộc đổi mới phát triển lành mạnh, không chệch hướng cũng như chủ động sáng tạo trước sự phá hoại của kẻ thù.

Theo nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, kết quả chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua cho thấy những tín hiệu khởi sắc, rất đáng mừng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công khai tất cả các kết quả kiểm tra và kiến nghị những biện pháp xử lý thích đáng để các cấp có thẩm quyền trong Đảng từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương xem xét và xử lý đối với nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái, kể cả cán bộ cấp cao.

Việc cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng công khai tất cả các kết quả kiểm tra làm nức lòng dân chúng, người dân cảm thấy Đảng không né tránh sự thật, sẵn sàng đương đầu với sự thật.

“Xử lý cán bộ là điều đau đớn nhưng sẵn sàng chấp nhận để chữa cho cơ thể của Đảng được khỏe mạnh, làm cho sức khỏe của Đảng, của chế độ ta lành mạnh thì dân mới tin, mới theo, đất nước mới phát triển lành mạnh được”- GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, việc kỷ luật cán bộ vừa thể hiện quyết tâm, quyết liệt của Đảng ta, nhưng mặt khác cũng rút ra những bài học cần thiết về sự yếu kém của công tác tổ chức cán bộ, từ đánh giá cán bộ không đúng dẫn đến bố trí không đúng, rồi buông lỏng kiểm tra giám sát thì mới dẫn đến việc cán bộ mới vào cuộc, còn rất trẻ, nhưng đã hư hỏng sớm.

Nó cũng cho thấy rõ một điều, việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực, những bê bối của một bộ phận cán bộ đảng viên bắt đầu từ dư luận xã hội, ở người dân, cơ quan tổ chức kiểm tra của Đảng vào cuộc, chứ nội bộ sinh hoạt Đảng từ Chi bộ một số nơi còn yếu. Sinh hoạt Đảng các cấp là nơi để Đảng tăng cường sức chiến đấu, lẽ ra phải đấu tranh phê bình và tự phê bình thường xuyên, nghiêm chỉnh để tự bảo vệ lấy mình trong sạch. Đây chính là điểm còn bộc lộ yếu kém, hạn chế, nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý.

“Yếu kém và những hạn chế này từ trong các tổ chức Đảng và sinh hoạt Đảng thì mới dẫn đến sự xuất hiện tham nhũng và những sai phạm lớn ngay trong Đảng, trong các cơ quan công quyền của nhà nước. Từ đây, chúng ta cần rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời bằng cách sửa chữa và hoàn thiện các văn bản chính sách luật pháp để làm công cụ trong quản lý và kiểm tra, giám sát. Nếu làm tốt việc này thì sẽ giảm thiểu một cách tối đa tiêu cực xảy ra” – GS Hoàng Chí Bảo cho hay.

Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế được xét xử nghiêm minh

Bàn về những kết quả đã đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, việc đưa những vụ án tham nhũng, kinh tế ra xét xử trước pháp luật là một trong những thành công lớn.

 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc.

Nổi lên trong số đó là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, đã một thời sáng giá, công trạng cũng không ít, nhưng trong quá trình hoạt động, điều hành, những người lãnh đạo tập đoàn đều phạm phải những sai lầm, cố ý làm trái quy định của Đảng và nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Các vụ án được đưa ra xét xử lần này được xã hội rất quan tâm, đồng tình, cho thấy đã đến lúc cần xử lý vấn đề tham nhũng, tiêu cực một cách công khai, minh bạch, khách quan, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không có bất cứ ai đứng trên luật pháp, đứng trên công luận.

Những vụ án xét xử đúng người, đúng tội nhưng đồng thời cũng đảm bảo yếu tố nhân văn, giáo dục, khách quan, cân nhắc đến cả công và tội trong việc đưa ra các mức án. Những bước đi và sự kiện đã diễn ra như thế trong năm 2017 và đầu năm 2018 đã tạo một niềm tin, một sự phấn khởi trong toàn dân, toàn Đảng. Cho thấy Đảng ta có đủ khả năng và bản lĩnh để đẩy lùi tham nhũng nếu thực sự tôn trọng sự thật, tôn trọng công lý, biết dựa vào dân.

“Nhiều cán bộ khi được trao quyền lực mà không được kiểm soát tốt thì dẫn tới hư hỏng, tham nhũng, suy thoái. Nên việc chống tham nhũng là việc làm cần thiết, làm bài bản, cẩn trọng, quyết tâm và phải làm thường xuyên liên tục. Việc xử lý kỷ luật cần nghiêm minh, minh bạch bằng pháp luật của Nhà nước chứ không chỉ dừng lại ở kỷ luật Đảng” – ông Nguyễn Trọng Phúc nói và cho biết, mục đích cuối cùng của kỷ luật cán bộ nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa để cán bộ không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng và không dám tham nhũng.

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cũng cho rằng, trong thi hành kỷ luật Đảng, kiểm tra từ cấp trên đến cấp dưới sẽ thuận hơn, dễ phát hiện và dễ vào cuộc hơn. Còn kiểm tra ngang cấp nhiều khi khó phát hiện, bởi trong nội bộ cơ quan, đơn vị đâu đó còn thiếu khách quan, bị che lấp bởi quan hệ này, quan hệ khác. Đây là một thực tế cần phải nhìn nhận để thấy ở cấp dưới nhiều nơi vào cuộc chưa thật quyết liệt như mong muốn. Vấn đề này cần phải tính đến trong phương thức hoạt động của Ủy ban Kiểm tra, phải có sự phối hợp, kết hợp giữa cấp trên và cấp dưới như thế nào để mang lại hiệu quả tích cực.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, phẩm chất và năng lực của người đứng đầu, sự mẫu mực, nêu gương cũng như thái độ kiên quyết đấu tranh của họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Gương mẫu của người đứng đầu còn tạo ra động lực để thúc đẩy niềm tin của nhân dân. Chính vì vậy, sự gương mẫu rất quan trọng, là minh chứng sinh động đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết, văn kiện của Đảng đi vào cuộc sống có hiệu quả.

“Trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị - xã hội, xây dựng bộ máy, chống tiêu cực, tham nhũng… nếu người đứng đầu đề cao trách nhiệm vào cuộc và bản thân họ cũng là người trong sạch, gương mẫu thì mọi việc sẽ ổn. Phải nghiêm từ trên xuống dưới, trong tổ chức Đảng đến bên ngoài, từng cán bộ đảng viên phải đề cao trách nhiệm thì từ đó mới phát huy được sức mạnh của gần 5 triệu đảng viên” – ông Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ./.

P.V (Theo VOV)
Bình luận
Back To Top