Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XIV

Thảo luận tại tổ, đại biểu đóng góp nhiều ý kiến vào báo cáo, tờ trình

17:44 - Thứ Hai, 16/07/2018 Lượt xem: 9869 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (16/7), tiếp tục chương trình ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XIV, đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu mời là đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh đã tham gia thảo luận tại 5 tổ. Với trách nhiệm trước cử tri, các đại biểu tập trung trao đổi, nêu nhiều ý kiến, kiến nghị thẳng thắn, nhằm làm rõ nhiều vấn đề, nội dung xung quanh các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Trong đó, nhiều ý kiến chỉ rõ những điểm còn tồn tại, hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp khắc phục hạn chế, khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

 Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá và thảo luận những kết quả nổi bật và tồn tại, hạn chế trong Báo cáo Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018. Các ý kiến đại biểu tập trung vào các nội dung: Công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, ngành; đề xuất xây dựng các giải pháp để tăng trưởng trên các lĩnh vực nông – lâm nghiệp - công nghiệp; đầu tư, xây dựng, thu hút đầu tư; thu, chi ngân sách; lao động – việc làm; chế độ bảo hiểm y tế; giải quyết chế độ cho người có công; các chương trình giảm nghèo, nông thôn mới; phòng chống tham nhũng; cải cách hành chính; tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn, vấn đề quốc phòng – an ninh khu vực biên giới. Một số nội dung được đại biểu thảo luận sôi nổi liên quan đến các vấn đề: Một số dự án trọng điểm chưa chi tiết, rõ ràng, thiếu khả thi; công tác thanh tra, kiểm tra 6 tháng đầu năm thực hiện 490 cuộc - như vậy là quá nhiều, vì thế có đại biểu đề nghị hạn chế thanh tra, kiểm tra, đồng thời có kế hoạch lồng ghép các cuộc thanh tra, kiểm tra với các cơ quan chuyên môn; cần làm rõ trách nhiệm của các ngành trong cải cách hành chính...

Theo đó, các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận: Công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, chất lượng công tác phối hợp tham mưu, xử lý của một số ngành, đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch còn hạn chế; trình độ năng lực quản lý chuyên môn và ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức chưa tốt, dẫn đến thực hiện nhiệm vụ chưa đồng bộ, sát sao, chất lượng thấp. Vì thế HĐND tỉnh cần đẩy mạnh rà soát, tăng cường công tác giám sát, chỉ đạo, tham mưu để các sở, ngành, đơn vị nâng cao chất lượng cán bộ, công chức quản lý.

Nhiều đại biểu cho rằng, năm nay tiến độ triển khai, giải ngân các chương trình, dự án, nhất là dự án trọng điểm còn chậm. Việc triển khai còn tồn đọng nhiều hạn chế, yếu kém mà trong mục giải pháp chưa nêu ra biện pháp khắc phục cụ thể. Do đó cần sự vào cuộc, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tham mưu của HĐND tỉnh để tỉnh tăng cường rà soát cơ chế, chính sách, kêu gọi vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

 

Đồng chí Lò Văn Mừng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đóng góp ý kiến vào báo cáo, tờ trình tại phiên thảo luận tổ.
Các đại biểu cũng đề nghị HĐND tỉnh xem xét vấn đề trồng cây cao su, cây mắc ca trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc chuẩn bị trồng cây mắc ca tại xã Sín Thầu, Sen Thượng (huyện Mường Nhé) chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, liên quan đến vấn đề thổ nhưỡng, lao động và an ninh trật tự khu vực. Liên quan đến Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn trên địa bàn các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, các đại biểu cho rằng, hiện nay ở địa bàn các xã vùng cao trong tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới; đồng thời nêu ra những tồn tại trong công tác tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương, khiến việc đạt các tiêu chí còn chậm, chưa đồng đều. 

Vấn đề cải cách hành chính cũng được nhiều đại biểu quan tâm, cho rằng: Mặc dù kết quả trong cải cách hành chính đã có chuyển biến, song trên thực thế khi triển khai ở một số nơi còn bất cập, chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh nên kết quả chưa cao, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Điều này cũng có tác động trực tiếp đến kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; hiện nay so với mặt bằng chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và còn khiêm tốn. Đại biểu đề nghị tỉnh cần có những giải pháp mạnh hơn trong thời gian tới để tạo bước đột phá trong cải cách công quyền, thủ tục hành chính, nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh cấp tỉnh.

Ý kiến một số đại biểu nêu ra: Tính tới tháng 5/2018 còn trên 100 doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội trên 3 tháng, với tổng số hơn 10 tỷ đồng. Do đó đề nghị HĐND tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về bảo hiểm xã hội để giải quyết tình trạng trên.

Đối với các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, cơ bản đại biểu đều nhất trí. Một số ý kiến góp ý bổ sung và đề cập xem xét lại các nội dung, mức chi, hỗ trợ, nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Chủ yếu đại biểu tập trung vào các tờ trình về: Quyết định biên chế công chức trong các cơ quan của HĐND, UBND và phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các hội có tính chất đặc thù thuộc tỉnh Điện Biên năm 2018; Danh mục dự án điều chỉnh, bổ sung cần thu hồi đất và dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ vào các mục đích khác năm 2018 trên địa bàn tỉnh.

Tin, ảnh: Phương Liên – Phạm Quang
Bình luận
Back To Top